Doanh nghiệp - doanh nhân

Dệt may Thành Công và những chiến lược giảm thiểu tác động môi trường

Thu Thuỷ 16/11/2024 - 21:43

Dệt may Thành Công là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc bảo vệ môi trường với hai chiến lược chủ lực: Phát triển sản phẩm xanh và giảm thiểu tác động sản xuất, nhằm tạo ra các sản phẩm giá trị cao, đáp ứng nhu cầu khách hàng và giảm thiểu tối đa phát thải.

Trong bối cảnh yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe trên toàn cầu, Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Dệt may Thành Công (Dệt may Thành Công) đã xác định rõ mục tiêu giảm thiểu tối đa tác động đến môi trường thông qua chiến lược sản phẩm. Trên nguyên tắc 3R ( Reduce, Reuse và Recycle - Giảm thiểu, Tái sử dụng, Tái chế), công ty chú trọng đầu tư vào Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Kinh doanh (R&BD) để phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường.

1(6).jpg
Dệt may Thành Công được biết đến là một trong số ít doanh nghiệp dệt may có quy trình sản xuất khép kín từ Sợi - Dệt/ Đan - Nhuộm - May

2 chiến lược trọng điểm

Thực tế, Dệt may Thành Công được biết đến là một trong số ít doanh nghiệp dệt may có quy trình sản xuất khép kín từ Sợi - Dệt/ Đan - Nhuộm - May. Chính vì vậy, công ty đã không ngừng mở rộng nghiên cứu về vật liệu tái chế và sinh học để sản xuất các dòng sản phẩm xanh.

Trong đó, tận dụng nguyên liệu tái chế từ chai nhựa, quần áo cũ và nguyên liệu sinh học từ mía, bắp, gỗ tự nhiên và rong biển - các vật liệu có khả năng phân hủy cao. Giai đoạn 2020 - 2023 đã ghi nhận doanh thu từ các sản phẩm tái chế và các sản phẩm từ thiên nhiên của công ty liên tục tăng trưởng.

Đặc biệt, các mặt hàng sử dụng Recycle PE đã chiếm tới 49% tổng doanh thu từ sản phẩm mới trong năm 2022 và tiếp tục đạt 19% vào năm 2023. Tổng cộng, trong 4 năm qua, công ty đạt doanh thu gần 10,5 triệu USD từ các sản phẩm tái chế. Ngoài ra, công ty đã nghiên cứu sử dụng một loại bông chuyển đổi ADN, tạo ra nhiều màu sắc khác nhau mà không cần qua quá trình tẩy nhuộm hóa học, từ các nguồn bông xơ phế, công ty cũng tiến hành chọn lọc, tận dụng để kéo sợi, tránh lãng phí và giảm lượng chất thải, thải ra môi trường.

Bên cạnh chiến lược sản phẩm, Dệt may Thành Công còn triển khai chiến lược giảm thiểu các yếu tố tác động đến môi trường bằng cách tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và cải tiến quản lý chất thải. Theo đó, công ty đã đầu tư vào hệ thống điện năng lượng mặt trời, bắt đầu từ năm 2021 với các nhà máy may ở Vĩnh Long và đang tiếp tục triển khai tại nhà máy Sợi - Tây Ninh, dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2024.

Hệ thống năng lượng mặt trời này đã giúp công ty giảm phát thải khoảng 4.812 tấn CO₂ từ tháng 1/2022 - 5/2024, góp phần bảo vệ môi trường tương đương với việc trồng 182 hecta rừng. Để tối ưu hóa nguồn nước sử dụng, Dệt may Thành Công đã đầu tư hệ thống lọc nước RO, cho phép tái sử dụng khoảng 300 m³ nước mỗi ngày, nhằm tiết kiệm nước mà còn giảm thiểu chi phí, cải thiện hiệu quả sản xuất.

2(2).jpg
Sản phẩm “xanh hóa” của Dệt may Thành Công hiện nay đã xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ

Bên cạnh đó, công ty cũng chuyển dần từ sử dụng nhiên liệu than đá sang sinh khối Bio-mass tại các xưởng sản xuất, giảm thiểu đáng kể lượng khí thải CO₂, đồng thời nâng cấp máy móc thiết bị để tiết kiệm năng lượng và cải tiến quy trình sản xuất sao cho tiết kiệm điện năng và nhiên liệu hơn. Trong chiến lược giảm thiểu chất thải, Dệt may Thành Công đã áp dụng hệ thống phân loại rác tại nguồn, bao gồm rác thải nguy hại, rác thải công nghiệp và rác thải sinh hoạt.

Thách thức của chiến lược “xanh hóa” sản xuất

Nhờ triển khai đồng bộ hai chiến lược giảm thiểu tác động môi trường, Dệt may Thành Công đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Công ty không chỉ được đánh giá cao trên thị trường quốc tế về các sản phẩm thân thiện môi trường mà còn nhận nhiều chứng nhận uy tín như EU ECOLABEL, Higg FEM và các tiêu chuẩn OEKO-TEX 100, chứng nhận sự an toàn và chất lượng cao của sản phẩm. Sản phẩm “xanh hóa” của công ty hiện nay đã xuất khẩu đến hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, hành trình “xanh hóa” sản xuất của Dệt may Thành Công cũng đối mặt với nhiều thách thức. Công ty phải cân đối giữa việc đầu tư vào công nghệ và cải tiến quy trình sản xuất với chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh hàng ngày. Điều này đòi hỏi nguồn vốn lớn và nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra đồng bộ, ổn định và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của khách hàng quốc tế.

Theo đại diện Dệt may Thành công, việc đầu tư vào quá trình "xanh hóa" cần được thực hiện theo lộ trình cụ thể, với sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn nhân lực để đảm bảo triển khai đồng bộ, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của khách hàng và thông lệ quốc tế. Đặc biệt, sự hỗ trợ từ Chính phủ thông qua các chính sách khuyến khích và ưu đãi cụ thể đóng vai trò quan trọng.

Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tín dụng và ngân hàng cần nghiên cứu, ban hành các chính sách phù hợp, như ưu đãi về thuế hoặc điều chỉnh, hỗ trợ lãi suất vay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án và doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dệt may Thành Công và những chiến lược giảm thiểu tác động môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO