Đưa nội dung cam kết đến các bản, tiểu khu
Thực hiện cam kết đã ký, UBND thị trấn Hát Lót đã ban hành các Kế hoạch, công văn, triển khai ký cam kết với 4 nội dung về tăng cường vai trò, trách nhiệm của trưởng bản, tiểu khu trưởng với Chủ tịch UBND thị trấn trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, quy hoạch, trật tự xây dựng, hành lang giao thông.
Chấn chỉnh các hoạt động của Đội quản lý trật tự đô thị, xây dựng thị trấn, Ban quản lý các bản, tiểu khu trong thực hiện các nhiệm vụ nói chung. Phân công đồng chí Phó Chủ tịch UBND thị trấn (phụ trách kinh tế) trực tiếp phụ trách công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Bí thư, Tiểu khu trưởng, Trưởng ban Công tác Mặt trận và các đoàn thể ở tiểu khu trong việc vận động người dân chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường cũng như nắm bắt thông tin kịp thời để báo cáo các vi phạm với thị trấn.
Ông Vũ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hát Lót cho biết: Từ đầu năm đến nay, thị trấn đã tiến hành rà soát hiện trạng sử dụng đất của các hộ trên địa bàn các tiểu khu, bản, đưa công tác quản lý, theo dõi biến động đất đai vào nề nếp. Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt được tăng cường, 22 tiểu khu, bản đã thực hiện phân loại rác, gần 80% số hộ dân đã thực hiện phân loại rác tại nguồn. Thường xuyên kiểm tra, rà soát các hộ chăn nuôi, sơ chế nông sản để kịp thời nhắc nhở, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền đến các bản, tiểu khu, hộ gia đình, cá nhân chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước.
Tại xã Nà Ớt, UBND xã đã thường xuyên chỉ đạo công chức địa chính phối hợp với các bản tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đã triển khai 22 buổi tuyên truyền, hướng dẫn lồng ghép trong các buổi họp bản, giao ban tại UBND xã về phân loại, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn. Đồng thời, thực hiện kiểm tra, nắm bắt, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Qua đó, đã phối hợp với Phòng TN&MT huyện xử phạt 1 cơ sở chế biến sắn không đảm bảo về môi trường.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm
Ông Phạm Duy Hùng - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Từ đầu năm đến nay, Phòng TN&MT đã tham mưu UBND huyện ban hành 10 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn huyện. Đôn đốc, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung cam kết đã ký với Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Đến nay, huyện Mai Sơn đã hoàn thành lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện. Thu hồi 1,63 ha đất thuộc các dự án nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng. Đấu giá thành công 10 lô đất, thu nộp ngân sách gần 8 tỷ đồng.
Tiếp tục triển khai Luật bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và UBND các xã, thị trấn. Chú trọng thực hiện thu gom, quản lý, xử lý chất thải rắn nông thôn, UBND các xã đã thành lập Tổ thu gom rác “Chung tay thu gom và xử lý rác thải ngay tại hộ gia đình với mục tiêu 3 sạch”. Kết quả, tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý hợp vệ sinh đạt 93%; chất thải rắn nông thôn được thu gom, xử lý đạt 76,9%.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên môi trường, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường. Đoàn liên ngành của UBND huyện đã tổ chức trên 30 lượt kiểm tra, giám sát các khu vực tiềm ẩn nguy cơ vi phạm tại các xã: Cò Nòi, Mường Bon, Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Chung, Chiềng Lương, Chiềng Ve, Tà Hộc, Chiềng Chăn... Qua đó, đã phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 79 trường hợp, tổng tiền phạt trên 900 triệu đồng.
Thời gian tới, huyện Mai Sơn sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý đất đai, quy hoạch, bảo vệ môi trường, nhất là trong hoạt động chăn nuôi, sơ chế nông sản. Tăng cường kiểm tra để ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm với các tổ chức, cá nhân, tập trung tại các điểm nóng về khoáng sản, môi trường. Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý, giám sát về tài nguyên, môi trường ngay từ cơ sở. Vận động người dân, cộng đồng dân cư mạnh dạn đấu tranh với những hành vi gây ô nhiễm, khai thác tài nguyên trái phép…