Khoáng sản

Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ gỡ nhiều nút thắt cho Quảng Nam

Lan Anh (thực hiện) 09/07/2024 - 08:57

(TN&MT) - Đánh giá Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã đổi mới để phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn còn một số quy định bất cập, tỉnh Quảng Nam đóng góp ý kiến, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu, đảm bảo Luật được ban hành tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản trong tình hình mới. Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Ảnh - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam về những kiến nghị điều chỉnh, xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

3abui-ngoc-anh.jpg
Bùi Ngọc Ảnh - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam

PV: Ông đánh giá như thế nào về những điểm mới trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được Bộ TN&MT chủ trì, soạn thảo?

Ông Bùi Ngọc Ảnh: Dự thảo Luật đã kế thừa những chính sách, quy định của Luật Khoáng sản hiện hành đang được áp dụng gồm các nội dung: Chính sách của Nhà nước về địa chất và khoáng sản; điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thăm dò, khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản; công cụ kinh tế, tài chính trong hoạt động khoáng sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật đã sửa đổi một số chính sách, quy định để tháo gỡ bất cập, vướng mắc liên quan đến quyền của tổ chức, cá nhân được tuyển chọn tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; thủ tục hành chính (TTHC), quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản.

Có thể nói, Dự thảo Luật đã tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động trong hoạt động khoáng sản; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản.

Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương để địa phương chủ động trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với thực tế gắn với trách nhiệm thẩm quyền được giao; thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực, giám sát thực hiện; xử lý tồn tại, tiêu cực trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản.

3b.jpg
Quảng Nam mong chờ Luật Địa chất và Khoáng sản ra đời để gỡ những "nút thắt" trong Luật Khoáng sản hiện hành

PV: Điểm mới nào trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản chưa thực sự phù hợp với tình hình thực tiễn của Quảng Nam, thưa ông?

Ông Bùi Ngọc Ảnh: Bên cạnh những điểm tích cực như tôi đã nói ở trên, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản vẫn còn một số bất cập chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt liên quan đến nội dung về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Chẳng hạn như quy định về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại khoản 2 Điều 103 Dự thảo ghi "Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được thu theo năm và quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế."

Thực tế tại địa phương, vquy định này sẽ phát sinh thêm thủ tục xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thực tế theo kỳ quyết toán thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường, dẫn đến cùng một thời điểm, phải xác định tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với tất cả các giấy phép khai thác khiến tăng đột biến khối lượng công việc của cơ quan chuyên môn.

Ngoài ra, việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nên thu trước và tính theo công suất khai thác của năm đó để đảm bảo các đơn vị thực hiện tránh gian lận khối lượng khi kê khai. Nếu thu sau thì nên quy định cụ thể mức thu trong giấy phép và cơ quan thuế sẽ xác định đồng thời khi quyết toán thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường để tránh phát sinh thêm TTHC.

Hay như thời hạn phải nộp hồ sơ theo điểm b khoản 2 Điều 108 Dự thảo với 36 tháng là quá dài đối với trường hợp là vật liệu xây dựng thông thường. Vì đối với trường hợp như cát lòng sông hiện trạng thường thay đổi trong thời gian ngắn từ 1 đến 2 mùa mưa, nếu thời gian nộp hồ sơ cấp phép khai thác quá dài sẽ không còn phù hợp với hiện trạng khi được phê duyệt trữ lượng. Ngoài ra, trường hợp các đơn vị cố tình tham gia xét chọn để được cấp phép tại khu vực không đấu giá hoặc tham gia đấu giá cao nhưng trì hoãn lập hồ sơ, thủ tục cấp phép thăm dò, khai thác sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề khác như định hướng nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường của các địa phương. Do vậy, tỉnh kiến nghị sửa đổi thời gian cho phù hợp là không quá 12 tháng.

PV: Với những điểm chưa phù hợp, ông có kiến nghị gì để Luật được hoàn thiện và thực thi hiệu quả trong thực tiễn?

Ông Bùi Ngọc Ảnh: Về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia khai thác khoáng sản, tại Khoản 2 Điều 62 Dự thảo Luật đã quy định khá chi tiết, cụ thể về nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo việc hỗ trợ cho địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khai thác khoáng sản có ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội như ô nhiễm môi trường, hạ tầng hư hỏng, trong đó có không ít trường hợp bị ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là người dân sinh sống tại các vùng mỏ.

Vì vậy, tôi đề xuất bên cạnh các chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng giao thông, sinh kế của người dân, cơ quan xây dựng dự án Luật cần nghiên cứu, bổ sung, quy định các chính sách hỗ trợ về mặt sức khỏe cho người dân ở khu vực khoáng sản được khai thác.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị điều chỉnh thời gian thẩm định, công nhận kết quả thăm dò khoáng sản về cơ quan tiếp nhận từ "trước khi giấy phép thăm dò khoáng sản hết hạn" kiến nghị sửa thành "trong vòng 6 tháng kể từ ngày giấy phép thăm dò khoáng sản chấm dứt hiệu lực hoặc hết thời gian thực hiện đề án thăm dò khoáng sản"; điều chỉnh quy định đối với thiết kế mỏ tại Điều 64 Dự thảo. Thiết kế mỏ phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thẩm định, phê duyệt theo quy định riêng....

Đây chỉ là một số trong nhiều kiến nghị điều chỉnh mà Sở TN&MT đã có văn bản gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về việc góp ý vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản xuất phát từ thực tiễn vướng mắc khi áp dụng Luật Khoáng sản 2010 tại địa phương. Địa phương đang rất mong chờ Luật Địa chất và Khoáng sản ra đời để gỡ những "nút thắt" trong Luật Khoáng sản hiện hành, từ đó tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về địa chất và khoáng sản, đáp ứng yêu cầu quản lý tập trung, thống nhất quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản trong giai đoạn mới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Địa chất và Khoáng sản sẽ gỡ nhiều nút thắt cho Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO