Mường Tè (Lai Châu) động lực để gắn bó với rừng
(TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) những năm qua đã phát huy hiệu quả thiết thực, là động lực để người dân huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Được hưởng lợi từ DVMTR người dân có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Huyện Mường Tè có tổng diện tích tự nhiên gần 268.000ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên lên đến hơn 175.000ha. Đây cũng là huyện dẫn đầu tỉnh Lai Châu về diện tích rừng. Tỷ lệ độ che phủ rừng của huyện Mường Tè đạt hơn 65,08%.
Những năm qua, chính sách chi trả DVMTR đã có tác động tích cực đến cuộc sống người dân trên địa bàn huyện Mường Tè, khi ý thức về việc bảo vệ và phát triển rừng ngày càng được nâng cao, nhờ đó mà nhiều diện tích rừng được trồng mới, phủ xanh đất trống, đồi trọc. Trong hai năm 2020 – 2021, người dân huyện Mường Tè được hưởng gần 300 tỷ đồng tiền DVMTR. Đây là nguồn thu nhập ổn định, bền vững đối với Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Được hưởng lợi từ chính sách, người dân các xã, bản trong huyện tích cực tham gia bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Có sự chăm sóc, bảo vệ của người dân, những cánh rừng trên địa bàn huyện như được hồi sinh, phát triển ngày càng xanh tốt, tình trạng cháy rừng hay chặt phá rừng làm nương rẫy giảm rõ rệt.
Ông Đao Văn Kim, bản Nà Hẻ, xã Bum Nưa chia sẻ, từ khi được phổ biến và triển khai chính sách chi trả DVMTR, người dân trong bản không còn chặt phá rừng làm nương rẫy, lấy củi tươi…Nhờ rừng, đời sống bà con càng được cải thiện và từ đó ý thức bảo vệ rừng nâng cao. Xã Bum Nưa có hơn 3.300 ha rừng được giao khoán và bảo vệ cho 482 hộ. Số tiền được chi trả dịch vụ môi trường hơn 1,2 tỷ đồng. Việc chi trả tiền DVMTR được thực hiện đầy đủ đến tận tay các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng. Với nguồn vốn ổn định này, nhiều hộ dân sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình.
Cùng với đó, chính quyền xã, bản tổ chức các buổi họp dân, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng chống cháy rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng tới các hộ dân; đưa việc bảo vệ rừng vào quy ước chung của bản, quy định xử phạt cụ thể đối với người vi phạm.
Đồng thời, bản thành lập tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng với sự tham gia của đại diện hộ dân trong bản. Qua đó, bà con nắm bắt quy trình, hiệu lệnh báo cháy rừng bằng trống, điện thoại, loa phát thanh và chủ động tham gia chữa cháy rừng. Nhờ chính sách chi trả DVMTR người dân ngày càng có ý thức cao là tự chủ động bảo vệ rừng, các hộ dân cùng nhắc nhau trong mùa đốt nương, rẫy không gây cháy rừng, kịp thời dập tắt những nguy cơ cháy rừng từ sự bất cẩn của người dân…
Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR đã tác động trực tiếp tới công tác bảo vệ và phát triển rừng của huyện Mường Tè. Các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện đã ý thức hơn trong việc bảo vệ và phát triển rừng, công tác tuần tra bảo vệ rừng đã được thực hiện, các bản đã xây dựng hương ước, quy ước bảo vệ rừng của thôn, bản. Đồng thời, cải thiện cuộc sống cho người dân, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo.