Lựa chọn giải pháp đầu tư cho vùng ĐBSCL

28/06/2016 00:00

(TN&MT) - Ngày 28/6 – ngày làm việc thứ hai của Diễn đàn ĐBSCL 2016 đã tiếp tục với chủ đề  "Lựa chọn giải pháp đầu tư". 

 

(TN&MT) - Ngày 28/6 – ngày làm việc thứ hai của Diễn đàn ĐBSCL 2016 đã tiếp tục với chủ đề “Lựa chọn giải pháp đầu tư”  với sự tham dự của đại diện các đối tác phát triển, các nhà hoạch định chính sách, các cán bộ quản lý địa phương, các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế. Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu đã tham dự và chủ trì Diễn đàn.  

Phó Thủ tưởng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu kết luận phiên họp lần thứ nhất Diễn đàn chiều 27/6
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu kết luận phiên họp lần thứ nhất Diễn đàn chiều 27/6

Diễn đàn ĐBSCL 2016  là cơ hội để trao đổi, thảo luận về các giải pháp giải quyết các thách thức ngày một nghiêm trọng hơn do BĐKH gây ra cho vùng ĐBSCL, một trong ba vùng đồng bằng chịu tác động nặng nề nhất  của nước biển dâng trên toàn thế giới.

Phiên họp này của Diễn đàn sẽ tập trung vào việc thảo luận cách tiếp cận, xem xét và lựa chọn những giải pháp đầu tư phù hợp với điều kiện hiện tại của Vùng. Yêu cầu đặt ra đối với Việt Nam là vừa phải có những giải pháp ứng phó kịp thời với các thách thức cấp thiết về hạn hán, thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn xảy ra trong thời gian qua, vừa phải có các giải pháp đầu tư lâu dài đảm bảo sự phát triển bền vững của ĐBSCL.

Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực cùng với các đối tác phát triển chung tay thực hiện một số giải pháp cấp bách và tìm kiếm các giải pháp phù hợp về lâu dài cho định hướng phát triển bền vững cả ĐBSCL trong điều kiện BĐKH. Trong bối cảnh này, nhiệm vụ đặt ra với Chính phủ Việt Nam là rà soát, điều chỉnh định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng; điều chỉnh các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội hiện có; đi đôi với việc thiết lập một cơ chế điều phối vùng hiệu quả thay cho cơ chế điều hành riêng rẽ của mỗi tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã nhận được sự chung tay, hỗ trợ quý báu của nhiều đối tác phát triển, như UNDP, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Úc, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Hoa Kỳ… Một số dự án do các đối tác quốc tế hỗ trợ đang được xây dựng và triển khai theo cách tiếp cận liên vùng, đa lĩnh vực và tập trung cho các giải pháp được cho là không hối tiếc và ít hối tiếc.

Tuy nhiên, nguồn lực tài chính của ngân sách là có giới hạn, cả khi đã có được hỗ trợ của các đối tác quốc tế. Vì vậy, thách thức đặt ra đối với Chính phủ Việt Nam hiện nay là phải lựa chọn ra các dự án đầu tư ứng phó với BĐKH cho ĐBSCL phù hợp và hiệu quả nhất trong điều kiện nguồn vốn cho phép.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại Diễn đàn sáng 28/6
Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại Diễn đàn sáng 28/6

Phát biểu tại Diễn đàn sáng ngày 28/6, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết: Chính phủ cũng đã ban hành Quy chế thí điểm về điều phối liên kết vùng cho ĐBSCL. Nhiệm vụ đặt ra hiện nay là đưa cơ chế điều phối vùng này vào vận hành trong thực tiễn. Cơ chế điều phối vùng này phải đảm bảo được sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc lựa chọn các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đặt mục tiêu phát triển của từng địa phương trong sự phát triển chung bền vững của toàn vùng.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển đã đề nghị Diễn đàn tập trung thảo luận các vấn đề trọng tâm như: Thứ nhất, cần có những giải pháp nào để tăng cường hiệu quả đầu tư cho các dự án ứng phó với tác động của BĐKH?Thứ hai, cần đánh giá, lựa chọn như thế nào giữa các giải pháp đầu tư công trình và phi công trình?. Thứ ba, cần thực hiện cơ chế điều phối vùng như thế nào nhằm đảm bảo có được sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương tại ĐBSCL trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các hành động ứng phó với BĐKH của từng địa phương trong vùng ĐBSCL?.

