Mường La – Sơn La: Nhập nhèm trong khai thác quặng sắt

08/04/2014 00:00

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La nhiều lần gửi văn bản đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương cho phép Công ty TNHH Tuấn Đạt...

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La nhiều lần gửi văn bản đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương cho phép Công ty TNHH Tuấn Đạt được xuất khẩu 220 ngàn tấn quặng thô đang dấy lên những nghi vấn. Số quặng này được doanh nghiệp giải trình là quặng tồn kho sau khi Chính phủ đã có Chỉ thị dừng xuất khẩu quặng thô, tuy nhiên nguồn gốc số quặng này đang là một dấu hỏi lớn cần cơ quan chức năng kiểm tra và làm rõ.
   
Cp phép khai thác lòng h thu đin
   
  Ngay từ những năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho tỉnh Sơn La tổ chức khai thác, thu hồi khoáng sản tại vùng ngập lòng hồ cho tới khi thủy điện Sơn La tích nước. Nhưng phải mất 4 năm sau, tỉnh Sơn La mới “tìm” được nhà đầu tư là Công ty TNHH Tuấn Đạt có trụ sở tại tổ 10, phường Quyết Tâm, Thành phố Sơn La do ông Dương Doãn Lục làm giám đốc triển khai thực hiện.
   
  Ngày 21/10/2009, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành QĐ số 2849/ QĐ-UBND cho phép Công ty TNHH Tuấn Đạt khai thác khoáng sản thô tại bản Khâu Ban 2, xã Mường Trai, huyện Mường La trên phạm vi diện tích là 02 ha, ở cao độ từ 180m - 215m vùng ngập lòng hồ thủy điện. Sản lượng khai thác ban đầu chỉ 15 ngàn tấn/ năm, sau đó công ty có tờ trình với UBND tỉnh xin nâng công suất khai thác lên trên 200 ngàn tấn/ năm với lí do "lòng hồ thuỷ điện Sơn La có thời gian không tích nước". Ngày 18/10/2010, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành QĐ số 2557/ QĐ-UBND đồng ý với đề nghị của doanh nghiệp và cho gia hạn giấy phép đến tháng 9/2012.
   
  Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/2012/CT-Ttg vào ngày 9/1/2012 yêu cầu dừng xuất khẩu khoáng sản thô thì ngay lập tức, công ty TNHH Tuấn Đạt có báo cáo Sở Công Thương tỉnh Sơn La xin xuất khẩu quặng sắt đã ký hợp đồng với đối tác Trung Quốc. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngày 29/8/2012 ông Bùi Đức Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã ký Công văn số 1876/UBND-KTN gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương “xin” cho Công ty TNHH Tuấn Đạt được xuất khẩu 220 ngàn tấn quặng thô tồn kho (trong đó có 23 ngàn tấn quặng đã xuất hoá đơn được "gửi" tại kho của doanh nghiệp Hoàng Lan - Lào Cai và 197 ngàn tấn theo hợp đồng đã ký).
   
  Không những vậy, trong thời gian chờ Chính phủ có văn bản trả lời, ngày 11/01/2013, Sở Công Thương tỉnh Sơn La tiếp tục có Văn bản số 06/ SCT-BC xác định: từ tháng 9/2009 đến tháng 9/2011 Công ty Tuấn Đạt khai thác được 430 ngàn tấn quặng thô. Đã xuất bán trong nước, trong tỉnh cho các nhà máy xi măng là 60 ngàn tấn, xuất khẩu sang Trung Quốc 83.870 tấn và tồn kho 30 ngàn tấn tại Lào Cai, hơn 256 ngàn tấn tại huyện Mường La (trong đó có 144.134 ngàn tấn tinh quặng đủ điều kiện xuất khẩu). Do đó Sở Công Thương đề nghị UBND tỉnh đề nghị lên Bộ Công thương, cho phép doanh nghiệp Tuấn Đạt xuất khẩu số lượng tinh quặng tồn kho nói trên. Ngày 16/01/2013, ông Bùi Đức Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La ký tiếp Công văn số 127/ UBND-KTN đề nghị Bộ Công thương cho phép công ty TNHH Tuấn Đạt xuất khẩu 140 ngàn tấn tinh quặng tồn kho (?!) để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
   
   
  Sẽ không có gì đáng nói nếu như số quặng tồn kho nói trên có thực và cần được giải phóng hàng để gỡ khó cho doanh nghiệp, giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường nhưng thực tế phải khẳng định ngay rằng quặng sắt của Sơn La thuộc loại quặng không có từ, hàm lượng Fe không cao, không được giá khi xuất khẩu. Theo quy định tại Thông tư 08 của Bộ Công Thương thì quặng sắt xuất khẩu phải đạt hàm lượng sắt lớn hơn hoặc bằng 54% trừ trường hợp cá biệt như tận thu tại lòng hồ thủy điện Sơn La, hàm lượng không đạt nhưng vẫn được phép xuất khẩu thô (trước khi có lệnh “cấm” xuất khẩu theo chỉ thị 02).
   
Nhưng li tn thu dc hai bên đường
   
  Tại điểm khai thác trên giấy phép (đã hết hạn) của Công ty TNHH Tuấn Đạt ở bản Khâu Ban 2, xã Mường Trai, huyện Mường La, toàn bộ khu vực được cấp phép tận thu khoáng sản trước đây đã bị ngập sâu dưới nước, nhưng tại xưởng tuyển quặng của Công ty Tuấn Đạt nằm cạnh đó thì các loại thiết bị máy móc vẫn hoạt động hết công suất, cứ chốc chốc lại có một chuyến xe ra, vào xưởng.
   
  Tìm tới nhà trưởng bản Lò Văn Loại thì ông cho biết: Quặng của công ty không chỉ được tận thu ở lòng hồ. “Họ còn thu gom ở dọc hai bên đường chứ không phải tại điểm dưới lòng hồ kia đâu”. Chủ tịch UBND xã Mường Trai, Lèo Văn Lay cũng cho hay, Công ty Tuấn Đạt có tận thu khoáng sản tại lòng hồ với số lượng ít, sau đó công ty làm đường nông thôn gặp quặng ở đâu thì tận thu tới đó.
   
  Trao đổi vấn đề này với phóng viên, ông Nguyễn Duy Nhượng, Giám đốc Sở Công Thương Sơn La cho hay, ông không biết Công ty TNHH Tuấn Đạt có khai thác ở ngoài điểm được cấp phép hay không, nhưng có biết công ty này tận thu quặng thô dọc hai bên đường khi họ làm đường. Như vậy, rõ ràng về nguồn gốc, quặng được tận thu từ lòng hồ (có giấy phép) khác với quặng khai thác tận thu dọc hai bên đường (trái phép) khi Công ty TNHH Tuấn Đạt tham gia làm đường nông thôn. Câu hỏi đặt ra là với cách làm gặp đâu tận thu tới đó thì trong tổng số 430 ngàn tấn quặng tồn kho mà công ty TNHH Tuấn Đạt báo cáo với Sở Công Thương để đề nghị lên UBND tỉnh Sơn La xin Chính phủ cho phép xuất khẩu 220 ngàn tấn nhằm tháo gỡ khó khăn thì có bao nhiêu "ngàn" tấn được đào lên trong phạm vi 2 ha được cấp phép trước đây?. Để làm rõ câu hỏi này, phóng viên đã tới trụ sở Công ty TNHH Tuấn Đạt thì được nhân viên ở đây cho biết giám đốc đi vắng, xin mời quay trở lại sau.
   
  Không nản chí, phóng viên đã sang tỉnh Lào Cai, tìm gặp bà Hoàng Nga, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Lan, đơn vị được Công ty TNHH Tuấn Đạt ủy thác xuất khẩu quặng. Bà Nga cho biết: Hơn 20 ngàn tấn quặng của Công ty Tuấn Đạt là quặng xấu, khó bán. Hàm lượng Fe thấp, lưu huỳnh, phốt pho cao, kẹp si - lic nhiều. Phía đối tác Trung Quốc vốn đã không mặn mà gì với số quặng này kể cả khi Chính phủ chưa có văn bản cấm xuất khẩu quặng. Cũng chính vì chất lượng quặng quá xấu nên muốn “tiêu thụ” thì phải phối trộn với các hàng khác thì mới bán được. Thậm chí, nếu không xuất đi được Trung Quốc thì cũng chỉ để rải đá làm đường vì bán trong nước là không bán được. Hiện tại, Công ty Hoàng Lan đã không còn mặn mà trong việc hợp tác với Công ty Tuấn Đạt để khai thác quặng ở Sơn La. “Đổ tiền vào rồi đắp chiếu nằm đấy thì không ổn, hàng để đầy ở đây còn chả bán được thì tha thiết gì để làm thêm. Nếu bên Tuấn Đạt mà làm sai thì bọn chị cũng không muốn làm, không muốn hợp tác. Cháy thành thì vạ lây”, bà Nga chia sẻ.
   
  Vậy tại sao Công ty TNHH Tuấn Đạt vẫn tiếp tục khai thác, tuyển rửa quặng khi chất lượng quặng rất thấp, khó bán. Trong khi lại không có bất cứ giấy phép nào của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La cho phép khai thác, thăm dò khoáng sản tại địa bàn huyện Mường La, tỉnh Sơn La?.
   
  Tìm hiểu thêm về vấn đề này, cuối cùng chúng tôi đã có câu trả lời. Hiện tại Công ty TNHH Tuấn Đạt đang nợ nhiều tỉ đồng tiền thuế của tỉnh Sơn La. Làm việc với chi cục thuế TP. Sơn La, ông Đặng Ngọc Hậu, Chi Cục trưởng cho biết: "Theo quy định thì chúng tôi chỉ cung cấp số liệu về các khoản thuế đã nộp, còn phần nợ đọng về thuế thì nhà báo thông cảm, đó là bí mật của doanh nghiệp. Việc Công ty TNHH Tuấn Đạt đang nợ thuế tài nguyên khoáng sản là có thật nhưng vì họ không xuất bán được quặng nên vẫn chưa chịu trả, nhiều lần chúng tôi đốc thúc nhưng doanh nghiệp viện lí do khó khăn nên chấp nhận chịu đóng phạt tính theo lãi xuất. Với lại hàng tháng họ vẫn nộp báo cáo thuế đầy đủ nên chưa thể tiến hành các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo các quy định hiện hành. Vừa rồi họ mới nộp hơn 1 tỉ tiền phí môi trường. Bản thân tôi cũng rất muốn gặp anh Lục - chủ doanh nghiệp để trao đổi xem họ có khó khăn như thế nào nhằm tháo gỡ nhưng không thể gặp được.
   
  Để giúp doanh nghiệp giải phóng hàng tồn, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh Thủ tướng Chính phủ đã cho phép một số doanh nghiệp được xuất khẩu khoáng sản tồn kho như một giải pháp xử lý tình thế đặc cách để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thế nhưng chủ trương đúng đắn này đã có dấu hiệu bị lợi dụng. Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ cùng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ những bất thường trong việc xuất khẩu quặng tồn kho tại các tỉnh, thành phố mà trường hợp công ty TNHH Tuấn Đạt nói trên là một ví dụ điển hình.
   
Mạnh Hưng
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mường La – Sơn La: Nhập nhèm trong khai thác quặng sắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO