Nhân viên cứu hộ sử dụng thuyền bơm hơi để sơ tán học sinh bị mắc kẹt bởi nước lũ tại một trường học do mưa lớn ở quận Duchang, tỉnh Jiangxi, Trung Quốc vào ngày 8/7/2020. Ảnh: Reuters |
Trung Quốc dễ bị tổn thương do thời tiết khắc nghiệt
Các chuyên gia cho biết “cảnh báo màu đỏ” tại vùng Xianning và Jingzhou ở tỉnh Hồ Bắc và Nanchang và Shangrao ở tỉnh Giang Tây lân cận cho thấy rõ tính dễ bị tổn thương do thời tiết khắc nghiệt từ biến đổi khí hậu của đất nước này và các nguy cơ của việc phát triển quá mức tại các vùng đồng bằng ngập lụt.
Khoảng 140 người đã chết hoặc mất tích sau các cơn bão, trong khi Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 10/7 cho biết thiệt hại kinh tế đã vượt quá 60 tỷ nhân dân tệ (tương đương 8,6 tỷ USD).
Trung Quốc đổ lỗi cho điều kiện thời tiết bất thường, bao gồm cả độ ẩm từ Biển Đông và Ấn Độ Dương nhưng nước này cũng cho biết những thay đổi lâu dài trong mô hình khí hậu đã khiến đất nước dễ bị tổn thương hơn.
Theo dữ liệu chính thức, vào tháng 6, lượng mưa cao hơn 13,5% so với trung bình theo mùa. Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết nước này đã trải qua sự gia tăng 20% trong các sự cố về lượng mưa lớn kể từ năm 1961.
"Những đợt lũ lụt tàn phá mà chúng ta đã thấy phù hợp với sự gia tăng của các điều kiện thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu" - ông Liu Junyan, một nhà vận động của Greenpeace Đông Á cho biết.
“Ở nhiều vùng của Trung Quốc, chúng ta đã chứng kiến những thay đổi lớn về lượng mưa trong những thập kỷ gần đây và hậu quả là lũ lụt”, ông Liu Junyan cho biết thêm.
Nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu tại huyện Nam Kinh (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) cho biết thiệt hại kinh tế do lũ lụt đã tăng lên 25,3 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2006-2018, tăng gần một phần ba so với mức trung bình hàng năm trong giai đoạn từ năm 1984-2018.
Các nhà nghiên cứu ước tính mỗi lần tăng nhiệt độ 0,5 độ sẽ dẫn đến thiệt hại lũ lụt hàng năm lên tới 60 tỷ USD.
Rủi ro ở vùng đồng bằng ngập lụt
“Mặc dù khí hậu là một yếu tố chính, nhưng lũ lụt năm nay cũng cho thấy những rủi ro ngày càng tăng do sự phát triển quá mức ở vùng đồng bằng ngập lụt”, Ma Jun, Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề công cộng và môi trường (IPE), đơn vị giám sát các con sông của Trung Quốc cho biết.
“Lượng mưa lớn nhưng không phải là cao nhất. Lũ lụt sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, đặc biệt là ở những nơi trũng thấp”, ông Ma nói thêm.
Trung Quốc đã dễ bị tổn thương do lũ lụt trong suốt lịch sử của đất nước, với điều kiện khí hậu tồi tệ hơn bởi các hoạt động của con người như phá rừng, cải tạo vùng đất ngập nước và dự trữ nước để sản xuất điện và tưới tiêu.
Bắc Kinh đã lần lượt tìm cách đưa ra một giải pháp cho vấn đề này, với các dự án đập khổng lồ được thiết kế một phần để điều tiết dòng nước dọc theo sông Trường Giang, con sông dài nhất châu Á.
Hồ chứa Tam Hiệp khổng lồ đã lưu trữ khoảng 50.000 mét khối mỗi giây trong tuần này, trong khi chỉ xả 35.000 mét khối mỗi giây để giảm tác động của lũ lụt ở hạ lưu. Theo Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, nó hiện cao hơn 3,5 mét so với mức cảnh báo.
Ông Ma cho biết Trung Quốc cần quy hoạch đô thị tốt hơn - và tăng cường nỗ lực xây dựng thành phố bọt biển có khả năng hấp thụ nước vào mùa mưa – nhằm giảm bớt rủi ro dài hạn đang gia tăng.
Theo ông Ma, Trung Quốc đã dành nguồn lực xây đập và hồ chứa và kiểm soát lũ lụt, nhưng đó không phải là “liều thuốc chữa bách bệnh”.