Người dân xã Mường Tùng, huyện Mường Chà tuần tra tại bảo vệ rừng. |
Ðể công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đạt hiệu quả, UBND huyện Mường Chà đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với UBND các xã trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, hướng dẫn mới về luật bảo vệ và phát triển rừng; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Ðồng thời, thực hiện khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên, trồng cây phân tán; rà soát, cắm biển báo khu vực chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện... Qua tuyên truyền, phổ biến đã giúp các cộng đồng dân cư, người dân nắm được các bước, quy trình thực hiện từ nghiệm thu diện tích rừng đến khi chi trả tiền và quản lý, sử dụng tiền đã được chi trả.
Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà, đến năm 2020, huyện Mường Chà có tổng diện tích rừng được cung ứng dịch vụ môi trường rừng là trên 47.000 ha (gồm 46.800ha rừng tự nhiên và trên 961ha rừng trồng). Tỷ lệ che phủ rừng của Mường Chà tính đến giữa tháng 11/2019 đạt 40,2%. Ông Lường Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà cho biết: Ðến thời điểm này, cơ bản diện tích đất có rừng đã được giao đến các cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, UBND xã, thị trấn. Ðồng thời toàn bộ diện tích rừng đã giao trên địa bàn huyện đều được hưởng chính sách chi trả DVMTR.
Người dân huyện Mường Chà nhận tiền chi trả DVMTR. |
Bản Sa Lông, xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên có diện tích rừng được người dân nhận khoanh nuôi, bảo vệ và được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng là gần 500 ha. Để bảo vệ rừng, những năm qua, Chi bộ và các đoàn thể của bản Sa Lông đã làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu và nhận thức đúng đắn hơn về trách nhiệm của mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ rừng nói riêng và có những hành động tích cực tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn sống bền vững cho tương lai. Người dân bản Sa Lông đã thành lập được 1 tổ bảo vệ rừng, hàng tháng, hàng tuần tổ bảo vệ rừng của bản phân công nhau tuần tra bảo vệ rừng.
Xác định rõ ý nghĩa và tính thiết thực của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, UBND huyện Mường Chà đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát diện tích rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân hiểu ý nghĩa của dịch vụ môi trường rừng và trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng. Vì vậy đã tác động tích cực đến nhận thức, động lực của người dân về quyền lợi cũng như trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ, phát triển và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Cán bộ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Điện Biên tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR. |
Ông Lường Văn Toàn cho biết: Lực lượng kiểm lâm huyện Mường Chà thường xuyên phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ và phát triển rừng, quyền và nghĩa vụ của chủ rừng trong việc quản lý, bảo vệ rừng; chỉ đạo kiểm lâm viên địa bàn tham mưu cho UBND các xã, thị trấn xây dựng phương án PCCCR cho 125 chủ rừng (107 chủ rừng cộng đồng; 15 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân; 1 Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện; Ðồn Biên phòng Mường Mươn và Nông trường Cao su Mường Chà), đồng thời tham mưu cho 12/12 UBND xã, thị trấn đang quản lý, bảo vệ rừng theo quy định.
Ðến nay, Mường Chà đã củng cố, kiện toàn 1 Ban Chỉ đạo PCCCR cấp huyện, 12 Ban Chỉ huy PCCCR cấp xã. Củng cố, kiện toàn được 109 tổ, đội PCCCR với 1.052 thành viên tham gia tại tất cả các thôn, bản có rừng nhằm kịp thời kiểm tra, nắm bắt tình hình về rừng.
Cùng với đó, tăng cường công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyên địa phương, chủ tịch UBND các xã trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Kiểm lâm địa bàn với chức năng quản lý nhà nước về sử dụng đất lâm nghiệp. Tăng cường bám nắm địa bàn phối hợp với các tổ bảo vệ rừng và các trưởng thôn, bản tổ chức tuyên truyền, tuần tra bảo vệ rừng, đặc biệt là vào thời gian cao điểm, những tháng mùa khô, mùa làm nương rãy.
Nếu như trước đây công tác bảo vệ rừng ở địa phương này còn gặp nhiều khó khăn thì từ khi thực hiện chính sách chi trả DVMTR, người dân Mường Chà ngày càng tích cực tham gia nhiều vào công tác quản lý, bảo vệ rừng, vì mỗi người dân Mường Chà đã coi rừng là tài sản của mình và cộng đồng thôn bản.