Biến đổi khí hậu

Măng tre Bát Độ mang lại lợi ích kép cho người dân Yên Bái

Thanh Ngà 25/02/2024 - 10:02

(TN&MT) - Hiện nay, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã hình thành được trên 4.000ha măng tre Bát Độ. Cây trồng này không chỉ mang lại thu nhập, sinh kế bền vững cho người dân mà còn mang lại giá trị lớn về môi trường, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và tăng độ che phủ rừng.

Thấy được giá trị từ cây trồng này mang lại, ngay từ đầu năm các địa phương trên địa bàn huyện Trấn Yên đã tích cực ra quân trồng cây, trồng măng tre Bát Độ hưởng ứng "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ".

429528873_410681894831568_4209370724702034950_n.jpg
Ông Trần Ngọc Thư - Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên tham gia trồng tre Bát Độ tại xã Việt Hồng.

Cây tre Bát Độ cho thu nhập cao ổn định góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc và nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây trồng này mang lại, nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi dần các diện tích cây trồng hiệu quả thấp như: Keo, bồ đề và vườn tạp sang trồng tre Bát Độ.

Ông Nguyễn Văn Tài – Thôn Bản Bến, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên cho biết: Đầu năm nay, gia đình ông đã tham gia trồng 1ha măng tre Bát Độ trên diện tích đất trồng cây keo kém hiệu quả, thu nhập thấp. Ngay khi gia đình ông đăng ký chuyển đổi sang trồng cây tre Bát Độ đã được chính quyền địa phương hỗ trợ về cây giống và ngày công trồng cây. Đến giờ, gia đình ông đã trồng xong diện tích đất đã chuyển đổi với hy vọng cây sẽ sinh trưởng, phát triển tốt và sớm cho thu hoạch.

429478503_410681884831569_8533482753832876936_n.jpg
Ngay từ đầu năm các địa phương của huyện Trấn Yên tích cực ra quân trồng tre Bát Độ để mở rộng diện tích phát triển kinh tế.

Cây măng tre Bát Độ sau hơn 20 năm bén rễ và phát triển, đến nay, huyện Trấn Yên đã đưa cây trồng này trở thành vùng hàng hoá lớn nhất của tỉnh Yên Bái. Trước đây, huyện mới chỉ quy hoạch được 4 xã, dần dần mở rộng thêm 6 xã, đến nay có 10 xã được quy hoạch thành vùng trồng tre tập trung.

Hiện toàn huyện có trên 4.000ha tre măng bát độ đã được thu hoạch, trong năm 2024, huyện sẽ trồng mới từ 300ha trở lên, phấn đấu đến năm 2025 có trên 5.000ha cây măng tre Bát Độ.

Hàng năm cây trồng này cho sản lượng măng thương phẩm đạt trên 30.000 tấn, với giá thu mua trung bình từ 5.000 đồng – 6.000 đồng/kg, mỗi héc ta măng Bát Độ người dân có thu nhập hơn 50 triệu đồng, đối với diện tích thâm canh cao có thể đạt từ 70 – 80 triệu đồng/ha. Cây măng tre Bát Độ đã mang lại cuộc sống ấm no cho hàng nghìn người dân ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

428660083_410242161542208_4189735026265380819_n.jpg
Người dân tích cực tham gia trồng măng tre Bát Độ.

Ông Nguyễn Đức Mầu – Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Khi đưa cây trồng này quy hoạch tại 10 xã trên địa bàn huyện rất phù hợp với điều kiện canh tác của bà con nhân dân tại các vùng này. Huyện đã xác định đây là cây trồng xoá đói, giảm nghèo cho bà con nhân dân tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Người dân cũng tận dụng được các khu vực đất đồi rừng ở vùng thấp để trồng cây. Ngoài hiệu quả phát triển kinh tế, cây tre Bát Độ có tác dụng rất lớn về bảo vệ môi trường, chúng tôi theo dõi trong vòng 10 năm vừa qua, tại những vùng trồng tre măng Bát Độ tập trung đều không có hiện tượng xảy ra sạt lở hoặc lũ quét ở những vùng này, đây là điều rất quý. Bên cạnh đó, cây trồng nay đã góp phần trong việc che phủ đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn huyện Trấn Yên, góp phần đưa tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 70%”, ông Nguyễn Đức Mầu nói.

Trước đây, những triền vốn trồng sắn, trồng keo, bồ đề và các loại cây nguyên liệu cho giá trị kinh tế thấp nay đã được phủ xanh bằng cây tre măng Bát Độ. Đến năm 2020, vùng tre Bát Độ của huyện Trấn Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện một số xã trong huyện đã xây dựng măng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Từ nguồn thu từ măng tre Bát Độ là nguồn sinh kế giúp hàng nghìn hộ dân trong huyện xoá đói, giảm nghèo thì nay cây trồng này đang từng bước trở thành cây làm giàu cho người dân nhờ được liên kết bao tiêu sản phẩm.

san-luong-mang-bat-do-thuong-pham-cua-huyen-tran-yen-dat-khoang-hon-30_000-tan-moi-nam.jpg
Cây măng tre Bát Độ không chỉ mang lại thu nhập, sinh kế bền vững cho người dân mà còn mang lại giá trị lớn về môi trường.

Ông Nguyễn Đức Mầu cho biết thêm, đối với cây măng tre Bát Độ từ trước đến nay sản lượng măng của bà con trồng, thu hoạch đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó. Các đơn vị thu mua chính như: Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty cổ phần Yên Thành liên doanh với Công ty TNHH YAMAZAKI Việt Nam thu mua măng cho bà con. Vụ măng năm 2023, sản phẩm măng tiếp tục được tiêu thụ ổn định và giá cả tăng, tạo tâm lý phấn khởi cho người dân. Ngay từ đầu vụ các đơn vị thu mua điều chỉnh tăng giá so với năm 2022 trung bình 2000 đồng/kg. Giá thu mua từ 5.500 - 6.500 đồng/kg măng tươi.

cay-hanh-phuc-cua-nguoi-dan-tran-yen-yen-bai-1600_20221020_348-164840(1).jpeg
Nhà máy sơ chế măng được đặt ngay trên địa bàn huyện giúp người dân bao tiêu sản phẩm.

Vụ măng năm 2023, dự ước sản lượng đạt 33.000/31.000 tấn măng thương phẩm đạt 101,6% kế hoạch. Hiện nay các công ty đã thực hiện liên kết thu mua thông qua các hợp tác xã để thu mua các sản phẩm cho người dân. Ngoài ra, nhiều tư thương tại các tỉnh lân cận đã đến thu mua măng củ, măng luộc, măng tươi và sơ chế măng khô. Các sản phẩm măng sau khi được sơ chế đã được xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Đài Loan, Nhật Bản...

Với hiệu quả kinh tế mang lại cũng giá trị lớn về môi trường, hiện nay huyện Trấn Yên tiếp tục duy trì và mở rộng vùng trồng măng tre Bát Độ tập trung nhằm phát huy hết hiệu quả về loại cây trồng hữu ích và thân thiện này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Măng tre Bát Độ mang lại lợi ích kép cho người dân Yên Bái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO