Văn hóa

Hàng nghìn người đổ về Chợ Viềng mua bán và đi lễ Phủ Giày

Đà Giang – Nhật Lam 04/02/2025 - 18:36

(TN&MT) - Đêm mùng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm mới là “chính chợ”. Nhưng ngay từ sáng mùng 7, hàng nghìn người từ khắp các tỉnh lân cận như Hà Nam, Hải Phòng, Thái Bình… đã đổ về khu vực tổ chức chợ Viềng của huyện Vụ Bản để "mua may, bán rủi" trong dịp đầu xuân. Chợ Viềng gần quần thể đền Phủ Giày nên người dân vừa đi chợ, vừa đi chiêm bái, lễ hội đầu năm.

1.jpg

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Ngô Quốc Vịnh, Chánh văn phòng UBND huyện Vụ Bản cho biết: "Chợ Viềng đi đúng vào thời điểm diễn ra là đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng. Đã thành thông lệ hàng năm, cứ đến chợ là đi, về đêm rất đông. Lúc trước, chỉ người dân địa phương, nhưng giờ thì khắp các tỉnh, TP lân cận đến đây. Theo thống kê hàng năm, có khoảng 15 vạn người đến vào dịp tháng 1 này. Người dân vừa đi chợ, vừa đi lễ Phủ Giày".

2.jpg

Anh Phạm Đức Khiêm, trú tại xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng cho biết: Đã thành thông lệ, cứ trưa mùng 7 Tết, anh em nhà anh lại lên chiếc xe bán tải, đi từ Hải Phòng sang Chợ Viềng, chơi đến tận rạng sáng mùng 8 mới về. Ở chợ, các anh đi chọn mua một vài cây giống, cây ăn quả, đồ cổ… lấy may. Sau đó vào các phủ, đền ở xã Kim Thái làm lễ xin lộc đầu năm. Đi chợ vừa vui, vừa hứng khởi trong những ngày đầu năm mới.

12.jpg

Tại chợ Viềng Phủ, hàng hóa rất phong phú, đa dạng, tạo thành hội chợ triển lãm kinh tế - xã hội của huyện Vụ Bản. Ở đây có đủ mặt hàng như hoa, cây cảnh nghệ thuật, nông cụ, hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan, đồ đồng, đồ gỗ, gốm sứ, đồ cổ… và các loại sản phẩm tiêu dùng hiện đại được sản xuất bởi các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Không gian diễn ra các hoạt động của hội chợ Viềng Phủ trải rộng từ thị trấn Gôi qua xã Kim Thái đến xã Trung Thành, thu hút lượng người và phương tiện tập trung cao đột biến.

11.jpg
5.jpg

Trao đổi với lãnh đạo huyện Vụ Bản, phóng viên được biết, năm 2025, Ban tổ chức chợ Viềng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội, túc trực 24/24h. Thành lập các chốt kiểm soát trải dài, phân luồng giao thông và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, ngăn chặn các hoạt động cờ bạc, trộm cắp và các hành vi vi phạm pháp luật khác diễn ra trong lễ hội.

8.jpg

Cũng theo vị lãnh đạo này, để không ách tắc giao thông, các loại xe ô tô tải, xe từ 29 chỗ ngồi trở lên đều được phân luồng, không cho đi vào khu vực tổ chức chợ. Các loại xe dưới 16C đi vào theo hướng một chiều, vào hướng từ QL 21, hướng TP Nam Định, Ý Yên sang. Nhưng lúc ra, lại được hướng dẫn phân luồng ra hướng QL 10 và hướng thị trấn Gôi… Chính nhờ có sự điều tiết hợp lý, nên giao thông khá ổn định.

3.jpg

Bà Trần Thị Huệ - Thủ nhang đền Phủ Chính Tiên Hương (xã Kim Thái) cho biết: Quần thể di tích quốc gia Phủ Dầy (Nam Định) gồm 18 đền, phủ, chùa, lăng, được xem là nơi gắn liền với thần tích giáng thế của Mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của dân tộc Việt. Phủ Dầy được coi là trung tâm của tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ, tiêu biểu cho tín ngưỡng thờ mẫu tại Việt Nam.

6.jpg

Năm 2016, UNESCO công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội Phủ Dầy vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch hằng năm được đánh giá là một trong 10 lễ hội đầu năm độc đáo tại Việt Nam. Hàng năm, cứ mỗi dịp xuân về, bà con lại nô nức đi lễ cầu may vào dịp đầu xuân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hàng nghìn người đổ về Chợ Viềng mua bán và đi lễ Phủ Giày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO