Điều này được Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chiều 27/1.
Chương trình nông thôn mới “về đích” trước gần 2 năm
Trình bày tham luận, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, nông nghiệp, nông thôn đã đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, từ thị trường tiêu thụ nông sản thiếu ổn định, cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển và dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là dịch tả lợn châu Phi và đại dịch Covid-19...
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại Đại hội XIII của Đảng, chiều 27/1 |
Mặc dù vậy, với nhiều giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ, nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, phát triển bền vững, tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới. Đặc biệt khi kinh tế - xã hội khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nông nghiệp đã đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thặng dư xuất khẩu cao mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn.
Nổi bật là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp bình quân đạt 2,62%/năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%. Hết năm 2020, có 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của cư dân nông thôn năm 2020 đạt 43 triệu đồng/người.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nông sản Việt đã đến trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU...; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giai đoạn 2016 - 2020 đạt 190,5 tỷ USD, riêng năm 2020 đạt 41,25 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm thứ nhất Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông lâm thủy sản.
Đáng chú ý, Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích trước gần 2 năm, đã thúc đẩy nông thôn “thay da đổi thịt” hàng ngày, phát triển văn minh và hiện đại hơn. Hết năm 2020, có 62% số xã, 173/664 (26%) đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 12/63 tỉnh/thành phố có 100% số xã đạt chuẩn. Đến 15/01/2021, đã có 4 tỉnh (Đồng Nai, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam) được công nhận Tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới... Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định kết quả của Chương trình là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, có được những kết quả trên là nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị; lựa chọn những giải pháp đột phá để chỉ đạo quyết liệt như: mở cửa thị trường, áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn, chất lượng; tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư của xã hội, doanh nghiệp; khơi dậy niềm tin và khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp toàn xã hội; thường xuyên quan tâm đời sống người dân, quán triệt tinh thần “phát triển bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau”.
Xây dựng nông thôn mới phồn vinh, nông dân giàu có
Trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức do tác động lớn của BĐKH, dịch bệnh xuyên biên giới trên cây trồng… Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhất trí cao với dự thảo các Văn kiện, các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển nông nghiệp: “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững”.
Các đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng |
Ông Cường nêu rõ, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 2,5 - 3,0%/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 48 - 50 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; thu nhập bình quân đầu người của dân cư nông thôn gấp 1,5 lần năm 2020; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, tăng cường chất lượng rừng.
Hiện thực hóa mục tiêu trên, ông Cường nêu rõ, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại ngành. Định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ, có chiến lược đàm phán mở cửa thị trường, phát triển thị trường đối với các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, đi đôi với đẩy mạnh Chương trình “Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị”. Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam chất lượng cao, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thông minh tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm. Phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Chú trọng nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung giải quyết các khâu then chốt, ứng dụng nhanh thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao để tạo tăng trưởng đột phá.
Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình “chuyển đổi số, kinh tế số” trong lĩnh vực nông nghiệp; hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp, đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Nâng cao nhanh đời sống vật chất, tinh thần người dân nông thôn theo hướng nông dân giàu có, văn minh và bảo đảm môi trường sinh thái.
“Đầu tư hạ tầng đồng bộ cho nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, bền vững, đảm bảo khả năng chống chịu trước rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu ngày một nghiêm trọng. Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo vệ rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn; triển khai phong trào trồng mới 1 tỷ cây xanh góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.