Trong khi Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm, nghìn tỷ đồng để làm những con đường mới nhằm mang lại bộ mặt phong quang cho đô thị, những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo lại đang tồn tại như thách thức dư luận.
Nhà siêu mỏng, siêu méo thật sự là "thảm họa" của kiến trúc đô thị Hà Nội - Thủ đô văn minh, hiện đại, bộ mặt của đất nước. Không khó để bắt gặp những “dị tật” quy hoạch này tại dọc các tuyến đường đã và đang được mở rộng như: Vành đai 3, đoạn từ Mai Dịch - cầu Thăng Long (đường Phạm Văn Đồng), đường Võ Chí Công, đường Vành đai 1, đoạn Xã Đàn - Ô Chợ Dừa, đường Vành đai 2, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Vĩnh Tuy, Đào Tấn, Thanh Nhàn…
Công trình “siêu mỏng”, “siêu méo” sau quy hoạch trên phố Yên Lãng (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Minh |
Còn tại tuyến Vành đai 2 (đoạn Minh Khai - Đại La - Trường Chinh) đang được giải phóng mặt bằng từ năm 2020 đến nay để làm đường trên cao, những ngôi nhà có hình thù kỳ dị, siêu mỏng, siêu méo, cao 3 - 4 tầng sừng sững xuất hiện dù tuyến đường chưa hoàn thiện.
Thực tế, nhà siêu mỏng, méo - Câu chuyện này không mới. TP. Hà Nội đã nhiều lần hạ quyết tâm xử lý triệt để tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo, nhưng những "khuyết tật” vẫn tồn tại. Vì sao khó xử lý?
Rõ ràng, để xảy ra việc xây dựng nhà siêu mỏng, méo trên bất kỳ tuyến phố nào, trước hết, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Chủ yếu là trách nhiệm của Thanh tra xây dựng. Lực lượng này đã được tổ chức từ quận, huyện đến phường, xã, do vậy, không thể nói chuyện "không biết để xử lý kịp thời". Tuy vậy, cũng không thể "trăm dâu đổ đầu... cơ sở". Các cơ quan hữu quan của các thành phố cũng có trách nhiệm khi chưa xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ về quản lý đô thị cũng như các văn bản hướng dẫn xử lý vi phạm sát với tình hình thực tế...
Các cơ quan quản lý Nhà nước đang phải "chạy theo" vi phạm, nhưng cũng chỉ là xử lý phần "ngọn". Đáng ngại hơn là sau khi giải phóng mặt bằng, mở ra đường mới... giá trị đất mặt phố tăng lên, nhà siêu mỏng, siêu méo nhanh chóng được kiên cố hóa, người dân đã ổn định cuộc sống... vấn đề càng thêm phức tạp.
Để giải quyết triệt để tình trạng này, chính quyền địa phương phải thật sự vào cuộc, không để tình trạng người dân cố bám trụ mặt đường theo kiểu "mạnh ai nấy làm". Nhưng quan trọng hơn, nếu không quan tâm tới những thửa đất sau thu hồi và quy hoạch kiến trúc mặt ngoài tuyến phố... thì vẫn tồn tại những ô đất nhỏ hẹp, méo mó để những nhà siêu mỏng, siêu méo mọc lên.
Theo các chuyên gia, hiện, chúng ta đã có Luật Đất đai, Luật Xây dựng… nhưng cần có thêm văn bản hướng dẫn như về vấn đề hợp khối, cấp phép xây dựng hoặc thiết kế đô thị. Khi mở đường mới phải có thiết kế đô thị, có giải pháp tổ chức không gian kiến trúc, nêu rõ những ngôi nhà nào được phép cải tạo, căn nào phải hợp khối. Hiện nay, chúng ta đã quy định tương đối rõ về diện tích nhưng hình dáng thế nào là hợp lý, thế nào là chưa hợp lý..., phải được thể hiện thông qua thiết kế đô thị của từng tuyến đường...
Nếu không có “quyết tâm dày”, không sớm có một quy định chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn các ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo mới và sau đó là giải quyết các trường hợp đang tồn tại thì việc giải quyết hậu quả những ngôi nhà phố dị dạng chẳng khác nào việc “thả gà ra đuổi”.
Hà Nội thay da đổi thịt từng ngày. Người ta dễ dàng nhìn thấy những bước phát triển về cơ sở hạ tầng, không thể đếm hết những ngôi nhà chọc trời, nhiều đại lộ và những con đường lớn. Đó là điều đáng mừng.
Nhưng cứ nhìn vào những bộn bề của Thủ đô đã, đang tồn tại và cần phải giải quyết hôm nay, bất giác lại lo cho tương lai về sau.