Ngành Tài nguyên và Môi trường: Đồng bộ kết nối tạo đột phá về quản lý

18/07/2019 11:16

(TN&MT) - Sự đồng bộ, năng động trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành TN&MT là chìa khóa dẫn đến thành công trong hoạt động quản lý, góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn mới.

T3
Người dân đến làm thủ tục đăng ký đất đai. Ảnh: MH

Báo cáo của chuyên đề Quy chế phối hợp công tác giữa các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở TN&MT của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ TN&MT) tại Hội nghị giao ban các tỉnh phía Nam mới đây nêu rõ: Ngày 8/8/2018, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 2499/QĐ-BTNMT quy định về phối hợp công tác giữa các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT và Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về TN&MT, sau gần một năm thực hiện, đã đạt được những kết quả tích cực.

Triển khai Hệ thống tương tác thông suốt

Với đặc thù của ngành TN&MT được Nhà nước giao quản lý nhiều lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm là đất đai, tài nguyên nước, địa chất khoáng sản, môi trường, khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo. Khối lượng thông tin, dữ liệu của ngành quản lý rất lớn, đa dạng và phức tạp. Đa số các lĩnh vực quản lý của ngành đều liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp. Chính vì vậy, công tác triển khai, ứng dụng công nghệ thông tin đã trở thành công cụ không thể thiếu trong hoạt động của các đơn vị, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của toàn ngành TN&MT.

Thực hiện Quyết định số 2499/QĐ-BTNMT, các Tổng cục, Cục đã phối hợp chặt chẽ với các Sở TN&MT trong các công tác: xây dựng, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật; thanh tra, kiểm tra; công tác điều tra cơ bản; cung cấp thông tin về các sự cố môi trường; phối hợp trong xây dựng và điều phối thực hiện Chương trình Mục tiêu ứng phó với Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020...

Xác định rõ tầm quan trọng đó, hiện, Văn phòng Bộ đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường xây dựng Hệ thống tương tác giữa Bộ TN&MT và Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (được phát triển trên cơ sở Hệ thống hồ sơ công việc của Bộ), trong đó, các Sở TN&MT tham gia vào Hệ thống như một đơn vị trong Bộ, có quyền truy cập, tiếp nhận, xử lý, gửi, nhận văn bản giữa Bộ với Sở, giữa các đơn vị trực thuộc Bộ với Sở và giữa các Sở TN&MT với nhau.

Đến nay, Bộ đã hoàn thành việc bàn giao tài khoản cho 63/63 Sở và hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng Hệ thống trực tiếp tại một số Sở: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, các Sở còn lại được hỗ trợ qua điện thoại và thư điện tử.

Kết quả thực hiện gửi, nhận và xử lý văn bản qua Hệ thống tính từ ngày 1/1/2019 đến hết tháng 5/2019 để lại nhiều dấu ấn trong toàn ngành.

Qua Hệ thống tương tác, Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ gửi các Sở văn bản đạt tỷ lệ 100%. Tổng số văn bản được Bộ và các đơn vị thuộc Bộ tiếp nhận qua Hệ thống tương tác là 1.660 văn bản (chiếm tỷ lệ trên 70% tổng số các văn bản nhận từ các Sở). Tổng số văn bản các đơn vị thuộc Bộ xử lý, trả lời là 516 văn bản (đối với các văn bản cần trả lời); trong đó, đúng hạn là 482 văn bản (chiếm trên 93%); hiện còn 34 văn bản (chiếm tỷ lệ 6,5%) đang được phân công xử lý và tiếp tục trả lời.

Đối với các Sở TN&MT, có 43/63 Sở thực hiện gửi văn bản đến Bộ qua Hệ thống tương tác; trong đó, một số Sở đã thực hiện gửi văn bản trên Hệ thống với số lượng lớn là TP. Hồ Chí Minh 301 văn bản, Bình Thuận 86 văn bản, Hà Tĩnh 81 văn bản, Ninh Bình 128 văn bản, Quảng Ninh 90 văn bản, Sơn La 83 văn bản, Thái Bình 150 văn bản, Thái Nguyên 76 văn bản…; 20 Sở còn lại vẫn xử lý và gửi văn bản theo đường bưu điện. Có 25 Sở TN&MT thực hiện gửi nhận 83 văn bản cho các Sở TN&MT khác qua Hệ thống.

Cung cấp chính xác, kịp thời thông tin thống kê

Văn phòng Bộ đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường tổ chức hướng dẫn các Sở TN&MT triển khai sử dụng Hệ thống báo cáo thống kê ngành TNMT từ năm 2015 (tại địa chỉ http://thongke.monre.gov.vn) để phục vụ công tác quản lý, cập nhật và tổng hợp báo cáo về các chỉ tiêu thống kê, hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia ngành TN&MT thống nhất, thông suốt và hiệu quả tại 2 cấp Trung ương và địa phương; đồng thời, cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời các thông tin thống kê, đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước ngành TN&MT.

Theo quy định tại Quy chế phối hợp công tác giữa các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT và Sở TN&MT, định kỳ trước ngày 15/6 hằng năm và trước ngày 15/11 hằng năm, các Sở TN&MT gửi báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm và báo cáo tổng kết hằng năm của đơn vị về Bộ. Năm 2018, có 49 Sở TN&MT gửi Báo cáo tổng kết về Bộ. Cụ thể, nội dung các báo cáo kết quả công tác các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành TN&MT tại địa phương, nêu rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về TN&MT tại địa phương, đồng thời, đề xuất giải pháp và đề xuất, kiến nghị. Các vấn đề vướng mắc chung nêu trong báo cáo chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai, môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản.

Hằng năm, Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức Hội nghị giao ban để Bộ trưởng, các Thứ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ làm việc với lãnh đạo Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm trao đổi về tình hình quản lý Nhà nước về TN&MT, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của địa phương để xây dựng định hướng, kế hoạch của ngành trong năm tiếp theo.

Tại các Hội nghị giao ban, Bộ đã cùng các Sở TN&MT rà soát, đánh giá kết quả đạt được trên tất cả lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành trong thời gian vừa qua, tổng hợp, nêu bật các ưu điểm, điểm sáng, các kinh nghiệm triển khai thành công ở các địa phương để các địa phương khác học tập; phân tích các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để cùng đưa ra giải pháp tháo gỡ; Bộ định hướng, thông tin các nhiệm vụ trọng tâm của ngành cần triển khai trong thời gian tới, để lắng nghe ý kiến góp ý, đề xuất, sáng kiến của các Sở TN&MT…

Một năm chưa phải là dài, song với những kết quả đã đạt được, dựa trên việc triển khai các giải pháp đồng bộ thống nhất từ Trung ương đến địa phương, chúng ta hoàn toàn tin tưởng thời gian tới, công tác quản lý trong toàn ngành TN&MT sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Bộ trưởng, các Thứ trưởng cùng các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ TN&MT đã làm việc với các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý về TN&MT.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Tài nguyên và Môi trường: Đồng bộ kết nối tạo đột phá về quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO