Môi trường

Ngành lúa gạo đối mặt với thách thức từ biến đổi khí hậu

Khánh Ly 17/10/2023 - 16:02

(TN&MT) - Biến đổi khí hậu được coi là thách thức lớn nhất đối với ngành lúa gạo. Hiện nay, thiên tai, hạn hán làm giảm đáng kể lượng gạo dự trữ, khiến nhiều quốc gia phải công bố hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu gạo.

Thông điệp được đưa ra tại Đại hội Lúa gạo quốc tế lần thứ 6 – IRC 2023, vừa khai mạc tại Manila, Philippines. Đây là sự kiện lúa gạo lớn nhất thế giới do IRRI (Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế) và Bộ Nông nghiệp Philippines đồng tổ chức. Trong 4 ngày từ 16-19/10, mạng lưới 1.500 người tham gia, gồm các nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp, nông dân sẽ cùng hợp tác để chia sẻ, trao đổi về các ý tưởng mới, khám phá các giải pháp và công nghệ tiên tiến cho toàn bộ ngành lúa gạo.

irc2023-1-3.jpg
Đại hội Lúa gạo quốc tế lần thứ 6 – IRC 2023 vừa khai mạc tại Manila, Philippines

“IRC 2023, sự kiện toàn cầu về lúa gạo, xảy ra ở thời điểm không thể tốt hơn”, ông Bas Bouman, Giám đốc Nghiên cứu IRRI nhấn mạnh. “Nông nghiệp toàn cầu đang phải đối mặt với những thách thức phức tạp khi phải đảm bảo nhu cầu lương thực, dinh dưỡng, trong khi cùng lúc chịu áp lực gia tăng dân số, mất tài nguyên, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường”. Những thông báo quốc gia về việc hạn chế hoặc ngừng xuất khẩu gạo gây chấn động thị trường gạo toàn cầu, khiến giá gạo quốc tế và trong nước tăng vọt, ảnh hưởng tiêu cực tới hàng triệu người. Hạn chế xuất khẩu có khả năng gây mất an ninh lương thực của các quốc gia vốn phụ thuộc vào gạo nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Theo Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., quốc gia này đang phải đối mặt với vấn đề về thị trường gạo toàn cầu biến động, thiên tai, lũ lụt. Bên cạnh đó, các hoạt động tội phạm như buôn lậu, tích trữ, nhập khẩu trái phép cũng tác động xấu đến thị trường trong nước.

irc2023-1-2.jpeg
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI gửi thông điệp tới Đại hội Lúa gạo quốc tế. Ảnh: IRRI.

Để vượt qua những thách thức trên, ngoài tập trung đầu tư vào nghiên cứu khoa học, máy móc, Philippines còn hỗ trợ tài chính cho nông dân thông qua Chương trình Lúa gạo Quốc gia và Quỹ Tăng cường Cạnh tranh Lúa gạo. Bên cạnh đó, hợp tác với các tổ chức quốc tế như IRRI và nước khác không chỉ đảm bảo nguồn cung gạo ổn định, mà còn tăng cường nghiên cứu công nghệ, hoạch định chiến lược quốc gia.

Ngoài ra, Philippines đang chuẩn bị kế hoạch để ngành lúa gạo có thể ứng phó với El Nino. Cơ quan an ninh trong nước cũng chú trọng truy lùng tội phạm có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp nói trên.

irc2023-3-1.jpg

Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, Chủ tịch Hội đồng thành viên IRRI gửi thông điệp tới Đại hội: “Lúa gạo là nguồn lương thực chính của hơn nửa dân số thế giới, đảm bảo nguồn cung, phân phối gạo bền vững, giá cả phải chăng là yếu tố then chốt để duy trì ổn định chính trị xã hội ở nhiều quốc gia. Đồng thời, cải thiện ngành lúa gạo là giải pháp tối ưu để tăng thu nhập, sinh kế của hàng trăm triệu nông dân trồng lúa quy mô nhỏ. Chúng ta đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khi biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực tới hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu. Một tương lai không có nạn đói đòi hỏi nỗ lực tập thể, cần tất cả các quốc gia cùng hợp tác”.

Với xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm, nhiệm vụ của IRC là khẩn trương chuyển đổi hệ thống lúa gạo theo hướng đa dạng, bền vững, thân thiện môi trường.

Tại IRC 2023, các chuyên gia lúa gạo sẽ trình bày, thảo luận về phương pháp tiếp cận di truyền, nhân giống lúa; nghiên cứu hệ vi sinh vật, sức khỏe đất; canh tác kỹ thuật số, ứng dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, công cụ viễn thám, drone (máy phun thuốc không người lái)...

irc2023-1-4.jpg
Triển lãm khoa học tại IRC 2023. Ảnh: Quỳnh Chi.

Đặc biệt, chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo không chỉ dừng lại ở áp dụng khoa học công nghệ. Ngành lúa gạo các quốc gia cần thảo luận, đàm phán, gỡ rối chính sách công, qua đó giải quyết một số vướng mắc về dao động giá, thương mại tự do, phân khúc thị trường chênh lệch… Do đó, IRC 2023 đóng vai trò cầu nối giữa các lãnh đạo ngành nông nghiệp trên thế giới. Hợp tác công - tư sẽ là chìa khóa để giải quyết những thách thức lớn nhất mà ngành sản xuất lúa gạo đang phải đối mặt.

Nhằm hạn chế nguy cơ mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) và Trung tâm Nghiên cứu CGIAR đã tìm ra các gen giúp làm tối thiểu chỉ số đường huyết (CSĐH) của lúa gạo. Phát hiện khoa học này mang tính đột phá, giúp chuyển đổi các giống lúa thông thường thành giống có CSĐH thấp và vẫn đảm bảo năng suất cũng như chất lượng hạt gạo.

Lô mẫu gạo đầu tiên có CSĐH cực thấp đã chính thức được trình lên Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. tại lễ khai mạc Đại hội Lúa gạo Quốc tế lần thứ 6 - IRC 2023.

Các dòng lúa CSĐH cực thấp giải phóng glucose với tốc độ cực kỳ chậm. Trong khi đó, các giống lúa thông thường có lượng đường tăng đáng kể trong cùng 1 khoảng thời gian cơ thể tiêu hóa. Tiến sĩ Nese Sreenivasulu, Trưởng bộ phận Người tiêu dùng của IRRI cho biết: “Phát hiện mới nhất của IRRI mở ra cơ hội phát triển các giống lúa có CSĐH cực thấp, đáp ứng nhu cầu sức khỏe và sở thích ăn uống của người tiêu dùng”.

Theo Tổng thống Ferdinand, nghiên cứu này đặt nền móng cho những bước tiến lớn, vững chắc hơn của ngành lúa gạo Philippines nói riêng và thế giới nói chung. Tôi tin rằng, những thành tựu khoa học được trình bày tại IRC 2023 sẽ sớm trở thành hiện thực.

Bệnh tiểu đường đang gia tăng trên toàn cầu. Theo Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế, có 537 triệu người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2021 và con số này dự kiến sẽ tăng 47% vào năm 2047. Nhiều giống lúa trồng hiện nay tuy có chất lượng tốt, nhưng chỉ số CSĐH dao động từ 70 - 92, không tốt cho sức khỏe của người mắc bệnh tiểu đường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành lúa gạo đối mặt với thách thức từ biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO