Ngăn “cò” lợi dụng quy hoạch để “thổi” giá

Thúy Nhi| 22/04/2021 10:23

(TN&MT) - Để chấn chỉnh tình trạng “sốt đất”, mới đây Bộ trưởng Bộ TN&MT đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch được thực hiện để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin; tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính.

Công khai quy hoạch

Bộ TN&MT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất... để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất; xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, kinh doanh bất động sản… nhất là thông tin kịp thời về quy hoạch của địa phương để người dân hiểu và thực hiện, tránh bị lợi dụng, trục lợi.

Nhiều vụ "sốt đất” do chính môi giới, đầu nậu bắt tay tạo ra kịch bản.

Bộ TN&MT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo kết quả thực hiện về Bộ trước ngày 31/5/2021.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các địa phương công khai thông tin quy hoạch. Đồng thời, các địa phương có trách nhiệm xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý… vi phạm pháp luật về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.

Riêng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, cần phải thực sự tiết kiệm, quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc cấp đất, sử dụng đất cho các dự án; cấp đất phải căn cứ vào nhu cầu, khả năng thực tế triển khai gắn với các điều kiện nhất định về tiến độ, kết quả thực hiện dự án, nghĩa vụ với Nhà nước và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra cảnh báo về việc cho vay bất động sản đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng. Do đó, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ và có biện pháp hạn chế, đối với các trường hợp đầu cơ bất động sản, hoặc đầu tư tại các dự án với khả năng thanh toán hoặc hiệu quả đầu tư không cao.

Địa phương đã có chế tài để xử lý

Trên thực tế, Nghị định 148 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 8/2/2021 tại Điều 17 sửa đổi Điều 41 Nghị định 43/2014 đã quy định về điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền là Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo Quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt.

Đồng thời, Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có);  Dự án thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền quy định tại khu vực không nằm trong địa bàn các phường của các đô thị loại đặc biệt và đô thị loại I trực thuộc Trung ương…

Nghị định cũng quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức công bố công khai các khu vực được thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trước khi tổ chức thực hiện các dự án đầu tư.

Trong khi đó, Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ một trong các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hoặc đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nhưng chưa được UBND cấp tỉnh cho phép theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 194 của Luật Đất đai.

Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng dưới 0,5 héc ta; phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 0,5 ha đến dưới 1 ha; phạt tiền từ 200 - 500 triệu đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 1 ha đến dưới 03 ha; phạt tiền từ 500 - 1 tỷ đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 3 héc ta trở lên

Ngoài ra, Nghị định trên cũng quy định, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ từ hai điều kiện quy định tại Khoản 1, Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP trở lên thì hình thức và mức xử phạt từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.

Đặc biệt, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền mà không lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê thì xử phạt theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và    công sở.

Đồng thời, buộc chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trong việc hoàn thành xây dựng nhà theo đúng thiết kế được phê duyệt đối với trường hợp không đủ điều kiện quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; buộc chủ đầu tư nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm, số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn “cò” lợi dụng quy hoạch để “thổi” giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO