Thoát nỗi lo lũ lụt
Dẫn chúng tôi đi trên con đường rộng rãi chạy giữa khu tái định cư khang trang, chị Cao Thị Liệu, thôn Kim Bảng, xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa hồ hởi cho biết, gia đình chị với hai vợ chồng và 4 con nhỏ chuyển lên khu tái định cư này từ 2018. Khu nhà cũ cách nơi ở mới khoảng 3km, năm nào vào mùa mưa bão cũng lụt lội, đồ đạc tích cóp mua sắm hư hỏng hết. Từ ngày về nơi ở mới, cuộc sống ổn định hơn, khu nhà mới ở vị trí cao ráo nên không còn cảnh nơm nớp mỗi mùa lũ về. Hiện điều quan tâm nhất của bà con là các cơ quan chức năng xem xét, cấp sổ đỏ cho các gia đình trong khu tái định cư.
Cách gia đình chị Cao Thị Liệu một đoạn, nhà gia đình anh Trương Văn Khoa được xây dựng kiên cố, trong nhà sắm sửa đầy đủ vật dụng cần thiết cho gia đình 6 người sinh sống ổn định. Anh Khoa nói, cuộc sống từ khi lên nơi ở mới tốt hơn hẳn. Các tiện ích như điện, đường, trường học được đảm bảo, con cái đi học rất thuận lợi. Nơi ở mới cũng gần ruộng vườn sản xuất, có đủ cả nước sạch và nước giếng khoan. Với 20 triệu đồng hỗ trợ của nhà nước, gia đình anh cũng phải vay mượn thêm tiền để xây dựng nhà mới. Anh Khoa hy vọng nhà nước có thể đầu tư nhiều hơn các khu tái định cư như thế này, bởi ngay như huyện Minh Hóa cũng còn rất nhiều người dân phải sống chung với lũ mỗi mùa bão về.
Điều anh Trương Văn Khoa, một người dân được hưởng lợi từ việc xây dựng Dự án di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Minh Hóa mong muốn đã phản ánh đúng hiện thực khốc liệt của cuộc sống nhiều người dân xã Minh Hóa mỗi mùa mưa bão. Bởi bao nhiêu năm qua, người dân xã Minh Hóa cũng như nhiều xã khác trong huyện vẫn thường xuyên phải đối mặt với các đợt lũ quét, các vụ sạt lở đất và ngập lụt dài ngày, gây ra nhiều thiệt hại về người và của. Thống kê của UBND xã cho biết, chỉ tính trong đợt mưa lũ lịch sử diễn ra vào tháng 10/2020, xã có đến 531 nhà dân bị ngập lụt, chiếm khoảng 2/3 số nhà dân toàn xã, tổng thiệt hại lên đến hơn 10 tỷ đồng.
Trước thực trạng này, tháng 10/2013, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt Dự án di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Minh Hóa, với kinh phí 26,5 tỷ đồng. Mục tiêu đầu tư dự án là di dời khẩn cấp 99 hộ dân của 5 thôn thuộc khu vực Kim Bảng ra khỏi vùng thường xuyên bị ngập lụt. Quy mô đầu tư của Dự án là xây dựng hệ thống hạ tầng khu tái định cư gồm: san nền khu vực, xây dựng đường giao thông nối với trục đường liên xã, đường giao thông nội vùng, hệ thống cống thoát nước, hệ thống cấp điện sinh hoạt, nhà văn hóa… Dự án được phân kỳ thành 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn I có mức đầu tư 7 tỷ đồng.
Hiện giai đoạn I của Dự án đã cơ bản hoàn thiện về hạ tầng thiết yếu như điện, nước, san nền, trục đường chính, đáp ứng các điều kiện cơ bản cho việc tái định cư của người dân địa phương. Trong những năm qua, nhiều hộ gia đình đã chuyển lên sinh sống ổn định. Giai đoạn 2 của dự án đang được gấp rút triển khai tại vị trí tiếp giáp giai đoạn 1, đáp ứng chỗ ở cho các hộ dân thường xuyên bị ngập lụt trong xã Minh Hoá.
Từng bước đầu tư đồng bộ
Minh Hoá là huyện miền núi vùng cao nằm về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Bình, có đường biên giới 89 km với nước bạn Lào. Toàn huyện có 15 xã và 1 thị trấn với diện tích tự nhiên là 1.410 km2. Dân số trên 49 nghìn người, trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số và các dân tộc ít người Bru - Vân Kiều, Chứt với 6.500 người, tập trung ở các xã biên giới, gồm Dân Hoá, Trọng Hoá, Thượng Hoá và Hoá Sơn. Do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn thiếu thốn.
Nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai, bão lũ, nhu cầu di dời, tái định cư của người dân ở Quảng Bình rất cao. Theo thống kê vào cuối năm 2022 từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh hiện có 69 điểm, khu vực có nguy cơ sạt lở, đe dọa đến sự an toàn của 1.438 hộ dân với khoảng hơn 5.900 nhân khẩu. Ngoại trừ TP. Đồng Hới, 7 huyện, thị xã trong tỉnh đều có các khu vực nguy cơ sạt lở, trong đó nhiều điểm nguy cơ sạt lở rất cao. Tại Minh Hóa, số lượng khu vực nguy cơ sạt lở nhiều nhất tỉnh, ở khắp 14 xã, thị trấn, với 461 hộ và 1.994 nhân khẩu nằm trong diện di dời nếu mưa, lũ lớn kéo dài diễn ra tại khu vực họ đang sinh sống.
Trước thực trạng đó, UBND huyện Minh Hóa đã chú trọng xây dựng các phương án ứng phó, đặc biệt là vào thời điểm trước mùa mưa bão hàng năm, nhằm bảo đảm an toàn cho người dân. Qua khảo sát thực địa cho thấy, trên địa bàn huyện hiện còn nhiều điểm nguy cơ sạt lở. Trong số đó, nguy hiểm nhất là điểm sạt lở ở thôn 1, thôn 3 Thanh Long, tiểu khu 4 và tiểu khu 3 ở thị trấn Quy Đạt với 51 hộ, 231 nhân khẩu, hiện đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư xây kè xử lý sạt lở với tổng mức đầu tư 17 tỷ đồng.
Ông Đinh Mạnh Cường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hoá cho biết, hiện nay ở nhiều xã thuộc huyện Minh Hoá đã có khảo sát, dự kiến quy hoạch, thống kê cụ thể nhu cầu di dời, tái định cư của người dân. Ngoài Dự án di dân khẩn cấp vùng ngập lụt xã Minh Hóa đã đón người dân đến ở, huyện Minh Hoá cũng đã hoàn thành giai đoạn 1 và đón người dân đến ở tại khu tái định cư thôn Tăng Hoá, xã Hoá Sơn. Khu tái định cư này có diện tích 10ha, tổng mức đầu tư gần 35 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho 22 hộ.
Bên cạnh đó, UBND xã Hồng Hoá cũng đã rà soát, kiểm tra thực tế trên địa bàn có 80 hộ nằm trong diện bị sạt lở, ngập lụt. Để có quỹ đất ở bố trí khu tái định cư cho các hộ dân nói trên, UBND xã dự kiến quy hoạch chi tiết điểm khu dân cư khu vực Cây Mang, Tổ tự quản Cầu Roòng, với diện tích khoảng 12 ha. Tại xã Tân Hoá, địa điểm dự kiến quy hoạch là tại vùng Múa cua, Si thôn 5 Yên Thọ có diện tích 7,7 ha, phục vụ di dân 140 hộ. Tại xã Thượng Hóa, công trình dự kiến quy hoạch Thôn Phú Nhiêu vùng eo chẹt có diện tích 5,01 ha, phục vụ di dời 57 hộ, 230 nhân khẩu. Cùng với đó, xã Tân Hoá cũng dự kiến quy hoạch mới tại khu dân cư bản Phú Minh, thôn Quyền, thôn Phú Nhiêu nhằm tái định cư cho 157 hộ.
Minh Hoá cũng như nhiều địa phương khác ở Quảng Bình, nhu cầu đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai là rất lớn, trong khi nguồn kinh phí để thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. Thực tế đó yêu cầu phải có sự cân nhắc, xem xét, ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các dự án cấp bách hơn. Tuy nhiên, việc rà soát, thống kê nhu cầu chi tiết ở huyện Minh Hoá cho thấy chính quyền địa phương đã rất quan tâm đến công tác bố trí tái định cư cho người dân ảnh hưởng bởi thiên tai, giúp người dân “an cư lạc nghiệp”, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.
Các số liệu thống kê cho thấy, đến hết năm 2022, huyện Minh Hóa còn 2.546 hộ nghèo trong tổng số 14.153 hộ, chiếm tỷ lệ 17,99%, giảm 910 hộ nghèo và giảm 6,5% so với năm 2021.