Ngắm những loài chim quý hiếm tại Vườn quốc gia Bạch Mã

Văn Dinh| 23/12/2019 13:27

(TN&MT) - Vườn quốc gia Bạch Mã là điểm danh thắng du lịch nổi tiếng ở khu vực miền Trung. Nơi đây có sự đa dạng sinh học cao, nhiều loài động thực vật quý hiếm có tên trong Sách đỏ…

Vườn Quốc gia Bạch Mã được thành lập ngày 15/7/1991, đến ngày 2/1/2008, Vườn được điều chính mở rộng tăng thêm 15.456ha, với tổng diện tích 37.487ha nằm trên địa bàn 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Nơi đây còn được nhiều người ưu ái đặt cho những tên gọi như “Đại ngàn ngựa trắng”, “Non thiêng Bạch Mã” hay “Đà Lạt của miền Trung”... nhờ cảnh quan hùng vĩ, trải dài, đỉnh cao nhất lên đến 1.450 mét.

Trên đỉnh Bạch Mã

Đến Bạch Mã  bạn sẽ được thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên đa dạng với nhiều loài kỳ hoa dị thảo, nhiều núi cao, thác lớn và hồ nước trong xanh, mát lạnh. Bạn được cắm trại, tắm suối, xem chim, đi bách bộ hay ngắm nhìn vẻ đẹp huyền bí của những khu biệt thự cổ. Ngoài ra, bạn sẽ được vui chơi giải trí trên không và khám phá nhiều đường mòn thiên nhiên kỳ ảo như đường mòn Trĩ Sao, Đỗ Quyên, Ngũ Hồ, Vọng Hải Đài, Rừng Chò Đen, Công Viên Đá Hát, Đường mòn MIA, Địa đạo Bạch Mã... Ngoài ra còn có tour đặc sắc “Thế giới hoang dã về đêm” xem động vật hoang dã từ 20h đến 22h đêm và tour “Gọi chim trời” xem hót gọi chim vào buổi sáng.

Hiện nay, Khu hệ chim Vườn quốc gia Bạch Mã đã ghi nhận được 358 loài, 186 giống, 55 họ và 15 bộ. Các loài, giống, họ phân bố không đồng đều trong các bộ chim khác nhau.  So với danh lục chim trên toàn quốc, mức độ đa dạng về chim ở Vườn quốc gia Bạch Mã là khá cao. Tại đây số loài chim chiếm 43,24% (358/828) tổng số loài, 67,90% (55/81) tổng số họ và 78,95% (15/19) tổng số chim của toàn quốc. Tính chất đa dạng của khu hệ chim Vườn quốc gia Bạch Mã mang đầy đủ tính đa dạng của khu hệ chim Bắc Trung bộ.

Bạch Mã có nhiều loài chim quý. Trong ảnh là chim xanh bụng vàng

Trong tổng số 358 loài chim ở Vườn quốc gia Bạch Mã có 18 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và trong Danh lục đỏ Việt Nam (2002), 26 loại có tên trong Danh lục thực vật, động vật cấm buôn bán, săn bắt của Nghị định 48/2002/NĐ-CP.

Cũng giống với các động vật khác, chim ở Vườn quốc gia Bạch Mã có ý nghĩa lớn cả về sinh thái, nguồn gen, thiên địch lẫn thực phẩm và nguyên liệu.

Cùng PV Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường “mục sở thị” một số loài chim quý hiếm đang tồn tại ở Vườn quốc gia Bạch Mã:

Gầm ghì vằn. Đây là loài chim thuộc họ Bồ câu. Loài chim này sống trong các đàn nhỏ. Chúng ăn các loài quả mọng, hạt, chồi, ngũ cốc, chồi, quả đầu...

Cú vọ mặt trắng. Đây là loài thuộc Họ Cú mèo, là loài cú nhỏ nhất Đông Nam Á, thường đậu trên cành cây. Trên gáy có mảng lông màu nâu sẫm và đen. Săn mồi cả ban ngày và đêm

Nuốc bụng đỏ. Bộ lông nhìn chung có màu nâu đỏ. Chim mái và chim đực đều có một hình lưỡi liềm trắng ở ngang trên ngực. Mùa sinh sản của loài chim này từ khoảng tháng 3-7,  làm tổ trong hốc cây khô, ở độ cao cách mặt đất trung bình 2-3 mét...

Hoét mày trắng. Chim trống và chim cái đều có lông mày và đốm màu trắng dưới mắt nên dễ nhận dạng. Đây là loài di cư, số lượng không nhiều

Chim cành cạch, thuộc họ Chào mào. Môi trường sống tự nhiên của nó là các khu rừng ẩm ướt

Đại bàng Mã Lai. Đây là loài chim ăn thịt dài khoảng 70- 80 cm, có bộ lông màu đen đặc trưng cùng bàn chân màu vàng.  Khi bay, chúng bay với tốc độ chậm, cánh xòe như những “bàn tay”

Sẻ bụi đầu đen. Đây là loài chim có đầu màu đen, đốm trắng ở cổ, cánh và bao trên đuôi; ngực màu hung nhạt. Loài này thuộc loài di cư, thường đi lẻ hoặc đôi

Bói cá. Đây là một nhóm các loài chim có kích thước nhỏ và màu sắc rực rỡ thuộc Bộ Sả. Đầu to, màu sắc đa dạng, mỏ nhọn và dài, chân ngắn, lùn

Bách thanh mày trắng. Đây là loài chim di cư, thuộc họ Bách thanh, nhút nhát và thường đậu chỗ khuất

Chim manh Vân Nam. Chim thuộc Bộ Sẻ, có bộ lông ở lưng có các sọc mờ trên nền màu xám xanh. Chúng thường kiếm ăn theo đàn nhỏ

Sâu đầu đỏ. Đây là loài chim thuộc Họ Sẻ. Thức ăn chính là sâu, đôi khi chúng cũng ăn các loại trái cây mọng ngọt nhỏ, hút mật của một số loại hoa dại và ăn cả những loài động vật nhỏ như là cào cào,nhện...

Hoét xanh. Đây là loài chim có thân dài 30,5 - 35cm. Con trưởng thành có mỏ vàng, sống mỏ trên màu đen, bộ lông có màu xanh tía. Chim non có bộ lông màu nâu thẫm, mỏ màu vàng nhạt. Đuôi luôn xòe hình quạt. Đây là là loài chim di cư, không phổ biến. Chúng thường hoạt động vào lúc hoàng hôn và bình minh

Vẹt đầu xám. Ở Huế thì loài này tồn tại nhiều. Chim có toàn bộ đầu xám trừ các lông ở sau hàm dưới, cằm và họng đen nhạt

Đớp ruồi Siberi. Chim có bộ lông màu rất xám. Dễ lẫn với chim đớp ruồi xám. Chúng có giọng hót như tiếng còi.  Kỹ thuật bắt mồi của nó là đậu vào một cành cây tiếp xúc và chờ đợi. Khi côn trùng bay qua, con chim ra để chộp lấy nó

Khướu khoang cổ. Đây là loài thuộc Họ Họa mi. Chim có khoang đen nối từ mắt qua má vòng xuống quanh ngực. Má trắng, không có vằn

Ảnh: Như Phương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngắm những loài chim quý hiếm tại Vườn quốc gia Bạch Mã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO