Trả lời
Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:
Tại Khoản 11 Điều 7 Nghị định 136/2018/NĐ-CP sửa đổi Điều 31 Nghị định 60/2016/NĐ-CP, có hiệu lực ngày 05/10/2018, điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại được quy định như sau:
“Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp giấy phép xử lý CTNH phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu và các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến điều kiện cấp phép xử lý CTNH gồm:
1. Các phương tiện, thiết bị lưu giữ, vận chuyển và xử lý CTNH (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ CTNH) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Phương tiện vận chuyển CTNH phải có hệ thống định vị vệ tinh (GPS) được kết nối mạng thông tin trực tuyến để xác định vị trí và ghi lại hành trình vận chuyển CTNH.
3. Một phương tiện, thiết bị chỉ được đăng ký cho một giấy phép xử lý CTNH, trừ các phương tiện vận chuyển đường biển, đường sắt, đường hàng không.
4. Công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý CTNH và trạm trung chuyển CTNH (nếu có) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này.
5. Tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý CTNH phải lập các bảng hướng dẫn dạng rút gọn hoặc dạng sơ đồ về quy trình vận hành an toàn quy định tại khoản 6, 7 và 8 Điều 9 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu với kích thước phù hợp và lắp đặt tại vị trí thuận tiện để quan sát trên phương tiện vận chuyển, trong cơ sở xử lý và trạm trung chuyển CTNH (nếu có).”
Trong khi đó, Điều 9 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP quy định điều kiện để được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại như sau:
“1. Có báo cáo đánh giá tác động môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải nguy hại hoặc các hồ sơ, giấy tờ thay thế như sau:
a) Văn bản hợp lệ về môi trường do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã đưa vào hoạt động trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 bao gồm: Giấy xác nhận đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; văn bản thẩm định bản kê khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh có tác động đến môi trường; phiếu thẩm định đánh giá tác động môi trường; hoặc giấy tờ tương đương với các văn bản này;
b) Đề án bảo vệ môi trường được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định đối với cơ sở xử lý chất thải nguy hại đã đưa vào hoạt động.
2. Địa điểm của cơ sở xử lý chất thải nguy hại (trừ trường hợp cơ sở sản xuất có hoạt động đồng xử lý chất thải nguy hại) thuộc các quy hoạch có nội dung về quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt theo quy định của pháp luật.
3. Các hệ thống, thiết bị xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng), bao bì, thiết bị lưu chứa, khu vực lưu giữ tạm thời hoặc trung chuyển, phương tiện vận chuyển (nếu có) phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
4. Có các công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
5. Có đội ngũ nhân sự đáp ứng yêu cầu.
6. Có quy trình vận hành an toàn các phương tiện, hệ thống, thiết bị thu gom, vận chuyển (nếu có) và xử lý (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng) chất thải nguy hại.
7. Có phương án bảo vệ môi trường trong đó kèm theo các nội dung về: Kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường; kế hoạch an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe; kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố; kế hoạch đào tạo, tập huấn định kỳ; chương trình quan trắc môi trường, giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại.
8. Có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm và phục hồi môi trường khi chấm dứt hoạt động.”