Ngành TN&MT TP.HCM: Đóng góp trực tiếp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố

Nguyễn Quỳnh (thực hiện)| 20/06/2022 09:58

(TN&MT) - Trong 20 năm qua, TP.HCM luôn giữ vững là đầu tàu kinh tế, đóng góp trên 20% GDP và gần 30% ngân sách cả nước. Đồng thời, thành phố cũng đang từng bước vươn lên trở thành trung tâm tài chính của khu vực Đông Nam Á.

Đạt được thành tựu trên có nhiều đóng góp to lớn của ngành TN&MT thành phố. PV Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Toàn Thắng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM về quá trình phát triển và những kết quả nổi bật trong công tác quản lý Nhà nước về TN&MT trong 20 năm qua.

t22.jpg

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Thành ủy viên, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM

PV: Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật của ngành TN&MT TP.HCM trong việc đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM trong 20 năm qua?

Ông Nguyễn Toàn Thắng:

Trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, Sở TN&MT TP.HCM nói riêng và ngành TN&MT thành phố nói chung đã trải qua không ít khó khăn từ hoàn thiện tổ chức bộ máy đến các lĩnh vực quản lý “nóng”, gắn liền với đời sống xã hội. Song, với tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm, không ngừng nỗ lực, Sở TN&MT đã hoạt động ổn định, đạt được nhiều thành tựu và từng bước phát triển, từng bước khẳng định được vị thế, vai trò là cơ quan tham mưu, là chỗ dựa tin cậy trong công tác quản lý về tài nguyên và bảo vệ môi trường của Thành uỷ, HĐND, UBND TP.HCM. Đặc biệt, những kết quả của ngành TN&MT thành phố đã đóng góp trực tiếp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.

Trong đó, công tác quản lý đất đai ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, được thể hiện trên các mặt như: công tác lập, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất từng bước được thực hiện kịp thời, đúng quy định đã tạo thuận lợi lớn trong việc định hướng, bố trí sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực, đáp ứng được yêu cầu trong việc phát triển kinh tế - xã hội… Việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giảm dần việc sử dụng đất tự phát; góp phần tăng nguồn thu tài chính từ đất đai.

Từ kết quả đó, nhiều dự án khu đô thị, giao thông trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng cơ sở, hạ tầng đô thị của TP.HCM ngày càng hiện đại. Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng đã có nhiều giải pháp đẩy nhanh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân và tổ chức. Kết quả đạt được đã đáp ứng nhu cầu chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp; góp phần tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn thành phố, đảm bảo việc thực hiện các giao dịch về đất đai, là một trong những nguồn vốn tái đầu tư góp phần phát triển kinh tế thành phố.

Đặc biệt, chỉ tính từ ngày 1/7/2014 đến nay, Sở TN&MT TP.HCM đã trình UBND thành phố phê duyệt hơn 600 Quyết định về hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, hơn 300 Quyết định về phương án giá đất theo giá thị trường, làm căn cứ xác định các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai. Tổng số tiền thu nộp ngân sách là hơn 240.000 tỷ đồng từ các nguồn như: tiền sử dụng đất; tiền thuê đất; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; phí, lệ phí.

Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường…, ngành TN&MT thành phố cũng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển nhanh, bền vững của thành phố. Cụ thể, TP.HCM đang từng bước thực hiện lộ trình tiến tới chấm dứt khai thác nước dưới đất; thu gom, xử lý an toàn 100% chất thải rắn sinh hoạt; chủ động hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực để ứng phó với BĐKH… Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, Sở TN&MT TP.HCM đã bảo đảm công tác quản lý, điều phối việc thực hiện thu gom, vận chuyển và xử lý an toàn khối lượng chất thải y tế phát sinh đột biến, cao điểm có ngày lên tới 147,79 tấn/ ngày.

PV: Trong thời gian qua, TP.HCM luôn là địa phương tiên phong thí điểm và đề xuất Trung ương cho áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính đột phá trong thực thi pháp luật liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Xin ông cho biết cụ thể hơn về những đề xuất này và hiệu quả trong việc áp dụng trong thực tiễn tại TP.HCM?

Ông Nguyễn Toàn Thắng:

Tôi xin trao đổi về 3 nội dung mới mà Sở TN&MT TP.HCM đã đề xuất trong thực thi pháp luật có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, như sau:

Thứ nhất, về việc ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội (Nghị quyết 54 của Quốc hội) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong đó, có nhiều nội dung đột phá trong lĩnh vực đất đai và môi trường: HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quy định này đã rút ngắn đáng kể thời gian triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo cơ chế đặc thù đã có tác động làm chuyển biến về nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Thứ hai, Sở TN&MT đã tham mưu UBND TP.HCM trình Chính phủ cho áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Tiếp đó, Sở TN&MT đã trình UBND TP.HCM ban hành “Quy chế về phối hợp thực hiện trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để áp dụng trên địa bàn thành phố”, đảm bảo công khai, minh bạch nhằm rút ngắn thời gian thực hiện.

Thứ ba, Sở TN&MT đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM” với nhiều nội dung mang tính đặc thù của một đô thị đặc biệt. Mục tiêu của Đề án góp phần hoàn thiện, xây dựng đồng bộ hệ thống quản lý đất đai; tập trung giải quyết các vấn đề bất cập, hạn chế; tăng hiệu quả sử dụng đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố…

t22..jpg

TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường.

PV: Ông có thể chia sẻ những phương hướng, kế hoạch, mục tiêu chính của ngành TN&MT TP.HCM trong thời gian tới để ngày càng đóng góp nhiều hơn cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố?

Ông Nguyễn Toàn Thắng:

Sở TN&MT TP.HCM sẽ bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI để triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch. Trong đó, ngành TN&MT thành phố sẽ thực hiện hiệu quả quan điểm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM trong việc huy động mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, gắn với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH.

Trên cơ sở đó, Sở TN&MT TP.HCM đề ra các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu ban hành kịp thời các văn bản và cụ thể hóa các quy định pháp luật về TN&MT; nâng cao năng lực quản lý, củng cố tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa cơ sở vật chất; đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TN&MT, ứng phó với BĐKH.

Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ngày càng giữ vai trò quan trọng, đóng góp tích cực và trực diện hơn vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của địa phương, nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề phải quan tâm, giải quyết. Để tranh thủ thời cơ, biến thách thức thành điểm tựa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Sở TN&MT TP.HCM sẽ tiếp tục phát huy truyền thống gần 20 năm qua, tiếp tục có bước phát triển mới, vừa mang tính đột phá, vừa mang tính bền vững hơn nữa trong thời gian tới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành TN&MT TP.HCM: Đóng góp trực tiếp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO