Trẻ em ít có khả năng phát triển các triệu chứng COVID-19 hơn người lớn
Ngày 6/4, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố nghiên cứu, trong đó xem xét hơn 2.500 ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em dưới 18 tuổi ở Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 12/1 đến ngày 2/2. Đó là nghiên cứu lớn nhất về trẻ em bị nhiễm COVID-19 cho đến nay.
Nhìn chung, dữ liệu cho thấy trẻ em ít có khả năng phát triển các triệu chứng COVID-19 hơn người lớn. Trong tất cả các trường hợp nhiễm ở Mỹ, chỉ có 1,7% là trẻ em, trong khi đối tượng này chiếm 22% dân số nước Mỹ.
Trong số những trẻ em có thông tin đầy đủ, chỉ 73% trẻ bị sốt, ho hoặc khó thở. Trong khi đó, 93% người lớn có các triệu chứng này trong cùng khung thời gian, trong độ tuổi từ 18-64.
Những con số này hỗ trợ nghiên cứu trước đây từ CDC Trung Quốc về việc hầu hết trẻ em nhiễm COVID-19 đều bị nhẹ hoặc không có triệu chứng.
Trẻ em ít có khả năng phát triển các triệu chứng COVID-19 hơn người lớn. Ảnh: Getty Images News |
Tuy nhiên, một số trẻ em bị nhiễm nặng và 147 bệnh nhân trong nghiên cứu mới của CDC phải nhập viện, trong đó có 5 trẻ được chăm sóc đặc biệt; 3 bệnh nhân là trẻ em tử vong.
Trẻ sơ sinh Mỹ có tỷ lệ nhập viện cao hơn nhiều so với bất kỳ nhóm trẻ ở độ tuổi khác. Trong số 95 trẻ sơ sinh, 62% phải nhập viện. Tỷ lệ ước tính dành cho trẻ em từ 1 đến 17 tuổi là 14%.
Trao đổi với tạp chí Time, Tiến sĩ Yvonne Maldonado, người đứng đầu ủy ban về các bệnh truyền nhiễm tại Học viện Nhi khoa Mỹ cho biết: "Chúng tôi biết rằng các phản ứng miễn dịch của trẻ em phát triển theo thời gian. Năm đầu đời, trẻ không có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ như trẻ lớn hơn và người lớn”.
"Các yếu tố sinh học" có thể khiến nam giới dễ mắc COVID-19 hơn không?
Một cơ quan nghiên cứu cho rằng nam giới tử vong vì COVID-19 với tỷ lệ cao hơn phụ nữ.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tính đến ngày 20/3, nam giới đại diện cho khoảng 70% trường hợp tử vong do COVID-19 ở Tây Âu.
Theo một phân tích của CNN và nhóm nghiên cứu học thuật Global Health 50/50, dữ liệu từ 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 cho thấy nam giới có nguy cơ tử vong cao hơn 50% so với phụ nữ sau chẩn đoán COVID-19.
Một phân tích của hơn 25.000 trường hợp nhiễm COVID-19 từ Viện Y tế cao cấp Ý tại Rome cho thấy bệnh nhân nam nhiễm COVID-19 tại Ý có tỷ lệ tử vong là 8%, so với 5% bệnh nhân là nữ nhiễm bệnh tại nước này. Phân tích tương tự cho thấy nam giới chiếm đa số các trường hợp nhiễm COVID tại Ý, khoảng 58%.
Một số chuyên gia đã chỉ ra rằng đàn ông có tỷ lệ hút thuốc cao hơn và tỷ lệ mắc các bệnh nền như bệnh tiểu đường cao hơn phụ nữ.
Tuy nhiên, 57% bệnh nhân COVID-19 trong nghiên cứu CDC là nam giới. Ngay cả trẻ em bị nhiễm bệnh cũng chủ yếu là nam giới. “Điều đó cho thấy các yếu tố sinh học có thể đóng một vai trò trong bất kỳ sự khác biệt nào về tính nhạy cảm về giới đối với COVID-19", các tác giả nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, nghiên cứu này mới mang tính sơ bộ và các tác giả đang nghiên cứu với thông tin hạn chế. Trong số 2.572 trường hợp nhi được họ phân tích, chỉ có 9,4% có thông tin về các triệu chứng của bệnh nhân và chỉ 33% cho biết có phải nhập viện hay không.
Các tác giả nghiên cứu khuyến cáo các bác sĩ nên duy trì "chỉ số nghi ngờ cao" đối với trẻ em có thể mắc COVID-19, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ mắc các bệnh tiềm ẩn.