Hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận thuộc vùng cực Nam Trung Bộ có điều kiện khí hậu khô hạn nhất của cả nước. Lượng mưa trung bình hàng năm ở đây rất thấp, chỉ từ 1.000 mm đến 1.400 mm, không đủ cân bằng với tổng lượng bốc hơi.
Do vậy, ngay cả trong những năm bình thường, cả 2 tỉnh này vẫn luôn trong tình trạng thiếu nước. Đặc biệt, với những năm lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm trên 20%, thì tình trạng khô hạn trở nên cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cả sản xuất và sinh hoạt của người dân, thậm chí kéo giảm sự phát triển chung của từng tỉnh.
Với đặc trưng tuy nằm ven biển nhưng lại bị bao bọc bởi nhiều dãy núi, Ninh Thuận và Bình Thuận không những có lượng mưa rất thấp so với trung bình cả nước, lại còn có sự biến động mạnh mẽ cả theo không gian và thời gian. Về không gian, nếu như dải ven biển chỉ có lượng mưa từ 600-800 (Ninh Thuận-Bắc Bình Thuận) đến 900-1.100 mm (Nam Bình Thuận), thì vùng núi của cả 2 tỉnh đều có lượng mưa khá lớn, từ 1.800- 2.100 mm, chênh lệch nhau từ 2-3 lần. Về thời gian, trong khi mùa mưa xảy ra trong khoảng 3-5 tháng, nhưng chiếm đến 90% lượng mưa cả năm, thì suốt mùa khô 7-9 tháng, chỉ có 10%, tạo nên sự khô hạn và cạn kiệt kéo dài.
Công trình ngăn mặn - Đập hạ lưu Sông Dinh tỉnh Ninh Thuận |
Bên cạnh đó, hệ thống sông suối của hai tỉnh đa số chảy trực tiếp ra Biển Đông, phần lớn là ngắn và rất dốc. Mùa lũ nước sông lên và xuống nhanh, nước ngọt có khi ra đến tận cửa sông. Mùa khô dòng chảy kiệt xuống rất thấp, thậm chí nhiều sông suối khô cạn suốt nhiều tháng liền, một số cửa sông lớn bị xâm nhập mặn vào sâu.
Trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động của biến đổi khí hậu, lượng mưa vùng cực Nam Trung bộ có xu thế biến động mạnh mẽ hơn, số năm ít mưa, với tổng lượng mưa năm thấp hơn trung bình trên 20%, thậm chí trên 30% xảy ra nhiều hơn, đặc biệt là các năm 1992-1993, 1997-1998, 2004-2005, 2014-2016. Năm 2019, do cả Ninh Thuận và Bình Thuận vừa có lượng mưa năm thấp hơn TBNN và lại kết thúc sớm.
Đặc biệt, tháng 12/2019 cũng có lượng mưa thấp hơn TBNN. Thêm vào đó, kể từ đầu năm 2020 đến nay, toàn vùng cực Nam Trung Bộ phổ biến không có mưa. Cả 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận đều đã và đang trải qua thời kỳ hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn cao điểm.
Về tình hình thiệt hại, theo Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, một số xã trên địa bàn tỉnh như Phước Nam, Phước Ninh (thuộc huyện Thuận Nam) và một vài khu vực khác đã có các hộ đối mặt với nguy cơ thiếu đói. Đối với sản xuất nông nghiệp, do thiếu nước tưới nên diện tích phải dừng sản xuất vụ Đông-Xuân 2019-2020 là 7.874 ha. Đến thời điểm hiện tại, diện tích lúa bị thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh là 378,7 ha.
Nhiều loại cây trồng lâu năm đều có nguy cơ chết, giảm năng suất và sản lượng do thiếu nước tưới. Đàn gia súc cũng có nguy cơ thiếu thức ăn, nước uống, phát sinh dịch bệnh… Bên cạnh đó, thiên tai hạn hán còn tác động tới tình hình cháy rừng trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 19/3/2020, toàn tỉnh đã có 72 điểm cháy rừng, với tổng diện tích rừng bị cháy là 45,7 ha.
Thiệt hại do hạn hán, thiếu nước tại Bình Thuận, do không đảm bảo nguồn nước tưới nên từ đầu vụ Đông - Xuân 2019-2020, toàn tỉnh cũng chỉ gieo trồng được hơn 32.000 ha cây trồng các loại, cắt giảm hơn 20.000 ha so với kế hoạch. Trong đó, diện tích lúa và hoa màu chỉ đạt 12.500 ha, giảm đến 62% so với kế hoạch. Đặc biệt, tại các huyện canh tác nông nghiệp trọng điểm của tỉnh như Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc, tình hình khô hạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là cung cấp nước sinh hoạt và tưới rau màu.
Cũng tại 2 huyện này, phần lớn diện tích trong khoảng 500 ha lúa vụ Đông - Xuân được người dân gieo trồng ngoài kế hoạch đã bị chết do không đủ nước tưới. Toàn tỉnh Bình Thuận hiện có tổng diện tích rừng trên 370.000 ha; trong số này, hiện có trên 150.000 ha đang ở nguy cơ cháy cao, cảnh báo cấp 5.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng trong khoảng 2 đến 3 tháng tới. Khu vực Nam Trung Bộ trong tháng 4 đến 5/2020 tiếp tục ít mưa và thiếu hụt so với TBNN cùng thời kỳ. Trong tháng 7 và tháng 8/2020 tổng lượng mưa ở mức cao hơn TBNN từ 15 đến 25%, riêng tháng 6 và tháng 9 ở mức xấp xỉ TBNN cùng thời kỳ.
Từ nửa cuối tháng 3 đến tháng 5/2020, mực nước trên các sông ở Trung Bộ xuống dần và ở mức thấp, trên một số sông suối có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất chuỗi số liệu quan trắc. Lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ phổ biến ở mức thiếu hụt so với TBNN cùng kỳ từ 15 đến 70%, một số sông thiếu hụt trên 85%. Trong thời gian này, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước tại các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận.
Trước tình hình hiện tại, các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân hai tỉnh Ninh Thuận – Bình Thuận đang cấp bách thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn nước, ứng phó với thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn nhằm đảm bảo mục tiêu: Không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, phát sinh dịch bệnh; quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi.
Về lâu dài, chúng ta cần có những giải pháp căn cơ hơn để khắc phục bền vững những thiệt hại do hạn hán gây ra, đặc biệt là trong bối cảnh Biến đổi khí hậu. Theo quan điểm của chuyên gia cao cấp thủy lợi Nguyễn Ngọc Anh, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam: “Cũng như Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận căn cứ vào đặc điểm khí tượng-thủy văn, địa hình và nhu cầu nước cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, quan điểm chính phát triển thủy lợi để phòng chống thiên tai và hạn hán trên địa bàn tỉnh sẽ là: Phát triển thủy lợi tưới tiêu, cấp nước phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp-nông thôn và phát triển các ngành kinh tế xã hội;
Tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi mới (bao gồm hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, hệ thống kênh tưới...) ở tất cả các quy mô lớn, vừa và nhỏ ở các lưu vực sông. Trước hết, tập trung phục vụ các vùng sản xuất lương thực, phòng chống hạn hán và giải quyết cơ bản nguồn nước cho các khu dân cư và công nghiệp trọng điểm; Tiếp tục nâng cấp các công trình hồ chứa nước, chuyển một số hồ có điều kiện địa hình và nguồn nước từ điều tiết năm sang điều tiết nhiều năm. Kiên cố hóa hệ thống kênh mương theo hướng giảm tổn thất, hiện đại hóa các hệ thống thủy lợi để phát huy và tăng tối đa năng lực thiết kế; Tăng cường quản lý nguồn nước và quản lý công trình thủy lợi”.