Học xoay vòng
Ấn tượng đầu tiên chúng tôi đến Trường Sa Lớn là cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo tập trung thẳng hành trước cầu cảng đón khách từ đất liền. Trong hàng ngũ chỉnh tề ấy, có cả “cô, chú bộ đội nhí” theo bố mẹ ra đón khách nhận quà. Chị Nguyễn Quý, người bán ve chai “góp đá xây Trường Sa” làm động tác chào bằng cách quỳ xuống đặt bàn tay của em Võ Viết Hiền lên tay mình “xin chào chiến sĩ Trường Sa” trong niềm vui xúc động. Ấn tượng thứ hai là cuộc đua xe đạp của các “chiến sĩ nhí” ngay tại sân băng mà nhóm nhạc MVT đến từ đất liền làm “trọng tài”. Chúng tôi đến Trường Sa trong niềm vui hân hoan ấy.
Lớp học xoay vòng của thầy giáo Bạch Hữu Tình |
Sau khi viếng các liệt sĩ Trường Sa, tôi đến “lớp học đặc biệt”. Thầy giáo Bành Hữu Tình đang dạy cho các em viết chính tả.
- Công việc của thầy giáo ở đảo chắc rất nhiều vất vả?
- Được dạy chữ cho các em học sinh ở nơi đặc biệt này là vinh dự lắm rồi, có vất vả gian khổ thì các em mới thành người được.
- Ở đảo có mấy trò thưa thầy?
- Trên đảo có chục trẻ nhưng số ở độ tuổi đến trường là 8 em. Lớp học của thị trấn Trường Sa Lớn mới chỉ dạy cấp tiểu học, lên lớp 6 các cháu sẽ được đưa vào đất liền để tiếp tục học lên. Lớp của tôi phụ trách hiện có một cháu mẫu giáo lớn, hai cháu lớp 1, hai cháu lớp 2, hai cháu lớp 3 và một cháu lớp 5. Có hai cháu là học sinh giỏi, còn lại là học lực khá.
- Với 8 cháu, 5 lớp thầy phải có phương pháp dạy cho các cháu học đồng bộ một lúc?
Tôi dạy theo kiểu xoay vòng. Sau khi hướng dẫn tập viết lớp 1, sang kiểm tra bài tập toán lớp 2; xong sang giảng bài cho lớp 3... Khi dạy lớp này thì lớp khác làm bài tập và tự quản. Do học sinh ít nên cũng khó dạy. Ở đây sự thi đua mang tính cộng đồng chứ không phân biệt giữa lớp này với lớp kia.
Thầy giáo Nguyễn Công Qua cùng lũ trẻ trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Đức Thành |
Học “tinh thần thép” của người lính
Bên cạnh học kiến thức, các em còn được học bản lĩnh người chiến sĩ hải quân, hình ảnh anh bộ đội Trường Sa kiên cường trước bạt ngàn bão tố. “Mục tiêu của chúng tôi, bên cạnh dạy chữ, còn dạy tinh thần thép của người dân sống trên đảo. Khi có “sự cố”, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình ngư dân là một pháo đài, mỗi em học sinh là một liên lạc viên kiên cường gan dạ”, thầy Tình chia sẻ.
Được học chữ giữa ngàn khơi sóng gió, được học nghị lực “thép” của các chú bộ đội hải quân trên đảo, em Nguyễn Viết Anh học sinh lớp 5 ngày nào cũng dậy sớm hơn để cùng xem các chú bộ đội tập thể dục sáng. Ngoài giờ đến trường, Viết Anh rủ các bạn ra thao trường xem các chú bộ đội tập ngắm súng, đi điều lệnh và tập các bài võ thể dục “đánh địch đối kháng”. “Con rất vui khi được các chú bộ đội hướng dẫn đi đều mốt hai mốt. Lớn lên, con sẽ đi bộ đội. Con thích ở Trường Sa hơn về đất liền”.
Đã hơn 3 năm sống ở “quần đảo bão tố” và được các thầy giáo tận tình dạy chữ, được các chú bộ đội “truyền lửa” tình yêu Tổ quốc cho con trai mình, chị Nguyễn Thị Hương chia sẻ trong niềm xúc động: “Ngoài học chữ, con tui còn được các chú bộ đội hướng dẫn tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, hướng dẫn ôn bài. Có nhiều tối, các chú bộ đội đến gia đình chỉ bài cho các cháu. Con tui cũng được rèn luyện sức khỏe, tác phong học các chú bộ đội. Sáng nghe còi là báo thức, chạy ra bờ biển. Có nhiều bữa các cháu theo các chú bộ đội tập thể dục, tập thể thao”...
Các em học sinh ở đảo Trường Sa Lớn cùng các chú bộ đội ra cầu cảng đón khách từ đất liền |
Hiện nay, toàn quần đảo Trường Sa có 4 trường học bậc Tiểu học cơ sở ở các đảo Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn và Nam Yết. Các em học sinh ở các đảo ngoài học chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, các em còn học về tình yêu biển đảo của Tổ quốc, về tình nhân ái và quan hệ quân dân, nếp sống văn minh giữa đảo xa… “Đây là kỹ năng mềm.
Ngoài kiến thức chung về văn hóa xã hội, giáo dục lòng nhân ái thực chất là giáo dục cho trẻ tình thương yêu con người, biết kính trọng cha mẹ, người thân, anh em. Sống ở đảo Trường Sa, các em học sinh cũng được giáo dục tình yêu Tổ quốc; sự trao gửi và cho nhận.
Trong thời đại 4.0 hiện nay, khi mà mạng internet xâm nhập rất nhiều vào đời sống của trẻ, việc giáo dục lòng nhân ái và tình yêu Tổ quốc càng có ý nghĩa thiết thực. Đây cũng chính là cách giáo dục kết hợp giữa truyền thống và hiện đại của nền giáo dục người Việt hiện nay”, thầy Bành Hữu Tình cho hay.
|
Phát triển thể trí giữa môi trường đặc biệt
Bao quanh lớp học đặc biệt ở thị trấn Trường Sa Lớn là màu xanh của cây bàng quả vuông, phong ba, bão táp. Kế đó là xích đu, cầu trượt, và những trò chơi nhảy dây, kéo co...
Thầy Tình cho biết, ngoài giờ học, các em học sinh ra đây nô đùa, vui chơi. Đây chính là chương trình ngoại khóa để các em phát triển thể lực và trí não. “Ngoài những đồ chơi thực hành cắt ghép trên lớp, chúng tôi luôn tạo cho các em có không gian mở để các em hoạt động sinh hoạt. Các thiết chế giáo dục ở đảo không nhiều như ở đất liền, nhưng đầy đủ để các em vui chơi. Các trò chơi có tính định hướng tư tưởng và hành động tiến bộ để các em phát triển trí não. Chúng tôi luôn coi hoạt động ngoài trời không chỉ là mục tiêu giáo dục rèn luyện thể chất, trí não, còn để các em cọ xát, quen với môi trường tự vận động. Đây chính là phương pháp tìm tòi tự tư duy độc lập của các em”, thầy Tình chia sẻ.
Các em học sinh Trường Sa Lớn vui chơi trò xe đạp trên đường băng Trường Sa với nhóm MVT |
Ngày 20/11 năm nay, thầy trò Trường Sa cũng có hoa tươi và vui vầy như ở đất liền. Chỉ khác những bông hoa ấy không phải mua ngoài tiệm hay hàng hoa, mà do chính thầy trò trồng, chăm bón và “thu hoạch”. Nhưng chính những bông hoa nhuốm vị mặn mòi của biển cả ấy, là động lực tinh thần to lớn để các thầy giáo và các em học sinh ở “quần đảo bão tố” càng có quyết tâm nhiều hơn để hoàn thành nhiệm vụ trồng người.
Giữa Trường Sa xa xôi, có những ngôi trường đặc biệt bên bờ sóng. Dưới ngôi trường quanh năm nắng gió khí hậu khắc nghiệt ấy là những thầy giáo trẻ đang thầm lặng gieo chữ cho lũ trẻ mà quên tuổi thanh xuân. Họ đang cống hiến sức mình vì học sinh Trường Sa, vì sự lớn mạnh của “quần đảo bão tố” nơi xa nhất của Tổ quốc.