Công nhân môi trường là nghề vất vả mà thầm lặng |
Mặc dầu, không khí phố xá ở Đà Nẵng trong dịp 8/3 năm nay không được sôi động như mọi năm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng cũng nhộn nhịp thấy rõ so với ngày thường. Trên những con đường, không khó để bắt gặp hình ảnh của chị em phụ nữ trong nụ cười hạnh phúc bên chồng, cùng những bó hoa, món quà đắt giá trên tay.
Đâu đó, ở một góc phố, con hẻm nhỏ; tiếng chổi xào xạc của những cô lao công vẫn vang lên giữa đêm khuya. Niềm yêu nghề và gánh nặng cơm áo gạo tiền trên vai dường như đã khiến họ không còn nhớ đến 8/3 là ngày của mình nữa.
Công việc của họ thường bắt đầu từ 5h chiều cho đến tận khuya |
Tâm sự nghề lao công
Trò chuyện với PV, chị Đoàn Thị Kiều Hạnh (44 tuổi, làm việc tại quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề này, tính đến nay cũng đã được 5 năm rồi. Vì kinh tế khó khăn, không thể xin được việc nào khác hơn, tôi đành chọn nghề này. Công việc của tôi thường bắt đầu từ 5 giờ chiều cho đến 12 giờ đêm, có hôm trễ hơn thì đến 1, 2 giờ sáng mới xong việc. Khó khăn lớn nhất của nghề này có lẽ là môi trường làm việc phải thường xuyên ở ngoài đường, đôi lúc khó tránh khỏi những nguy hiểm. Nhiều lúc quá tập trung vào công việc, không để ý xung quanh dễ bị va chạm bởi xe cộ trên đường. Đêm hôm khuya khoắt, đi làm về gặp lúc xe bị hư hỏng thì rõ khổ. Ngoài ra, việc tiếp xúc với bụi bẩn, chất thải độc hại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thể trạng. Nhưng vì hiểu tính chất công việc nên tôi cũng đành chấp nhận thôi.”
Vừa làm, vừa vui vẻ trò chuyện với PV, Chị Nguyễn Thị Hà Viên (41 tuổi, trú tại quận Thanh Khê) tâm sự: “Để tìm được một công việc phù hợp với người trung niên thật sự rất khó. Đa số, đến với nghề này đều là những chị em đã lớn tuổi. Dù trời mưa hay nắng, những công nhân vệ sinh môi trường như chúng tôi đều phải đi làm. Công việc thu gom rác thải chủ yếu vào ban đêm, mà chị em phụ nữ chân yếu tay mềm không có khả năng xử lý những tình huống nguy hiểm có thể xảy đến với mình khi lượng người đi trên đường càng thưa. Có những hôm đau ốm, dù cảm thấy rất mệt nhưng vì công việc cũng gắng đi. Thử tưởng tượng không có người dọn dẹp, quét rác thì chắc có lẽ qua một đêm thôi, sáng ra đã thấy rác thải rất nhiều.”
Rác thải ô nhiễm dễ gây tổn hại đến sức khỏe của người công nhân |
Đằng sau công việc ấy là cả một câu chuyện dài
Rưng rưng nước mắt, chị Hạnh cho biết thêm về công việc mưu sinh của mình. Được biết, sau khi trừ bảo hiểm ra thì thu nhập hằng tháng của chị khoảng dưới 4 triệu rưỡi. Chồng chị cũng là một công nhân. Thu nhập không cao, cuộc sống khó khăn khi phải trang trải cho 2 con đang tuổi ăn tuổi lớn và chăm sóc cho cha đã già. Chính vì vậy, chị Hạnh luôn cố gắng khắc phục khó khăn, tính toán chi phí sinh hoạt hợp lý để có thể lo chu toàn mọi việc trong gia đình. Ngoài công việc này, ở nhà những lúc rảnh rỗi chị còn tranh thủ nhận việc để làm thêm. Nhiều lúc vì tính chất công việc quá khắc nghiệt, chị cũng có nghĩ đến việc sẽ bỏ, nhưng rồi nghĩ về những đứa con, chị lại tiếp tục. Tuy vất vả, nhưng niềm vui lớn nhất của chị là luôn được chồng con động viên tinh thần.
Hoàn cảnh chị Viên khá hơn một chút khi chồng làm nghề xây dựng, cùng chị chia sẻ chi phí trong cuộc sống và đỡ phần nào gánh lo toan. Chị kể rằng, vì thấy làm nghề này “cực”, thành ra lúc mới xin vào làm, chồng con chị cương quyết ngăn cản. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên chị cố gắng thuyết phục, lâu dần chồng con cũng đành chấp nhận. Khi vào làm, nhiều người vì không thể chịu đựng được mùi hôi thối của rác thải và lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe nên đã bỏ nghề. Phải thật sự yêu nghề mới có thể gắn bó với nghề này lâu dài được. Chị luôn tâm niệm rằng, công việc của chị phải quét hết rác chứ không phải làm hết giờ. Chính vì vậy, trong tâm thế tập trung để hoàn thành tốt phần việc, chị vội ngồi xuống sửa lại dây quấn chổi bị tuột, rồi tranh thủ đẩy chiếc xe đầy ắp rác đến đoạn đường khác để làm việc. Bóng chị dần khuất xa trong ánh điện đường mờ mờ, ảo ảo.
Những người phụ nữ nhỏ bé làm việc hăng say, tích cực đóng góp cho sự tươi đẹp của thành phố |
Không ai có thể phủ nhận vai trò to lớn của những người phụ nữ làm công nhân vệ sinh môi trường. Họ mới chính là những người phụ nữ hiện đại, khi vừa tham gia cống hiến làm nên sự tươi đẹp, sạch sẽ cho những con đường, nói rộng hơn là cả một thành phố; vừa là người giữ lửa cho tổ ấm gia đình. Giữa đêm khuya, khắp các nẻo đường, ngõ xóm; bóng dáng của những người phụ nữ ấy hiện lên thật nhỏ bé mà đáng kính biết bao.
Nhân ngày 8/3, thầm cầu chúc cho những người phụ nữ “cống hiến thầm lặng” ấy có thật nhiều sức khỏe, luôn vui tươi, yêu đời, yêu nghề và mãi là “đóa hoa” tỏa hương thơm giữa bầu trời thành phố đáng sống.