Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Thúc đẩy lĩnh vực địa chất, khoáng sản phát triển
(TN&MT) - Tỉnh Hậu Giang đã và đang tích cực nghiên cứu, tổ chức các hội nghị nhằm tổng hợp ý kiến đóng góp từ các sở, ban, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông La Trọng Kỳ - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang.
PV: Ông có thể chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai các quy định của pháp luật có liên quan đến lĩnh vực địa chất, khoáng sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Ông La Trọng Kỳ: Sau hơn 13 năm thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang từng bước đi vào nề nếp, hiệu lực, hiệu quả, góp phần tạo nguồn lực thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh ngày càng phát triển nhanh, bền vững. Tuy vậy, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của Luật Khoáng sản 2010 cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản; một số quy định của Luật Khoáng sản 2010 có sự chồng chéo với Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư ít nhiều đã ảnh hưởng đến kết quả công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Luật Khoáng sản năm 2010 chưa quy định đầy đủ nội dung về điều tra cơ bản địa chất đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc triển khai thăm dò phát hiện khoáng sản; đánh giá cấu trúc địa chất, điều kiện địa chất; cảnh báo thiên tai địa chất công trình. Trong thời gian, qua Bộ TN&MT triển khai lấy ý kiến của các địa phương đối các Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Luật Địa chất và Khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền thông qua và có hiệu lực thi hành sẽ góp phần khắc phục được những tồn tại, vướng mắc, chồng chéo, đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý nhà nước lĩnh vực địa chất và khoáng sản trong tình hình mới.
PV: Ông đánh giá về vai trò của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản như thế nào, trong đó, những quy định mới nào của Dự thảo này sẽ tác động toàn diện đến địa phương?
Ông La Trọng Kỳ: Như tôi đã đề cập phần trên, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết những tồn tại, bất cập về cơ chế, chính sách trong quá trình triển khai thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 trong thời gian qua và đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn. Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản với hệ thống cơ chế, chính sách quy định khá đầy đủ sẽ góp phần thúc đẩy lĩnh vực địa chất, khoáng sản ngày càng phát triển bền vững.
Không chỉ thế, các quy định của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản còn phù hợp với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên, gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biển đối khí hậu; điều chỉnh, bổ sung kịp thời một số quy định cho phù hợp và đồng bộ, thống nhất với một số luật có liên quan như Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Đầu tư.
Cùng với đó, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản còn có nhiều quy định mới như: Phân nhóm khoáng sản trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý; các trường hợp đặc thù cho phép khai thác khoáng sản; công nhận kết quả thăm dò khoáng sản thay vì phê duyệt trữ lượng; điều tra địa chất công trình; bổ sung quy định điều tra địa chất thông qua việc làm rõ thông tin dữ liệu địa chất như di sản, các cấu trúc địa chất thuận lợi để lưu trữ nước, tai biến địa chất và cảnh báo thiên tai địa chất công trình sẽ phục vụ đa ngành, đa lĩnh vực.
Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy, quy định về điều tra địa chất công trình có vai trò quan trọng trong việc cung cấp các thông tin tin cậy về điều kiện địa chất giúp các địa phương định hướng phát triển kinh tế - xã hội và đánh giá tác động để phòng chống rủi ro; đồng thời, việc bổ sung nội dung quản lý nhà nước về địa chất sẽ góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
PV: Nhằm giúp Bộ TN&MT kịp thời sửa đổi, bổ sung đầy đủ các quy định của Dự thảo Luật Địa chất Khoáng sản, tỉnh Hậu Giang đã tham gia đóng góp ý kiến cho Dự thảo này như thế nào, thưa ông?
Ông La Trọng Kỳ: Trong thời gian qua, thực hiện theo yêu cầu của Bộ TN&MT về việc đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, tỉnh Hậu Giang đã rất tích cực tổ chức các cuộc hội nghị lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, người dân. Cụ thể, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện tập trung nghiên cứu và tham gia đóng góp ý kiến và tổng hợp bằng văn bản gửi về Bộ TN&MT; đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cũng đã tổ chức một số cuộc hội nghị lấy ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Qua đó, đã ghi nhận được hàng trăm ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người dân đối với Dự thảo Luật này.
Các ý kiến đóng góp của tỉnh Hậu Giang chủ yếu tập trung vào các quy định của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản liên quan đến các nội dung về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất và khoáng sản; nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản; cấp phép đối với khoáng sản đi kèm được phát hiện trong quá trình thăm dò, khai thác.
Tỉnh Hậu Giang kỳ vọng khi Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản được cơ quan có thẩm quyền thông qua và có hiệu lực thi hành sẽ góp phần giúp địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, phục vụ các công trình, dự án trọng điểm của khu vực, của tỉnh; kiểm soát chặt chẽ sản lượng khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!