Huyện Mường Ảng phấn đấu trở thành vùng chuyên canh cây ăn quả nhờ đẩy mạnh chuyển đổi từ diện tích đất trồng kém hiệu quả. Ảnh: Vũ Lợi |
Huyện Mường Ảng có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 44.300ha; trong đó, diện tích đất nông nghiệp năm trên 42.200ha, chiếm 95,28% diện tích tự nhiên. Đất sản xuất nông nghiệp có diện tích 25.882,8ha, chiếm 58,37% diện tích tự nhiên và chiếm 61,26% diện tích đất nông nghiệp.
Mường Ảng là huyện nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới núi cao với đặc trưng của khí hậu vùng núi Tây Bắc có 2 mùa rõ rệt đó là mùa đông lạnh, mưa ít; mùa hè nóng, mưa nhiều. Cùng với đó, điều kiện thổ nhưỡng thích hợp đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển một số loại cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả và phát triển nông sản hàng hóa.
Nắm được lợi thế phát triển cùng với việc thực hiện Quyết định 610/QÐ-UBND của UBND tỉnh Điện Biên về việc xác định lộ trình, diện tích cần chuyển đổi cây trồng từ đất nương, đất ruộng một vụ và đất trồng cây màu hằng năm kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị cao; huyện Mường Ảng đã ban hành Kế hoạch về phát triển sản xuất Nông - Lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Kế hoạch về cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện Mường Ảng đến năm 2020. Trong đó hướng tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Huyện Mường Ảng đã xác định việc phát triển trồng cây ăn quả thành vùng nguyên liệu, thực sự tạo ra sản phẩm hàng hóa trên địa bàn là hết sức quan trọng. Từ năm 2018 đến nay, huyện đã tiến hành chuyển đổi một phần diện tích từ đất nương rẫy, đất vườn tạp và các loại đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như Bưởi da xanh, Xoài Đài Loan, Cam và Chanh leo.
Nhờ được hướng dẫn, nhiều hộ gia đình đã chú trọng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi diện tích đất dốc hiện đang canh tác cây lương thực, các loại cây công nghiệp hiệu quả thấp trên địa bàn để tiến hành quy hoạch chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả, góp phần từng bước khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp trên địa bàn, nâng cao chất lượng sản phẩm tạo giá trị hàng hóa, tăng thu nhập trên địa bàn huyện và xóa đói giảm nghèo.
Bắt đầu thực hiện bắt đầu từ đầu năm 2018, đến nay, toàn huyện Mường Ảng có tổng diện tích cây Chanh leo là 30ha. Diện tích này chủ yếu được chuyển đổi từ các diện tích vườn cà phê kém hiệu quả, năng suất thấp. Toàn bộ diện tích cây chanh leo trên hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt và đang trong giai đoạn thu hoạch; năng suất ước đạt 13 - 15 tấn/ha/năm. Qua đánh giá của một số hộ gia đình đã trồng trước đây cho thấy sản phẩm cây trồng có múi rất phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đất đai huyện Mường Ảng.
Người dân huyện Mường Ảng chăm sóc cây ăn quả. Ảnh: Hiền Nguyễn |
Hiện đã có một số doanh nghiệp tiến hành đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện như: Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Quang Hà với quy mô đầu tư phát triển trồng cây ăn quả bằng công nghệ cao trên 200ha. Đến nay, đã thực hiện được 70ha với 2 nhóm cây trồng chính: Cam và Bưởi da xanh. Công ty TNHH xây dựng Bùi Gia Phát hiện đang trong quá trình khảo sát, tích tụ đất đầu tư dự án trồng cây ăn quả tại bốn xã: Búng Lao, Ẳng Tở, Ngối Cáy, Mường Lạn với diện tích 1.500ha; đến năm 2030 sẽ mở rộng diện tích thêm 1.000ha ở các xã khác. Hiện đã khảo sát tích tụ đất được 600ha.
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng cho biết: Để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng theo lộ trình, kế hoạch đã đặt ra thì công tác quy hoạch trong sản xuất nông - lâm nghiệp luôn được huyện quan tâm chú trọng và đặt lên hàng đầu. Đó là việc xác định rõ các vùng sản xuất hàng hóa, và các vùng chuyên canh đối với từng loại cây trồng để đưa ra các chủ trương sát, đúng với điều kiện thực tế của địa phương.
Huyện Mường Ảng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 toàn huyện có khoảng 1.500 - 2.000ha các loại cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả; Định hướng đến năm 2025 có khoảng 2.000 - 2.500ha các loại cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả. Để đạt được mục tiêu đó, Mường Ảng cần chủ động trong việc xác định lộ trình, diện tích cần chuyển đổi cây trồng từ đất nương, đất ruộng một vụ và đất trồng cây màu hằng năm kém hiệu quả và đất trống đồi trọc để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.