Hướng tới Kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Bộ TN&MT (05/8/2002 - 05/8/2022), phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng xoay quanh vấn đề này.
PV: TN&MT được coi là lĩnh vực kinh tế, là nguồn lực đặc biệt quan trọng cho phát triển bền vững. Đề nghị ông cho biết rõ hơn vai trò, vị trí của ngành TN&MT Cao Bằng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương?
Ông Nguyễn Trung Thảo:
Ngành TN&MT được xác định là ngành có vị trí, vai trò quan trọng, trụ cột đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và tỉnh Cao Bằng nói riêng.
Với Cao Bằng, Sở TN&MT Cao Bằng là cơ quan chuyên môn tham mưu giúp UBND tỉnh Cao Bằng quản lý các lĩnh vực về TN&MT trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc, bản đồ và viễn thám; chủ động đề xuất các chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy hiệu lực, hiệu quả nguồn lực về đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước; tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương.
Những năm qua, ngành TN&MT Cao Bằng đã chủ động, tích cực tham mưu cho tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
PV: Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và từ năm 2021 đến nay, ngành TN&MT Cao Bằng đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung Thảo:
Nhìn lại năm 2021 cũng như cả nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, trong bối cảnh đất nước và tỉnh Cao Bằng gặp nhiều khó khăn thách thức, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn; các lĩnh vực quản lý của ngành, đặc biệt lĩnh vực đất đai luôn đứng hàng đầu trong nhóm vấn đề “nóng”, biến đổi khí hậu đã tác động ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, gây ra rất nhiều khó khăn, thách thức.
Bằng sự quyết tâm, nỗ lực, cố gắng của ngành TN&MT đã hoàn thành và đạt được nhiều kết quả đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Cao Bằng. Cụ thể, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về pháp luật của ngành ngày càng được chú trọng, tăng cường thực hiện. Công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thường xuyên được rà soát, đôn đốc, chỉ đạo quyết liệt. Công tác quản lý đất đai từng bước được chấn chỉnh, các nội dung quản lý nhà nước về đất đai được triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Đã hoàn thành công tác quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2030; công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng được tổ chức triển khai chặt chẽ, công khai, minh bạch; việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện đúng trình tự, thủ tục, gắn với sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Trong năm 2021, ngành TN&MT Cao Bằng thực hiện cấp trên 5.553 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tổ chức thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định thu hồi đất, giao đất đối với 83 hồ sơ, dự án với tổng diện tích 485 ha; cho thuê đất đối với 136 hồ sơ, dự án với tổng diện tích hơn 19.676 ha. Nguồn thu ngân sách từ ngành TN&MT đạt trên 400 tỷ đồng…
PV: Vậy những bất cập và hạn chế trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về TN&MT cần khắc phục trên địa bàn tỉnh Cao Bằng là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Trung Thảo:
Bên cạnh những kết quả đạt được, một số bất cập và hạn chế trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước về TN&MT cần khắc phục trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, cụ thể như: Vẫn còn một số nhiệm vụ đề ra chưa đảm bảo tiến độ, công tác tham mưu đôi lúc chưa kịp thời, chất lượng chưa cao, vẫn còn tình trạng chậm giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉnh lý biến động đất đai, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến kết quả cải cách hành chính, cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai (chỉ số PCI) của tỉnh.
Bên cạnh đó, chỉ số tiếp cận đất đai trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) còn rất thấp, ảnh hưởng chung đến kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh của tỉnh; sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan, đơn vị về các lĩnh vực liên quan đến TN&MT chưa cao; tỷ lệ đơn thư khiếu nại của công dân về các nội dung liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số đơn thư khiếu nại của tỉnh.
Các thủ tục như giá đất, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho khu vực đấu giá chậm, kéo dài, dẫn đến nguồn thu từ đất còn thấp so với kế hoạch đề ra. Công tác quản lý chuyển mục đích sử dụng đất chưa được triệt để, tại một số địa phương trong tỉnh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn có tình trạng người dân tự ý chuyển mục đích sử dụng đất.
PV: Thưa ông! Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT nhằm tạo nguồn lực to lớn phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo bền vững, ngành TN&MT Cao Bằng cần tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nào?
Ông Nguyễn Trung Thảo:
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực TN&MT, nhằm tạo nguồn lực to lớn phục vụ tốt nhất cho phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo bền vững, ngành TN&MT Cao Bằng cần tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể: Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai trong chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh; cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính đất đai, tăng cường số hóa dữ liệu lĩnh vực TN&MT; kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường, thực hiện tốt công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch để quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; cụ thể hóa thành chương trình hành động của ngành. Từng bước thực hiện chuyển đổi số các lĩnh vực của ngành TN&MT nhằm tăng hiệu quả hoạt động, năng suất lao động, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, cần phải xác định một số nhiệm vụ lớn, trọng tâm cần tập trung chỉ đạo thực hiện, đó là:
Tham mưu xây dựng quy hoạch tỉnh thuộc lĩnh vực ngành như: Đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng dụng viễn thám…, để tích hợp được vào quy hoạch tỉnh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Chuẩn bị kỹ lưỡng, tích cực tham mưu, triển khai hướng dẫn thực hiện công tác đền bù, thu hồi, tái định cư, công tác giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) để đáp ứng yêu cầu triển khai Dự án theo kế hoạch.
Sắp xếp lại tổ chức bộ máy để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo, tăng cường phân cấp, phân quyền, sắp xếp, kiện toàn các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; đề cao tính trách nhiệm của từng cá nhân người đứng đầu…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!