(TN&MT) - Sáng 20/5 tại Quảng Nam, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam và Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về Phòng, chống thiên tai năm 2023 (15/5 - 22/5/2023) với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm”.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai cho biết: Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai của nước ta khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai.
Vì vậy, Tuần lễ Quốc gia năm nay được lựa chọn với chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm” nhằm thể hiện vai trò dẫn dắt, trách nhiệm của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác ASEAN trong lĩnh vực quản lý thiên tai - một nội dung quan trọng trong trụ cột hợp tác văn hóa - xã hội của ASEAN.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trong những năm gần đây, thiên tai ở nước ta diễn ra khắp các vùng miền trên cả nước với xu thế ngày càng gia tăng, bất thường và khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề đến tính mạng, tài sản, đời sống, sản xuất của người dân, trong đó đặc biệt trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Trong vòng 20 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm thiên tai đã làm trên 300 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế từ 1 - 1,5% GDP; chỉ tính riêng năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai, trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê, làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).
Khu vực miền Trung nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng, những năm qua luôn phải hứng chịu những đợt mưa lũ lớn, đi kèm với đó là những loại hình thiên tai như ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Năm 2022, tỉnh Quảng Nam đã phải hứng chịu đợt mưa lớn trái mùa xảy ra vào cuối tháng 3, đầu tháng 4; liên tiếp 3 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão, đặc biệt bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông, suy yếu nhanh và đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng - Quảng Nam ngày 28/9…
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực không ngừng của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, trong đó đặc biệt là tỉnh Quảng Nam trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của người dân, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống thiên tai ở cả 3 giai đoạn phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai.
Bên cạnh lễ mít tinh, chuỗi sự kiện hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai 2023 tại Quảng Nam còn bao gồm các hoạt động như: Tập huấn cho đội ngũ cán bộ phụ trách công tác đoàn, đội của các trường THCS trên địa bàn tỉnh về tổ chức hoạt động ngoại khóa công tác phòng, chống thiên tai trong trường học; Các cuộc thi rung chuông vàng “Cùng em phòng, chống thiên tai - Kiến tạo tương lai bền vững”; Cuộc thi sáng tác tranh hưởng ứng năm Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch trong hợp tác ASEAN về quản lý thiên tai phát động cho học sinh THCS toàn thành phố Hội An.
Đây là những hoạt động đầy bổ ích, góp phần lan tỏa thông điệp về phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu tới cộng đồng, đặc biệt là đối tượng trẻ em.
Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu - Phó Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh mong rằng các Sở, ngành, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm hơn nữa, không ngừng nâng cao năng lực quản lý phòng, chống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do rủi ro thiên tai trong ngành, lĩnh vực mình quản lý.
Đặc biệt là ngành giáo dục, chú trọng lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai trong chương trình học, các tiết học ngoại khóa nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho các em học sinh, để mỗi em hình thành kỹ năng chủ động ứng phó phù hợp với lứa tuổi, đồng thời các em có thể là một tuyên truyền viên tích cực trong gia đình và xã hội về phòng, chống thiên tai; từ đó góp phần xây dựng cộng đồng an toàn bền vững trước thiên tai.
Ông Hồ Quang Bửu đề nghị, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin truyền thông; nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong phòng, chống thiên tai; sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai năm 2023; đồng thời hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng về các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho cộng đồng, chú trọng đến nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.
Ông cũng đề nghị chính quyền địa phương các cấp, các Sở, ngànhliên quan triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; với mục tiêu tổng quát bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành kinh tế quan trọng, thiết yếu; mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.
Đồng thời, chủ động tích trữ, điều hoà, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước đi đôi với bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó hiệu quả với các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.
Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Phòng, chống thiên tai, bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng chìa khóa để quản lý tác động của thiên tai là tập trung vào hành động chung - trước khi thiên tai xảy ra - đảm bảo công tác dự báo sớm thời tiết khắc nghiệt; đảm bảo hành động sớm và tính sẵn sàng.
Điều đó cũng có nghĩa, hành động ngay hôm nay để thực hiện tất cả những gì có thể để ngăn chặn tiến triển của biến đổi khí hậu - cùng nhau hành động, cùng nhau kêu gọi, thay đổi cách làm vì một Việt Nam xanh, sạch và an toàn cho mọi trẻ em, mọi người dân.
Điều đó có nghĩa là đảm bảo các dịch vụ phù hợp, các hỗ trợ hợp lý được triển khai để khi thảm họa xảy ra, sẽ có biện pháp ứng phó tức thì - ngăn ngừa tử vong và bùng phát dịch bệnh, cung cấp nơi trú ẩn an toàn, hỗ trợ người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường - trẻ em được trở lại trường học, hỗ trợ các em vượt qua chấn thương và các khó khăn liên quan đến sức khỏe tinh thần.
Bà Rana Flowers cũng chia sẻ những thông điệp quan trọng để cùng kiến tạo một thế giới an toàn hơn, xanh hơn và sạch hơn cho tất cả trẻ em, gồm: An toàn là trên hết; Xanh và sạch; Một ASEAN an toàn, xanh và sạch.