Phát biểu tại Diễn đàn sáng 28/6, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách Trung ương để thực hiện giải pháp đầu tư cho vùng theo nguyên tắc, tiêu chí: ưu tiên theo hướng tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua hỗ trợ đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất… gắn với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tạo sinh kế bền vững cho dân cư nông thôn.

ĐBSCL cũng là địa bàn đi đầu trong việc triển khai tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Do đó, trong kế hoạch dự kiến đầu tư trung hạn, Chính phủ đã ưu tiên bố trí nguồn lực cho vùng nhằm chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững thông qua 02 Chương trình mục tiêu quốc gia và 21 Chương trình hỗ trợ có mục tiêu. Trong đó, có nhiều đề xuất đầu tư dự án lớn như hệ thống đê kè kiên cố trên toàn vùng ĐBSCL như là một giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn có sự đồng thuận cao của các Bộ ngành và địa phương trong việc xây dựng một tiêu chí đầu tư thông minh, lựa chọn hạ tầng đầu tư hợp lý, phù hợp với nguồn lực, có khả năng thích ứng cao, giải quyết vấn đề sinh kế cộng đồng, bảo đảm ổn định cuộc sống người dân và mong muốn luôn được hợp tác chặt chẽ với cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển trong việc hỗ trợ, cung cấp kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam, nhằm tìm kiến giải pháp tốt nhất trong quá trình lập kế hoạch và ra quyết định đầu tư, hướng tới một ĐBSCL phát triển thịnh vượng.

Trước đó, thay mặt Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết thúc phiên họp toàn thể thứ nhất cuối giờ chiều ngày 27/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá cao, cảm ơn Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế đã tổ chức diễn đàn này khi nhận thức về sự biến đổi của tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có tầm quan trọng đặc biệt.

“Chính phủ mong muốn Diễn đàn tập trung bàn thảo về những thách thức, cơ hội, các giải pháp đầu tư, thích ứng với tự nhiên để chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, hành động, công nghệ và tài chính. Chúng tôi mong muốn các đối tác phát triển, nhất là Ngân hàng Thế giới, sớm có kiến nghị tới Chính phủ để khởi động ngay các giải pháp thích ứng vì yêu cầu của cuộc sống đã thúc bách rồi”, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh các giải pháp đặt ra phải bám sát thực tiễn và từ sinh kế đa dạng, sáng tạo của người dân và cộng đồng. “Nếu không dựa vào cộng đồng, doanh nghiệp và người dân thì các giải pháp đặt ra cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của đời sống”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho rằng “trong cái khó sẽ ló cái khôn” và những khó khăn về tự nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, của Việt Nam nói chung cũng là dịp để Việt Nam quy hoạch, bố trí lại dân cư, tái cơ cấu lại nền kinh tế và nền sản xuất nông nghiệp nói riêng, thay đổi công nghệ, tổ chức sản xuất theo kiểu mới để hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ đầu phiên họp là sẽ phát huy nội lực, xây dựng chiến lược và các giải pháp quyết liệt để thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời đề nghị các quốc gia, đối tác phát triển chia sẻ, giúp đỡ về công nghệ, kinh nghiệm và tài chính để Việt Nam vượt qua thách thức này vì sự phát triển bền vững của khu vực và thế giới. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tổ chức phát triển quốc tế có tiếng nói và xử lý hài hòa việc quản lý và sử dụng nguồn nước trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong, đồng thời đưa ra các giải pháp kiểm soát tổng thể nguồn nước cho các từng địa phương và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các vùng khác.

Chia sẻ những thách thức mà Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt, đại diện các tổ chức quốc tế cho rằng cần phải xây dựng các giải pháp để hành động ngay, khẳng định sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tường Tú

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lựa chọn giải pháp đầu tư cho vùng ĐBSCL
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO