Xã hội

Mỹ Lộc – Nam Định: Hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sản xuất liên kết xanh, sạch

Thuỵ Khanh 25/03/2024 - 18:51

(TN&MT) - Nhằm giúp nông dân nâng cao năng lực và đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp, Hội Nông dân huyện Mỹ Lộc đã triển khai các phương thức sáng tạo, linh hoạt, khuyến khích người nông dân chủ động liên kết thành các tổ hợp tác gắn với các mô hình chi hội, tổ hội nghề….

Với mục tiêu hỗ trợ hội viên Hội Nông dân huyện Mỹ Lộc sản xuất hàng hoá theo hướng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo hội nông dân xã, thị trấn xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, làm cơ sở tiến tới hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã trong những ngành nghề, lĩnh vực tại địa phương.

386-202403192245431.jpg
Tổ hội nuôi trồng thuỷ sản huyện Mỹ Lộc

Cụ thể, hằng năm, huyện đã tổ chức hướng dẫn thực hiện xây dựng các mô hình kinh tế tập thể cho hội nông dân cơ sở, định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá hiệu quả của các mô hình kinh tế tập thể. Qua đó, trong nhiệm kỳ năm 2023, toàn huyện Mỹ Lộc đã thành lập được 7 tổ hợp tác; 4 tổ hội nghề nghiệp với 80 thành viên; 3 chi hội nghề nghiệp với 42 thành viên. Đến nay, tổng số tổ hợp tác là 13 tổ với 180 thành viên.

Để nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, Hội Nông dân huyện đã đẩy mạnh các phong trào thi đua, trọng tâm là Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tích cực phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, từ đó, phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đạt hiệu quả.

Hiện nay, toàn huyện đã có 9 sản phẩm OCOP; 8 sản phẩm đạt tiêu chuẩn Vietgap nhờ sự phối hợp giữa Hội nông dân và Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Dạy nghề huyện tổ chức đào tạo nghề, đẩy mạnh sản xuất nông sản sạch, sử dụng chế phẩm sinh học, an toàn trong sản xuất gắn với bảo vệ môi trường sinh thái...

Bên cạnh đó, các tổ hợp tác hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh ở vùng nông thôn như nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt...

Hoạt động của tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp chủ yếu tập trung vào trao đổi thông tin, thời tiết nông vụ, về thị trường, thiết bị vật tư nông nghiệp, các loại cây, con giống, phòng trừ dịch bệnh; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng các sáng kiến, kỹ thuật, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đề cao tinh thần tương thân, tương ái, vì cộng đồng, giúp các hộ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Trong đó có thể kể đến, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể đã ghi nhận nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Qua các mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả, mang lại thay đổi tích cực, góp phần nâng cao đời sống nông dân, nông thôn, như: Nuôi trồng thủy sản ở xã Mỹ Hà, xã Mỹ Hưng; mô hình chăn nuôi gia cầm ở xã Mỹ Thuận; mô hình trồng hoa và cây cảnh ở xã Mỹ Tân…

Tại xã Mỹ Hưng, trên cơ sở vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, dự án nuôi cá trắm đen tại 2 tổ hợp tác nuôi trồng thuỷ sản thôn 1 và thôn 2 đã góp phần giúp 10 hộ mở rộng quy mô sản xuất, tập trung xây dựng thương hiệu cá trắm đen, cá koi trở thành sản phẩm chủ lực, có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

Ngoài ra, còn nhiều điển hình tiêu biểu phát triển kinh tế hiệu quả, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm như: Hộ gia đình ông Nguyễn Tiến Dũng, Đặng Đình Mão, Đặng Đình Hải, Đặng Đình Nhị,… với mô hình nuôi cá koi, cá trắm đen quy mô hàng chục hecta mang lại lợi nhuận 300 – 500 triệu đồng/ năm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động nông thôn, mức lương từ 5 – 7 triệu/ người/ tháng.

nd.png
Ông Nguyễn Tiến Dũng (xã Mỹ Tân) là một trong những người đầu tiên ở đây đưa cá Koi về nuôi

Cùng công tác tuyên truyền, vận động người nông dân tham gia mô hình kinh tế tập thể, các cấp Hội còn chú trọng hướng dẫn nông dân thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu nông sản với mô hình chăn nuôi lợn gia công của ông Vũ Văn Khiêm xã Mỹ Thịnh; mô hình chăn nuôi gà gia công của ông Trần Công Lộc xã Mỹ Hà; mô hình liên kết giữa 2 hộ dân tại xã Mỹ Thắng, với Công ty TNHH Toản Xuân thu gom ruộng bỏ hoang để cấy lúa trên diện tích 15ha… đều trở thành tấm gương nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.

Nhiều mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị hàng hoá, tạo ra vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh, hình thành chuỗi liên kết giá trị bền vững, thực hành tiêu chuẩn xanh sạch.

Tuy nhiên, để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người nông dân về kinh tế tập thể; tính liên kết, hợp tác giữa các thành viên tổ hợp tác chưa chặt chẽ; mở rộng quy mô sản xuất của các nông hộ, Hội Nông dân huyện Mỹ Lộc tiếp tục xác định: Phát triển kinh tế tập thể gắn với mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, phù hợp với xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế nông nghiệp và yêu cầu công tác Hội trong tình hình mới. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2028, mỗi cơ sở Hội sẽ xây dựng thêm ít nhất một mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỹ Lộc – Nam Định: Hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình sản xuất liên kết xanh, sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO