Thế giới

Mối đe dọa từ bùng nổ kỹ thuật số đối với môi trường

Mai Đan 11/07/2024 - 20:59

(TN&MT) - Để sản xuất một chiếc máy tính nặng 2 kg, cần tới 800kg nguyên liệu thô. Hay năng lượng cần thiết để khai thác dữ liệu bitcoin đã đạt 121 terawatt vào năm ngoái - nhiều hơn mức tiêu thụ của hầu hết các quốc gia nhỏ.

Đây chỉ là 2 trong số những phát hiện đáng lo ngại trong một báo cáo mới về nền kinh tế kỹ thuật số của cơ quan thương mại Liên hợp quốc UNCTAD, trong đó khẳng định tác động tiêu cực của ngành đang phát triển mạnh này đến môi trường phải được xem xét nghiêm túc hơn - và việc đầu tư vào năng lượng tái tạo đang gặp cản trở.

Bà Rebeca Grynspan, Tổng Thư ký UNCTAD cho biết: “Sự phát triển của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và tiền điện tử (tiền mã hóa), khai thác tiền điện tử đã làm tăng đáng kể mức tiêu thụ năng lượng”.

Bà dẫn chứng: “Ví dụ, mức tiêu thụ năng lượng của hoạt động khai thác Bitcoin đã tăng gấp 34 lần từ năm 2015 đến năm 2020, đạt khoảng 121 terawatt giờ… Mức tiêu thụ năng lượng của hoạt động khai thác Bitcoin nhiều hơn những gì Bỉ hoặc Phần Lan tiêu thụ mỗi năm”. Ngày nay, khoảng 5,4 tỷ người sử dụng Internet và nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu đang bùng nổ với nhiều lợi ích rõ ràng đối với nhiều người.

Bà Grynspan lưu ý chỉ xét riêng về giá trị, doanh số thương mại điện tử của doanh nghiệp đã tăng từ 17 nghìn tỷ USD năm 2016 lên 27 nghìn tỷ USD vào năm 2022 tại 43 quốc gia.

image1170x530cropped-30-.jpg
Rác thải điện tử đang trở thành dòng rác thải sinh hoạt gia tăng nhanh nhất thế giới. Ảnh: WHO

“Chúng ta nói rất nhiều về cách công nghệ kỹ thuật số có thể giảm việc sử dụng giấy và cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng, đồng thời chúng có thể giúp cắt giảm lượng khí thải nhà kính trong các lĩnh vực giao thông và xây dựng, nông nghiệp và năng lượng. Tuy nhiên, nhược điểm không được nhắc đến nhiều”, bà Grynspan cho biết.

Để chống lại mối đe dọa này đối với môi trường và hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số công bằng và có trách nhiệm với môi trường, Báo cáo kinh tế kỹ thuật số năm 2024 của UNCTAD đưa ra các đề xuất chính sách về khoáng sản quý được sử dụng để sản xuất các thiết bị điện tử bao gồm điện thoại di động và các tài nguyên thiên nhiên quan trọng khác, như nước.

Cơn khát năng lượng của trung tâm dữ liệu

Theo UNCTAD, vào năm 2022, các trung tâm dữ liệu toàn cầu tiêu thụ 460 terawatt giờ, tương đương lượng điện năng được 42 triệu gia đình ở Mỹ sử dụng trong một năm. Con số này dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi vào năm 2026. Cơ quan này cũng trích dẫn ước tính rằng lĩnh vực kỹ thuật số chịu trách nhiệm cho 1,5-3,2% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, tương tự như vận tải hàng không và vận tải biển.

Từ năm 2018 đến năm 2022, mức tiêu thụ điện của 13 nhà khai thác trung tâm dữ liệu lớn đã tăng hơn gấp đôi, làm rõ nhu cầu cấp thiết trong việc giải quyết dấu chân năng lượng và nước của các công nghệ này.

“Google cho hay, vào năm 2022, tổng lượng nước tiêu thụ tại các trung tâm dữ liệu và văn phòng của họ lên tới 5,6 tỷ gallon (khoảng 21,2 triệu m3). Cũng trong năm 2022, Microsoft cho biết, mức tiêu thụ nước của họ là 6,4 triệu m3”, bà Grynspan nói và cho rằng việc tiêu thụ nước của các cơ sở như vậy gần đây đã gây ra căng thẳng trong cộng đồng địa phương ở một số quốc gia.

Người đứng đầu UNCTAD cũng cho biết thêm, chỉ riêng việc đào tạo ChatGPT-3 đã yêu cầu ước tính khoảng 700.000 lít nước ngọt, sạch.

Báo cáo cho biết thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ, với lượng người mua sắm trực tuyến tăng từ gần 100 triệu vào năm 2000 lên 2,3 tỷ vào năm 2021. Sự gia tăng này đã dẫn đến lượng rác thải liên quan đến kỹ thuật số tăng 30% từ năm 2010 đến năm 2022, đến mức 10,5 triệu tấn trên toàn cầu.

“Việc quản lý rác thải kỹ thuật số vẫn chưa đầy đủ. Đây là mối lo ngại lớn do tình trạng ô nhiễm bởi hoạt động này tạo ra và tác động của nó đối với môi trường”, Tổng thư ký UNCTAD cho biết.

Theo báo cáo, tại các nước phát triển, mỗi người thải ra 3,25 kg rác thải kỹ thuật số, so với mức dưới 1 kg ở các nước đang phát triển và chỉ 0,21 kg ở các nước kém phát triển nhất. Đây là một số liệu khác cho thấy sự phân bổ lợi ích không đồng đều mà số hóa mang lại.

Cơ hội từ khoáng sản quan trọng

Các tác giả báo cáo cho biết Ngân hàng Thế giới ước tính, nhu cầu về khoáng sản cần thiết cho số hóa như than chì, lithium và coban có thể tăng 500% đến năm 2050. Các nước đang phát triển đóng vai trò then chốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu về khoáng sản và kim loại chuyển tiếp, tập trung nhiều ở một số khu vực.

Ví dụ, trữ lượng khoáng sản khổng lồ của Châu Phi, cần thiết cho sự chuyển đổi toàn cầu sang công nghệ kỹ thuật số và carbon thấp, bao gồm coban, đồng và lithium, rất quan trọng cho tương lai năng lượng bền vững. Lục địa này có trữ lượng 55% coban, 47,65% mangan, 21,6% than chì tự nhiên, 5,9% đồng, 5,6% niken và 1% lithium.

image1170x530cropped-31-.jpg
Công nhân xử lý rác thải điện tử đang tháo rời các đồ vật trong một cửa hàng tái chế ở Ghana. Ảnh: WHO

“Nhu cầu ngày càng tăng đối với các khoáng sản quan trọng tạo cơ hội cho các nước đang phát triển giàu tài nguyên tăng thêm giá trị cho các khoáng sản được khai thác, đa dạng hóa nền kinh tế và tăng cường phát triển. Nhưng công nghệ phải được chuyển giao và phải hiệu quả hơn để tương thích với các mục tiêu về môi trường và biến đổi khí hậu”, Tổng thư ký Grynspan chia sẻ.

Các tác giả báo cáo đề xuất, trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay, không gian tài chính hạn chế, tăng trưởng chậm và nợ cao, các nước đang phát triển nên tối đa hóa cơ hội này bằng cách chế biến và sản xuất trong nước. Điều này sẽ giúp họ đảm bảo thị phần lớn hơn trong nền kinh tế kỹ thuật số toàn cầu, tạo doanh thu cho chính phủ, phát triển tài chính, khắc phục sự phụ thuộc vào hàng hóa, tạo việc làm và nâng cao mức sống.

Báo cáo cho thấy nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng năng lượng sạch đã thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Mỹ Latinh, chiếm 23% giá trị dự án mỏ xanh của khu vực trong 2 năm qua.

Các yếu tố thành công

UNCTAD đề xuất các mô hình kinh doanh mới và chính sách mạnh mẽ để giúp tăng trưởng kỹ thuật số bền vững hơn. Các khuyến nghị của các chuyên gia thương mại và phát triển của Liên Hợp Quốc đối với thế giới là sử dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, tập trung vào tái chế, tái sử dụng và thu hồi vật liệu kỹ thuật số để giảm thiểu rác thải và hủy hoại môi trường; tối ưu hóa nguồn lực bằng cách lập kế hoạch sử dụng nguyên liệu thô hiệu quả hơn và giảm mức sử dụng tổng thể.

Đồng thời, tăng cường các quy định, thực thi các tiêu chuẩn và quy chuẩn môi trường chặt chẽ hơn để giảm bớt tác động sinh thái của công nghệ kỹ thuật số; đầu tư vào năng lượng tái tạo, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiết kiệm năng lượng và thực hành kỹ thuật số bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế, khuyến khích các nước hợp tác để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng vào các công nghệ và tài nguyên kỹ thuật số, đồng thời giải quyết các vấn đề khai thác tài nguyên và rác thải kỹ thuật số toàn cầu.

Bà Rebeca Grynspan kết luận: “Nền kinh tế kỹ thuật số là trung tâm của các cơ hội tăng trưởng và phát triển toàn cầu, vì vậy chúng ta cần triển khai các biện pháp thực tiễn để giúp “đôi bên cùng có lợi” và không đi ngược lại các mục tiêu quan trọng của chúng ta là bền vững môi trường và các cam kết đối với biến đổi khí hậu”.

Theo Tổng hợp từ UN News
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối đe dọa từ bùng nổ kỹ thuật số đối với môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO