Triển khai Luật Đất đai 2024

Luật Đất đai 2024: Chắp cánh cho những cánh đồng mẫu lớn

Trường Giang 27/02/2024 - 14:27

Chủ trương và đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước trong quản lý và sử dụng đất đai đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn và sinh kế của người nông dân phát triển, gặt hái được những thành tựu to lớn. Theo đó trong từng thời kỳ, chính sách, pháp luật về đất đai trong nông nghiệp càng được hoàn thiện để phát triển trước tình hình mới.

Đất nông nghiệp còn manh mún

Tính từ thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã ban hành 5 bộ Luật Đất đai vào các năm 1987, 1993, 2003, 2013 và 2024. Xen kẽ giữa các lần ban hành luật mới là nhiều lần sửa đổi. Mỗi bộ luật đều có những điểm mới nhằm dần hoàn thiện chính sách đất đai, trong đó có chính sách về đất nông nghiệp cho phù hợp với thực tế phát triển của đất nước.

Có thể nói, nếu Luật Đất đai 1987 đột phá với chủ trương giao đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân để sử dụng lâu dài thì Luật Đất đai 1993 khẳng định 5 quyền của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp, gồm: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế và thế chấp. Tiếp đến, Luật Đất đai 2003 ngoài 5 quyền của Luật Đất đai 1993, đã bổ sung thêm 4 quyền: cho thuê lại, góp vốn, cho tặng, bảo lãnh. Luật Đất đai 2013 hoàn thiện hơn với việc kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp là 50 năm, mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 10 lần hạn mức giao đất; bước đầu khuyến khích tích tụ đất đai thông qua cơ chế góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện các tổ chức kinh tế trong nước (hợp tác xã, doanh nghiệp) sử dụng khoảng 669.113ha, chiếm 5,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp; các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng 5.992ha, chiếm 0,05% diện tích.

Riêng các hộ gia đình, với khoảng 18,8 triệu lao động nông nghiệp, chiếm 34,5% tổng số lao động, sử dụng 90% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Song, chủ yếu là sản xuất thuần nông, quy mô nhỏ, phân tán, gây cản trở phát triển nông sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Theo kết quả tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 cho thấy, bình quân diện tích thực hiện tích tụ, tập trung đất đai đối với hộ gia đình, cá nhân hiện nay dao động từ 1,5ha đến 10ha, đối với các tổ chức thực hiện theo dự án đầu tư thì pháp luật về đất đai không giới hạn diện tích thực hiện dự án. Đơn cử như: Tỉnh Hà Nam đã quy hoạch 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích 666,87 ha; trong đó diện tích đã tích tụ, tập trung đất đai và cho các doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất là 206,44/226,41 ha.

Còn tỉnh Thái Bình tích tụ, tập trung được diện tích 7.997,52 ha đất nông nghiệp, trong đó tích tụ sản xuất lúa 3.753,18 ha, sản xuất rau màu và cây dược liệu 595,76 ha; 451,3 ha đất tích tụ cho phát triển chăn nuôi, 3.197,28 ha diện tích đất nuôi trồng thủy sản…

1.jpg
Luật Đất đai sửa đổi đã có những quy định nhằm khuyến khích, tích tụ ruộng đất

Tuy nhiên, quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng; đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp.

Bên cạnh đó tình trạng người dân bỏ ruộng cũng đang là bài toán đặt ra, theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có hàng trăm nghìn héc ta đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Đơn cử, tại Hà Nội, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang mỗi năm cũng khoảng 2.000 - 4.000ha, chưa kể không ít diện tích đất quy mô nhỏ, nông dân sản xuất cầm chừng, hiệu quả thấp.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang trên địa bàn 10 huyện với diện tích 1.756,04ha, trong đó diện tích đất trồng lúa là 1.221,85ha. Phần lớn đất nông nghiệp bị bỏ hoang chưa xây dựng và thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để sử dụng hiệu quả quỹ đất.

Hoàn thiện cơ chế để khuyến khích, phát triển

Trước tình hình này, Nghị quyết số 18 – NQ/TƯ đã đặt ra một trong những nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp là phải mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch…

Thể chế hóa quan điểm này, Luật Đất đai 2024 đã hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương.

Đồng thời, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa trong hạn mức được giao đất nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang hoặc sử dụng đất nông nghiệp manh mún không hiệu quả; bổ sung quy định người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; được sử dụng một diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được kết hợp với thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu… nhưng không được làm thay đổi loại đất đã được xác định theo quy định của Luật Đất đai.

Đối với tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp phải sử dụng đúng mục đích, trường hợp chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Đặc biệt, tại quy định về tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, Luật đã bổ sung quy định nhằm khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể quy định rõ các hình thức tập trung đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua các phương thức sau đây: Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa; Thuê quyền sử dụng đất; Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất.

Hy vọng với những đổi mới của chính sách đất đai theo Luật Đất đai sửa đổi năm 2024 sẽ góp phần khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, khắc phục tình trạng manh mún, tạo điều kiện thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Đất đai 2024: Chắp cánh cho những cánh đồng mẫu lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO