Ngày BHYT Việt Nam 1/7: Chung tay hiện thực hóa mục tiêu “BHYT toàn dân”
(TN&MT) - Ngày Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam năm 2024 có chủ đề “Sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở”.
Đây là dịp cao điểm truyền thông nhằm gia tăng nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ BHYT và chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. Từ đó, ngày càng thu hút người dân tham gia BHYT, tiến tới mục tiêu bảo hiểm BHYT.
Cả nước có khoảng 93,6 triệu người tham gia BHYT
Theo thống kê, hết năm 2023, cả nước có khoảng 93,6 triệu người tham gia BHYT; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt gần 93,35% dân số, tiệm cận với mục tiêu bảo hiểm BHYT. Công tác tác giải quyết, chi trả chế độ BHYT được đảm bảo; việc tiếp cận các dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT của người dân ngày càng được mở rộng.
BHXH Việt Nam cho biết, ước hết tháng 6/2024, cả nước có khoảng 89,552 triệu lượt người khám, chữa bệnh BHYT nội trú và ngoại trú (tăng 6,563 triệu lượt người, tương đương 7,91% so với cùng kỳ năm 2023); số tiền giám định, thanh toán hơn 66,92 nghìn tỷ đồng.
Việc gia tăng số người tham gia BHYT, cũng như gia tăng số lượt khám, chữa bệnh BHYT trên toàn quốc cho thấy chính sách BHYT đang đi đúng định hướng và đã trở thành một nguồn tài chính đáng kể góp phần cùng ngân sách nhà nước trong công tác bảo vệ, chăm sóc hiệu quả sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, điều đó cũng gia tăng áp lực với cơ quan quản lý Quỹ BHYT trong việc đảm bảo an toàn quỹ vì mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.
Sử dụng quỹ BHYT hiệu quả
Nhằm đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, để mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách BHYT nhân văn, ưu việt của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi phải phát triển BHYT bền vững, bằng hai yêu cầu rất cơ bản đó là: Đạt bao phủ bảo hiểm BHYT và bảo đảm bền vững tài chính.
Về mục tiêu phát triển bảo hiểm BHYT, thời gian qua, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị (100% các xã, huyện và tỉnh trên toàn quốc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT), BHXH Việt Nam đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển bền vững tỷ lệ người tham gia BHYT trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chưa như kỳ vọng.
Bên cạnh đẩy mạnh truyền thông vận động, khuyến khích người dân chủ động, tích cực tham gia BHYT như một nhu cầu thiết yếu, toàn ngành BHXH còn tích cực triển khai Chương trình “Mang Tết ấm cho người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình”, nhằm tạo cơ hội để người có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận chăm sóc sức khỏe bằng BHYT, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “BHYT toàn dân” đã được đề ra tại các nghị quyết của Đảng.
Với ý nghĩa thiết thực, Chương trình đã nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp; các sở, ban, ngành đoàn thể và sự ủng hộ, đồng hành của rất nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm. Nhiều doanh nghiệp đã tham gia Chương trình như một hoạt động thường niên, dành một khoản kinh phí đáng kể từ quỹ hoạt động xã hội của đơn vị để đồng hành cùng Chương trình.
Qua 4 năm thực hiện (2020-2023), đã có khoảng 412,7 nghìn người có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHYT hộ gia đình. Số người được trao tặng thẻ BHYT tăng qua từng năm, cụ thể: năm 2021 là 10.180 người; năm 2022 là 128.338 người (gấp 12,6 lần) và năm 2023 là 274.206 người (gấp 26,9 lần) so với năm 2021.
Giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT
BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám định và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT; giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh BHYT…
Đồng thời, tích cực phối hợp với Bộ Y tế trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật về BHYT; tập trung giải quyết vướng mắc trong tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, tạo thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh và đảm bảo tốt quyền lợi của người tham gia BHYT theo luật định.
Có thể khẳng định, công tác thực hiện chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước ta đã đạt được những thành tích tích cực. Nhưng thực tế cho thấy, để phát triển BHYT bền vững, tiến tới bảo hiểm BHYT, điều kiện quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cũng như ý thức của người dân, cơ sở y tế về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, gắn với việc đảm bảo an toàn và sử dụng hiệu quả quỹ BHYT.
Do vậy, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; cũng như phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHYT.