Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp trực tuyến |
Theo Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khí tượng thủy văn (KTTV), Dự án Xây dựng dữ liệu quan trắc lĩnh vực KTTV do Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường chủ trì được xây dựng từ năm 2017, hoàn thành năm 2019, thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2022.
Hiện nay, các thông tin, số liệu quan trắc tài nguyên và môi trường nói chung, thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn nói riêng là những tư liệu quý, phục vụ hữu ích trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng. Việc số hóa dữ liệu quan trắc KTTV là một phần dữ liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu KTTV quốc gia đồng bộ, thống nhất nhằm đáp ứng được yêu cầu phục vụ khai thác đa mục tiêu chính xác, kịp thời; hiện dữ liệu chưa được quản lý tập trung, thống nhất và cần có kết nối mạng thông tin giữa các trạm quan trắc tại trung ương và địa phương.
Mặt khác, việc ứng dụng công nghệ hiện đại để khắc phục sự rời rạc trong quản lý dữ liệu, phục vụ đa mục tiêu, phát huy hiệu quả và tính chất quan trọng của thông tin dữ liệu, nhằm phục vụ công tác hoạch định các chính sách, định hướng về tài nguyên và môi trường hướng tới phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Theo Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV, mục tiêu của Dự án này là thu thập đầy đủ, tích hợp thống nhất, tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về quan trắc KTTV trên cơ sở áp dụng các giải pháp công nghệ, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, tiên tiến, đảm bảo an ninh, an toàn; sử dụng hiệu quả thông tin, dữ liệu của mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia và các hệ thống quan trắc chuyên dùng trên toàn quốc; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ thiết lập, quản lý, duy trì và vận hành hệ thống.
Dự án có 3 hạng mục là xây dựng phần mềm chuyển đổi, chuẩn hóa dữ liệu quan trắc KTTV; xây dựng phần mềm kiểm tra chất lượng số liệu quan trắc KTTV thời gian thực; tạo lập nội dung thông tin dữ liệu quan trắc KTTV và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quan trắc quốc gia tài nguyên môi trường.
Cụ thể, việc xây dựng phần mềm chuyển đổi, chuẩn hóa dữ liệu quan trắc KTTV gồm dữ liệu quan trắc lịch sử đã được số hóa; dữ liệu quan trắc KTTV của các trạm quan trắc thủ công; dữ liệu quan trắc tự động; dữ liệu quan trắc của hệ thống trạm chuyên dùng.
Việc xây dựng phần mềm kiểm tra chất lượng số liệu quan trắc KTTV thời gian thực gồm các yêu tố quan trắc khí tượng như bức xạ, nhiệu độ, độ ẩm, mây mưa, áp suất khí quyển; các yếu tố quan trắc thủy văn như mực nước, lưu lượng chất lơ lửng, lượng mưa...; các yếu tố quan trắc hải văn như sóng, gió, tầm nhìn ngang...; các yêu tố quan trắc ozon-bức xạ cực tím; các yếu tố quan trắc môi trường không khí; các yếu tố quan trắc môi trường nước...
Đối với việc tạo lập nội dung thông tin dữ liệu quan trắc KTTV và cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu quan trắc quốc gia tài nguyên môi trường, dự án tiến hành cập nhật, tạo lập nội dung thông tin dữ liệu KTTV và các dữ liệu chưa được số hóa đến năm 2020. Trong đó, dữ liệu tại trạm khí tượng bề mặt trong dự án này đề xuất tạo lập số liệu của 69 trạm khí tượng bề mặt (mưa, nhiệt độ, độ ẩm, bốc hơi, nắng, gió...) với tổng số 1132 trạm/năm.
Dữ liệu thủy văn vùng sông không ảnh hưởng thủy triều của 127 trạm quan trắc, gồm: dữ liệu tại trạm đo mực nước 3449 trạm/năm số liệu; dữ liệu trạm đo lưu lượng 1922 trạm/năm số liệu. Dữ liệu quan trắc KTTV biển gồm 18 trạm, trong đó dữ liệu loại BHV1 là 789 trạm/năm; loại BHV2 là 333 trạm/năm. Dữ liệu quan trắc môi trường không khí là 363 trạm/năm; môi trường nước là 406 trạm/năm. Dữ liệu quan trắc điểm đo mặn là 1936 trạm/năm.
Về kế hoạch thực hiện, căn cứ vào Quyết định thành lập Dự án, Ban soạn thảo dự kiến năm 2021 sẽ tập trung vào việc nhập liệu và xây dựng phần mềm; năm 2022 sẽ hoàn thành toàn bộ các phần còn lại của phần tạo lập cơ sở dữ liệu.
Đánh giá về Dự án, các thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng, thông tin dữ liệu KTTV là sản phẩm thuộc mạng lưới quan trắc có trên 100 năm nên rất lớn, đa dạng, nhiều chủng loại. Trước đây, hoạt động quan trắc chủ yếu là thủ công, dữ liệu được ghi trên giấy. Hiện nay, một phần thông tin dữ liệu quan trắc này đã được số hóa và đưa vào cơ sở dữ liệu, tuy nhiên khối lượng chưa được nhiều.
Bên cạnh đó, gần đây ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đo tự động, theo đó thông tin dữ liệu quan trắc của các trạm tự động được truyền trực tiếp về các trung tâm dữ liệu dưới dạng số hóa và lưu trữ trên các vật mang tin điện tử. Thông tin dữ liệu quan trắc trước khi đưa vào lưu trữ đều được chỉnh lý, kiểm soát, tuy nhiên mới được kiểm soát chất lượng một phần. Do đó, trong thời điểm hiện nay việc thực hiện dự án này là rất cần thiết và cấp bách.
Đánh giá về dự án, ông Nguyễn Văn Tuệ, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho rằng, nội dung thực hiện Dự án phù hợp với mục tiêu đề ra; khối lượng công việc được tính toán, thống kê chi tiết trong các phụ lục đảm bảo đầy đủ, logic; dự toán kinh phí phù hợp với quy định hiện hành và các nội dung công việc đã thực hiện. Sản phẩm của dự án được xác định đầy đủ, phù hợp, bao gồm các sản phẩm trung gian và sản phẩm chính.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tuệ cho rằng, sản phẩm chính của dự án cần được viết lại theo hướng: “Cơ sử dữ liệu quan trắc KTTV thuộc hệ cơ sở dữ liệu quốc gia về quan tắc tài nguyên môi trường được xây dựng hoàn thiện, quản lý thống nhất, tổ chức vận hành trên hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng”. Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuệ, phần thuyết minh dự án cần được viết mạch lạc hơn, tránh dàn trải và trùng lặp.
Cuộc họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến |
Thống nhất với các ý kiến của Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành nhấn mạnh, với các quốc gia phát triển trên thế giới, dữ liệu KTTV là dữ liệu mở. Do vậy, Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV cần thay đổi quan điểm về dữ liệu KTTV theo hướng như các quốc gia phát triển, phải coi đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong hoạt động của nhiệm kỳ tới. “Chỉ khi dữ liệu KTTV “mở” hết cho người dân và doanh nghiệp sử dụng thì mới nâng cao được vai trò, vị thế của ngành KTTV”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Thứ trưởng Lê Công Thành cũng yêu cầu Trung tâm Thông tin và Dữ liệu KTTV và các chuyên gia công nghệ thông tin trong quá trình hoàn thiện dự án cần nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới trong quá trình thực hiện; tăng cường sử dụng dữ liệu tự động, loại bỏ dần tư duy kiểm soát bằng dữ liệu giấy. Yêu cầu Ban soạn thảo nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Dự án theo ý kiến của các thành viên Hội đồng, trình ký ban hành Dự án theo quy định.