Vượt qua thách thức
“Muốn phát triển kinh tế tuần hoàn, phải nhận thức đúng về bản chất của kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn dựa trên cơ sở coi chất thải là tài nguyên, giảm thiểu tối đa chất thải sau sản xuất và tiêu dùng, kéo dài tuổi thọ vật chất thông qua thiết kế để tái sử dụng, tái chế chất thải hướng đến phát thải ra môi trường bằng không” - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT chia sẻ với PV Báo Tài nguyên và Môi trường.
Khẳng định việc chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn là điều cần thiết, ông Chinh giải thích: Kinh tế tuần hoàn sẽ giúp Việt Nam vừa đạt mục tiêu hiệu quả kinh tế, vừa đạt mục tiêu hiệu quả tài nguyên do hạn chế tối đa sử dụng tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu, tiến tới không phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Phát triển kinh tế tuần hoàn là “cánh cửa thần kỳ” giúp Việt Nam phát triển bền vững. |
Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng, Việt Nam sẽ phải vượt qua những thách thức đang hiện hữu. Đó là nhận thức đúng về bản chất của kinh tế tuần hoàn được thực hiện từ thiết kế đến triển khai, trong các ngành, lĩnh vực, đối với từng doanh nghiệp, người dân và các cấp quản lý, lãnh đạo để tạo ra một đồng thuận chung. Kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế mô hình trong bối cảnh chúng ta là nước đang phát triển, phần lớn công nghệ lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Chúng ta chưa có hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế tuần hoàn. Thách thức này cần phải được khắc phục, nếu không việc thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cũng chỉ là tự phát và chịu sự điều chỉnh của động lực thị trường.
Việt Nam cũng chưa có bộ tiêu chí để nhận diện, đánh giá, tổng kết và đưa ra phân loại chính xác mức độ phát triển của kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự phân loại, làm sạch chất thải trước khi đưa vào tái sử dụng, tái chế, đây là thách thức không nhỏ đối với thực tiễn vận hành của kinh tế Việt Nam và ý thức phân loại chất thải tại nguồn của người dân.
Kiến tạo tương lai xanh
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nhận định, dù Việt Nam chưa có những mô hình kinh tế tuần hoàn đầy đủ đúng nghĩa, tuy vậy, những biểu hiện sự hình thành và quá trình phát triển từ trước đến nay, những mô hình gần với kinh tế tuần hoàn đã có từ khá sớm trên thế giới, tạo ra những cơ hội cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Việt Nam có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm của các nước đi trước đã thành công với mô hình kinh tế tuần hoàn như: Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan, Ca-na-đa, Nhật Bản, Trung Quốc, Xin-ga-po....Việt Nam cũng đang trong quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, việc chuyển đổi mô hình từ “kinh tế tuyến tính” sang “kinh tế tuần hoàn” góp phần phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững.
Mặt khác, chính việc khuyến khích và tạo cơ chế cho kinh tế tư nhân phát triển trong bối cảnh thị trường cạnh tranh sẽ có nhiều cơ hội cho đầu tư của khu vực tư nhân vào thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới. Chung ta cũng đã và đang hướng đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với công nghệ cao, chuyển từ thế giới thực sang thế giới số sẽ là cơ hội lớn nhằm nâng cao hiệu quả tăng trưởng so với cách thức tăng trưởng trước đây.
“Áp lực của thiếu hụt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, lượng chất thải lớn, nhất là chất thải nhựa sẽ giảm xuống khi phát triển kinh tế tuần hoàn. Việt Nam đang thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp giảm thiểu các chất gây hiệu ứng nhà kính, vì chúng được thu hồi gần như triệt để, không phát thải ra môi trường. Phát triển kinh tế tuần hoàn chính là cách thức phát triển giúp cho đạt nhiều mục tiêu, chỉ tiêu yêu cầu của SDGs”.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh
Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT
Phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ nhận được sự đồng thuận cao và ủng hộ của xã hội, vì cách thức phát triển này giải quyết được sự khan hiếm tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Một tín hiệu rất tích cực tạo cơ sở cho sự phát triển kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới là nội dung kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), trong chính sách phát triển ngành kinh tế môi trường thuộc chương “Công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường” đang quá trình thẩm định”, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho hay.