Biến đổi khí hậu

Nắm bắt cơ hội -
Hướng đến tương lai xanh

Khánh Ly (thực hiện) 06/02/2024 - 14:45

(TN&MT) - Trong năm qua, dấu ấn rõ nét về biến đổi khí hậu (BĐKH) không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới.

28b.jpg

Đó là những áp lực về thích ứng với thời tiết bất thường, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành cơ hội để doanh nghiệp, địa phương, các ngành kinh tế chuyển mình và đạt những nấc thang mới trên con đường phát triển. Quyết tâm ấy có đích đến cuối cùng là giữ gìn mẹ Trái đất tiếp tục trở thành nơi trú ngụ an toàn cho con người.

Nhân dịp đầu xuân năm mới Giáp Thìn, Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành khoa học Trái đất - Mỏ đã chia sẻ với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường về những tín hiệu vui của Việt Nam trong công cuộc ứng phó BĐKH.

28a.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Mai Trọng Nhuận - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư liên ngành khoa học Trái đất - Mỏ

PV: Thưa Giáo sư, vì sao BĐKH có thể khiến các quốc gia thay đổi định hướng phát triển?

GS.TS Mai Trọng Nhuận: BĐKH khiến con người dần hiểu ra không thể giữ mãi mô hình kinh tế tuyến tính gây ô nhiễm, phát thải lớn vượt quá sức chịu tải của Trái đất bởi đây là con đường tới bờ vực diệt vong. Thay đổi mô hình tăng trưởng sang kinh tế các-bon thấp là tất yếu.

Việt Nam cũng không ngoại lệ. Sau Hội nghị COP26, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (khi ấy là Bộ trưởng Bộ TN&MT) đã khẳng định, việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế có tính bước ngoặt theo hướng xanh, tuần hoàn, các-bon thấp. Bởi có xanh và tuần hoàn mới đạt được hiệu quả các-bon thấp. Bên cạnh đó, đặc trưng của Việt Nam là chịu nhiều tác động của BĐKH, nên mô hình tăng trưởng mới cũng cần chú trọng tính chống chịu cao.

Từ đó, thể chế chính sách có sự thay đổi tương ứng theo hướng giảm bớt tác động tiêu cực do con người gây ra với tự nhiên; thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, tiêu thụ theo hướng thân thiện môi trường và đồng thời thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ. Nhìn rộng ra, đây chính là các cơ hội do BĐKH mang lại.

PV: Cơ hội đến nhưng có nắm bắt kịp thời và biến thành động lực phát triển hay không lại là vấn đề khó. Việt Nam làm điều này như thế nào, thưa Giáo sư?

GS.TS Mai Trọng Nhuận: Trước hết, cơ hội đến từ việc xuất hiện nhiều ngành nghề kinh doanh mới và kéo theo đó là nguồn lực mới. Đơn cử, trước kia nói đến sản xuất năng lượng tái tạo (NLTT), Nhà nước thuyết phục mãi không ai làm vì chi phí cao, còn bây giờ thì bùng nổ và kéo theo nhiều ngành nghề mới liên quan như tích trữ điện năng, sản xuất kinh doanh phương tiện giao thông điện và phát triển cơ sở hạ tầng liên quan...

Trong nông nghiệp, người dân Việt Nam đã biết tận dụng BĐKH ở khía cạnh cải tiến phương thức sản xuất và tăng năng suất cây trồng. Điển hình là tối ưu hóa tưới tiêu, giảm hẳn chi phí, lượng nước trên mỗi diện tích canh tác. Gạo không những ngon hơn, ít phát thải khí nhà kính mà còn bán giá cao hơn. Bên cạnh đó, nếu nhiệt độ tăng 1 độ thì các tốc độ xảy ra phản ứng sinh hóa tăng gấp 10 lần. Như vậy, thời tiết ấm hơn chính là điều kiện trời cho giúp ngành nông nghiệp phát triển.

BĐKH còn mang đến cơ hội để Việt Nam tiếp cận nguồn lực mới từ các quỹ tài chính quốc tế về khí hậu, kinh tế tuần hoàn, đổi mới khoa học công nghệ. Miễn là quốc gia, doanh nghiệp quan tâm đến sản xuất xanh, giảm phát thải. Một nguồn tài chính đầy tiềm năng sinh ra từ chính các hoạt động ứng phó BĐKH là tín chỉ các-bon. Hà Tĩnh đang bán tín chỉ giá 5 USD/tấn, Phú Yên dự kiến khoảng 30 USD/tấn. So với mức giá trung bình khoảng trên dưới 100 USD/tấn ở các nước phát triển, các chuyên gia cho rằng, giá tín chỉ của Việt Nam khoảng 30 USD là phù hợp.

Dễ dàng nhận thấy, ý thức của người dân, doanh nghiệp đã khác trước rất nhiều. Ban đầu có thể vì bắt buộc, nhưng lâu dần, việc tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải trong khả năng của mình đã trở thành thói quen với nhiều cách thức sáng tạo. Như ở Bắc Giang, có người đã chế tạo bể chứa nước bằng hai lớp kính để thu nhiệt từ ánh sáng mặt trời, chỉ với 500 nghìn tiền vật liệu mà có nước ấm dùng trong cả mùa đông. Tại Hải Phòng, rơm rạ thay vì đốt bỏ được xử lý thành khí gas rồi mới dùng đun nấu. Ngay trong thành phố Hà Nội, người dân chủ động phân loại rác, xử lý vi sinh để rác hữu cơ thành phân bón, vừa vệ sinh vừa giảm gánh nặng cho hệ thống xử lý. Chỉ cách đây 10 năm, điều này gần như không tưởng. Những thói quen tốt cộng hưởng, hình thành lối sống tích cực, văn minh và được cộng đồng ủng hộ.

BĐKH cũng đang hình thành một lớp doanh nghiệp mới, thay vì chỉ nghĩ đến tối ưu lợi nhuận thì họ gắn lợi ích của mình với lợi ích của cộng đồng, xã hội, đóng góp cho nỗ lực quốc gia về thích ứng BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính. BĐKH còn thúc đẩy khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, giúp giảm giá thành sản xuất NLTT. Nhờ vậy, vị thế NLTT và năng lượng hóa thạch đã đảo chiều chỉ sau 10 năm. Có thể nói, muốn ứng phó BĐKH, tăng năng suất, giảm giá thành, các-bon thấp chống chịu cao... đều cần có bước ngoặt về khoa học công nghệ.

PV: Qua những điều Giáo sư chia sẻ, có thể thấy, điểm nhấn khá rõ nét là cộng đồng xã hội đã ủng hộ rất tích cực nỗ lực quốc gia nhằm hiện thực hóa các cam kết, chiến lược, kế hoạch ứng phó BĐKH. Theo quan điểm của Giáo sư, nguyên nhân xuất phát từ đâu?

GS.TS Mai Trọng Nhuận: Sau COP26, quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng: Dù là nước nghèo, phát triển chưa cao nhưng tiên phong trong giảm phát thải khí nhà kính để đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Lãnh đạo các cơ quan đứng đầu Nhà nước đều khẳng định quan điểm này từ đó tới nay, trong các sự kiện quan trọng của đất nước và qua đó, lan tỏa khát vọng, cảm hứng đến người dân, doanh nghiệp và xã hội. Chúng ta chấp nhận giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chậm lại kinh tế để đạt mục tiêu toàn cầu. Việc Việt Nam cam kết thời hạn đạt phát thải ròng bằng “0” ngang với quốc gia có quy mô GDP đi trước tới 20 năm như Úc khiến cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.

quat-gio-dam-nai-phan-rang-ninh-thuan.jpeg

Để ví dụ về quyết tâm ấy, ngay sau COP26, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đứng đầu. Các Chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia, bộ, ngành nhanh chóng được ban hành, cùng với Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã tạo hành lang pháp lý để đẩy nhanh, mạnh công tác giảm phát thải khí nhà kính trong toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là phát triển NLTT.

Nhờ vậy, ý thức trách nhiệm của người dân, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp đều tăng lên. Trên dưới đồng lòng khiến cho quãng thời gian năm vừa qua càng chứng minh luận điểm của Việt Nam với thế giới, dù là 1 nước có tổng thu nhập thấp, kinh tế chưa phát triển nhưng tiên phong giảm phát thải khí nhà kính bằng thể chế, chính sách, mô hình phát triển, đổi mới sản xuất và thay đổi thói quen của người dân.

PV: Giáo sư có thể chỉ ra vấn đề trọng tâm đối với Việt Nam trong thời gian tới?

GS.TS Mai Trọng Nhuận: Khát vọng lớn nhất của Việt Nam thể hiện trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng về đất nước bền vững phồn vinh, hùng cường và hạnh phúc.

Muốn đạt được điều này, các yếu tố bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và ứng phó BĐKH cần được tích hợp đồng bộ hơn nữa trong thể chế, chính sách, trong triển khai các dự án. Thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu BĐKH, các dự án ứng phó BĐKH cần lồng ghép bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, giảm phát thải.

Sự tích hợp còn thể hiện trong đầu tư, tài chính. Một dự án càng được ưu tiên nếu đáp ứng càng nhiều mục tiêu tích hợp và qua đó, điều chỉnh các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh thay vì chỉ có mục tiêu duy nhất thì sẽ có nhiều mục tiêu hơn, nhiều đầu ra hơn.

Công tác nghiên cứu, đào tạo cũng cần tích hợp, lồng ghép đồng bộ 3 yếu tố trên nhằm đồng thời xây dựng nền tảng, cơ sở khoa học, thực tiễn hướng tới phát triển bền vững khu vực. Đây là xu thế tiếp cận quốc tế mà Việt Nam nhất thiết phải tiếp cận ngay, tránh gây lãng phí nguồn lực. Đặc biệt, cần đào tạo chuyên gia liên ngành và nâng cao năng lực cho đội ngũ hoạch định chính sách, chiến lược về vấn đề tích hợp này.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nắm bắt cơ hội - Hướng đến tương lai xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO