e-magazinehalong(1).jpg
Hạ Long vượt lên và hồi sinh mạnh mẽ sau bão số 3

Với quyết tâm “khó khăn gấp đôi - chúng ta phải nỗ lực gấp ba”, với tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết, chủ động vượt qua bão, cả hệ thống chính trị TP. Hạ Long, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đã dồn sức khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, đưa thành phố trở về bình thường với một tốc độ kinh ngạc.

1a.jpg

Là một trong các địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão, Hạ Long đã kiên cường đứng dậy, chủ động khắc phục hậu quả, khôi phục nhịp sống, sinh hoạt, lao động sản xuất, tái thiết thành phố tốt đẹp hơn, vững vàng hơn.

Mặc dù Thành phố đã chủ động các biện pháp phòng, chống, ứng phó với bão số 3 từ sớm, từ xa, tuy nhiên do là nơi tâm bão đi qua nên thiệt hại do bão gây ra cho sức tàn phá của bão đối với Hạ Long thiệt hại rất lớn. Theo thống kê, có trên 63.000 nhà dân bị hư hại, trong đó 57 hộ nhà bị sập hoàn toàn, trên 1.300 hộ nhà bị tốc toàn bộ mái, hư hỏng nặng; Gần 1.000 trụ sở cơ quan, đơn vị, khách sạn, chung cư cao tầng, trường học bị thiệt hại; 70 tàu, thuyền bị đắm; gần 26.000 ha rừng, hàng trăm nghìn cây xanh bị gãy đổ; mất điện toàn Thành phố, điện thoại không có sóng liên lạc, một số khu vực bị chia cắt bởi sạt lở, ngập lụt cục bộ... Tổng thiệt hại ước tính gần 9.000 tỷ đồng.

ac.jpg
Bão số 3 đã khiến hạ Long thiệt hại nặng nề. Ảnh: Việt Hùng

Xác định công tác khắc phục hậu quả của bão không chỉ là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền mà còn cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các lực lượng vũ trang, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn, Thành phố đã phát động Chiến dịch cao điểm 7 ngày đêm, huy động tổng lực nguồn nhân lực, máy móc, thiết bị khắc phục tại hiện trường, tổ chức thu dọn, xử lý, khắc phục cây cối gãy đổ, công trình bị hư hại, tổng dọn vệ sinh môi trường, bảo đảm giao thông thông suốt; sớm nhất ổn định đời sống Nhân dân, khôi phục sản xuất kinh doanh, hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn Thành phố.

1b.jpg

Qua 7 ngày thực hiện chiến dịch cao điểm, Thành phố đã huy động gần 70.000 lượt người, trên 2.000 phương tiện, thiết bị, thành lập hơn 500 tổ tình nguyện tham gia. Trong đó, lực lượng chủ yếu là từ cơ sở xã, phường, thôn khu với trên 50%; lực lượng nòng cốt là các đơn vị lực lượng vũ trang và 7 đơn vị ngành than trên địa bàn đã phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng của Thành phố, xã phường. Chiến dịch còn có sự tham gia tích cực của các đoàn thể, nhất là Đoàn Thanh Niên đã tổ chức nhiều chương trình ra quân tình nguyện dọn dẹp vệ sinh môi trường, góp phần mang lại những nét mới, sáng tạo và hết sức ý nghĩa, thiết thực và cũng rất hiệu quả.

Thành phố đã chỉ đạo các lực lượng tập trung nhân lực, phương tiện phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục nhanh các sự cố về điện, nước, viễn thông để cung cấp lại dịch vụ trong thời gian sớm nhất, đảm bảo thông tin liên lạc, ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường, nhất là nguồn cung hàng hóa, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, không để tình trạng thiếu hụt, đẩy giá hàng hóa sau bão.

am.jpg
Công nhân tăng tốc cắt tỉa cây xanh, "dọn dẹp chiến trường" do bão số 3 để lại. Ảnh: Việt Hùng
ad.jpg
Công nhân tăng tốc cắt tỉa cây xanh, "dọn dẹp chiến trường" do bão số 3 để lại. Ảnh: Việt Hùng
b3.jpg
Vớt rác trên vịnh Hạ Long sau bão. Ảnh: Hồng Trường

Trong những ngày đầu sau bão, toàn Thành phố bị mất điện, điện thoại không có sóng, hệ thống thông tin liên lạc gần như tê liệt. Để đảm bảo công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả được kịp thời, Thành phố đã tổ chức trực trung tâm chỉ huy tại Trụ sở của Thành phố, đồng thời bố trí cán bộ làm công tác giao liên, có nhiệm vụ tiếp nhận các thông tin, nội dung chỉ đạo của Thành phố và trực tiếp chuyển thông tin đến các đơn vị, xã phường để kịp thời triển khai. Ở chiều ngược lại, các xã phường cũng có cách làm như vậy, để đảm bảo cho thông tin không bị gián đoạn giữa Thành phố và cơ sở.

Bên cạnh đó, với tinh thần tương thân tương ái, Thành phố đã tổ chức ngay công tác thăm hỏi động viên người bị thiệt hại do mưa bão, trong đó ưu tiên các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương nặng do bão, hộ có nhà bị đổ sập, bị hư hỏng nặng, có hoàn cảnh khó khăn, các hộ dân phải di dời khẩn cấp và nhân dân tại khu vực bị chia cắt...

1c.jpg

Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Cơn bão đã gây ra hậu quả vô cùng nặng nề và công tác khắc phục tái thiết vẫn đang còn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, bão cũng là một phép thử để Hạ Long lượng sức mình, từ đó, trang bị cho mình một sức đề kháng mạnh hơn, sẵn sàng đối mặt và đứng vững trước mọi sóng gió, vượt qua mọi thách thức, khó khăn”.

b2(2).jpg
Rác thải, thách thức đang nhanh chóng được Hạ Long giải quyết. Ảnh: Vũ Quân
Buổi sáng ở Hạ Long. Video: Việt Hùng

Theo Chủ tịch UBND TP. Hạ Long, thành phố những ngày qua như một công trình. Từ cán bộ các cấp cho đến mỗi người dân đều là một công nhân trong mục tiêu khắc phục và tái thiết thành phố. Chính quyền đã có mặt sớm nhất bên cạnh dân, đặc biệt đối với những hộ gia đình thiệt hại về người, nhà ở... Trước sự tàn phá kinh hoàng của thiên nhiên, chính quyền, người dân Hạ Long, các cơ quan, đơn vị, cá nhân đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, vững vàng trước sóng gió; mỗi người làm việc bằng 4 bằng 5 với mục tiêu phải đưa Hạ Long trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất.

Thành phố đã triển khai khắc phục hậu quả bão lũ với tinh thần “khó khăn gấp đôi - chúng ta phải nỗ lực gấp ba”, không chùn bước, không trông chờ ỷ lại; chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ; mỗi người tự khắc phục khó khăn của chính mình, mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi cơ quan là một công trường khắc phục hậu quả sau bão… Chia sẻ về điều này, bà Hoàng Thị Hương ở phường Hồng Hà cho biết: “Chúng tôi không nề hà bất cứ việc gì, ưu tiên việc chung trước việc riêng sau. Không ai bảo ai đều chung mục tiêu phải nhanh nhất đưa Hạ Long ổn định trở lại”.

Tinh thần “khó khăn gấp đôi - chúng ta phải nỗ lực gấp ba” những ngày qua như một lời hiệu triệu khiến người dân Hạ Long quên đi mệt nhọc, làm ngày làm đêm với cường độ khó hình dung. Chứng kiến sự đổi thay của Hạ Long những ngày qua, chị Phạm Hà - một du khách người Hải Phòng cho biết: “Tôi rất ấn tượng với công tác khắc phục bão của Hải Phòng. Nhưng đối với Quảng Ninh nói chung và Hạ Long nói riêng thì tôi phải dùng từ Nể. Họ đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” chỉ trong có ít ngày”.

Tuy nhiên, với suy nghĩ bão là một phép thử, theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Anh Dũng, Hạ Long cần phải có những góc nhìn rộng dài hơn, trong một tầm nhìn sắc sảo hơn. Vì vậy, cùng với đặt ra các giải pháp trong đề án khắc phục hậu quả bão, tái thiết thành phố, Hạ Long đã mạnh dạn đề xuất Tỉnh quan tâm chỉ đạo một số nội dung vượt ngoài thẩm quyền, như cho phép chuyển đổi mục đích cây trồng trên một số loại đất đặc thù, trong đó ưu tiên phát triển cây lâm nghiệp ngoài gỗ như tre, gỗ lớn, cây ăn quả...; đồng thời đề nghị UBND tỉnh có chủ trương thuê đơn vị chuyên gia đánh giá tác động của Bão đối với các công trình xây dựng, cây xanh ven biển để có hướng dẫn điều chỉnh, thay thế quy chuẩn, vật liệu phù hợp với vùng bão, sửa đổi quy chuẩn với các khu neo đậu tránh trú bão hiện nay chưa phù hợp./.

c1.jpg

Thành phố Hạ Long - viên ngọc xanh của Quảng Ninh vừa trải qua cơn bão số 3, giờ đây đang từng bước được “vẽ” lại bằng bàn tay khéo léo và nghị lực của con người. Từ việc tái thiết hạ tầng đô thị, hỗ trợ doanh nghiệp, cho đến khôi phục cuộc sống của người dân, tất cả đều đòi hỏi nỗ lực bền bỉ, kiên cường và sự đồng lòng của cộng đồng.

"Cơn bão số 3 là một cơn bão rất mạnh, tàn phá cơ sở vật chất, hạ tầng của thành phố. Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã nỗ lực thu dọn vệ sinh, tập trung các chiến được để tái thiết thành phố" - ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long chia sẻ.

c6.jpg
Những hàng cây vẫn kiên cường đâm chồi nảy lộc. Ảnh: Ngọc Trâm

Theo Chủ tịch Nguyễn Tiến Dũng, các hộ dân, doanh nghiệp là những đối tượng chịu tổn thất nặng nề nhất. Nhiều ngôi nhà bị sập đổ, sản xuất kinh doanh đình trệ, các hộ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mất trắng vốn liếng. Nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh không còn khả năng trả nợ ngân hàng. Với sự tàn phá của bão, sự tái thiết trở thành gánh nặng không chỉ trên vai các cơ quan quản lý mà còn trên đôi vai của người dân địa phương.

Thống kê sơ bộ, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, TP. Hạ Long có trên 63.000 nhà, công trình bị hư hỏng, nhiều tường hợp nhà ở của người dân bị sập đổ hoàn toàn, tổng thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng; Hơn 21.000 cây xanh bị gãy, đổ (chiếm hơn 51% số lượng cây xanh của thành phố).

c2(1).jpg

Bên cạnh công tác khắc phục thiệt hại, Hạ Long đang triển khai các giải pháp tái thiết đô thị toàn diện, tập trung vào phát triển xanh và bền vững. Trong những ngày sau bão, các đội cứu hộ, quân đội và công nhân làm việc liên tục để thu dọn đống đổ nát, khôi phục lại sự bình thường cho cuộc sống.

“Chúng tôi đang tập trung khắc phục các công trình nhà cửa, công xưởng, trường học, trạm xá, trụ sở, các công trình công cộng và các công trình hạ tầng đô thị, dựng lại những cây xanh. Đồng thời triển khai các công tác cứu trợ, hỗ trợ theo các quy định của Trung ương, của tỉnh cho các doanh nghiệp và người dân để họ ổn định đời sống ban đầu”. - Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND TP. Hạ Long nói

Đối với Hạ Long - một thành phố du lịch biển nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn quốc tế, yếu tố môi trường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Sau cơn bão, lượng rác thải từ cây xanh, vật liệu xây dựng bị cuốn trôi đã biến cảnh quan nơi đây bị tàn phá nặng nề. Đối với các du khách, hình ảnh này là một trong những tác động lớn nhất. Theo đó, thành phố Hạ Long đã nhanh chóng bắt tay vào tái tạo cảnh quan. Những con đường chính giờ đây được tô điểm bởi những hàng cây mới như Bằng lăng, Chuông vàng, Phượng vỹ, Cọ và Dừa - loài cây mạnh mẽ, sẵn sàng chống chịu với bão gió. Mỗi mầm xanh vươn mình như mang theo hy vọng, không chỉ khôi phục vẻ đẹp đô thị mà còn tạo không gian xanh tươi mới, nâng cao chất lượng sống và mời gọi du khách đến khám phá vẻ đẹp thanh bình, tươi mới của thành phố.

Lãnh đạo thành phố cho biết, sau cơn bão, Hạ Long đã ban hành Chỉ thị số 01. Trong chỉ thị đã bao trùm quan điểm, định hướng, mục tiêu và các giải pháp cơ bản để tái thiết thành phố gắn với vấn đề phát triển bền vững.

“Trong đó, chúng tôi chú trọng về vấn đề môi trường và cảnh quan đô thị để hướng tới thành đô thị văn minh, du lịch”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trước hết, Thành phố tập trung thu dọn các giác thải do cây xanh, do các vật đổ vỡ trên toàn địa bàn thành phố và bao gồm cả các khu vực trên vịnh Hạ Long. Tiếp theo là tái thiết, xây dựng các cảnh quan mới. Không đơn thuần là phục dựng lại, thành phố còn hướng tới việc quy hoạch lại hệ thống cây xanh, kiến trúc đô thị phù hợp hơn với điều kiện khí hậu vùng biển. Các tiêu chuẩn về cây xanh, vật liệu xây dựng được điều chỉnh nhằm đảm bảo sức bền và khả năng chống chịu trước những “siêu bão” trong tương lai.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân chịu thiệt hại do bão, chính quyền sẽ tổ chức và chỉ đạo lập hồ sơ từ cơ sở, đảm bảo xác định chính xác và đầy đủ đối tượng đủ điều kiện. Mục tiêu là tiến hành các thủ tục nhanh chóng, giúp người dân có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ từ các chính sách của Trung ương và tỉnh.

Bên cạnh đó, thành phố cũng kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm và doanh nghiệp, nhằm chung tay giúp đỡ người dân và thành phố trong việc tái thiết và ổn định cuộc sống. Qua đó, thành phố hy vọng các nhà hảo tâm và doanh nghiệp sẽ cùng nhau động viên, khích lệ cho nỗ lực phục hồi.

Thành phố quyết tâm, quyết liệt tự lực, tự cường, kết hợp với các nguồn hỗ trợ bên trên để nhanh chóng tái thiết và đưa thành phố trở lại với nhịp sống mới.

c3(1).jpg

Từ những khó khăn hiện hữu, Hạ Long đã rút ra bài học quý giá: không chỉ phục hồi sau bão mà còn phải xây dựng một thành phố mạnh mẽ hơn, sẵn sàng đối mặt với những thách thức của biến đổi khí hậu.

“Chúng tôi không đặt ra tầm nhìn ngắn hạn, mà còn hoạch định chiến lược dài hạn cho sự phát triển bền vững của thành phố. Tái thiết sau bão là cơ hội để củng cố và cải thiện hạ tầng đô thị, đưa Hạ Long trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu”, Chủ tịch UBND TP. Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ thêm.

b6.jpg
Hạ Long - bất kỳ điểm nào cũng luôn là điểm đến thân thiện, thu hút du khách. Ảnh: Việt Hải

Các giải pháp về cây trồng, kiến trúc và hạ tầng sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng. Hạ Long sẽ được quy hoạch lại đồng bộ, từ hệ thống cấp thoát nước đến các công trình nhà cao tầng, đặc biệt là những khu neo đậu tránh bão, để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách trong những cơn bão tương lai.

Thành phố đang trong quá trình xây dựng đề án tái thiết, được chia thành hai giai đoạn rõ ràng: ngắn hạn và dài hạn. Trong giai đoạn trước mắt, mục tiêu hàng đầu là khắc phục ngay lập tức các thiệt hại, đảm bảo ổn định đời sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất của người dân cũng như doanh nghiệp. Chính quyền tập trung vào việc sửa chữa và nâng cấp các công trình hạ tầng xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của cộng đồng và tạo điều kiện cho sự phát triển.

Tuy nhiên, tầm nhìn dài hạn của đề án sẽ hướng tới việc quy hoạch một cách đồng bộ và có chiều sâu. Để thực hiện điều này, các nghiên cứu và đánh giá sẽ được tiến hành để đề xuất giải pháp đầu tư hạ tầng xã hội phù hợp với điều kiện khí hậu mới và biến đổi khí hậu toàn cầu. Trên cơ sở đó, những giải pháp cụ thể sẽ được xây dựng, nhằm kiến thiết các công trình và dự án, hướng đến phát triển bền vững và tạo dựng một tương lai ổn định cho thành phố.

Cơn bão số 3 đã lấy đi nhiều thứ của Hạ Long, nhưng đồng thời, nó cũng tạo ra một cơ hội để thành phố này tái sinh mạnh mẽ hơn. Những khó khăn, những tổn thất không thể lường trước đã trở thành động lực để Hạ Long hướng đến một tương lai bền vững hơn. Trong hành trình đó, sự kiên cường của người dân, sự lãnh đạo sáng suốt của chính quyền và những nỗ lực không ngừng nghỉ sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.

Giữa những đổ nát, những cây xanh mới sẽ mọc lên, những con đường sẽ được sửa chữa và Hạ Long sẽ không chỉ là thành phố du lịch mà còn là biểu tượng của sự kiên cường và bền vững trước mọi thử thách từ thiên nhiên.

Như lời Chủ tịch UBND TP. Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng khẳng định: “Trong khó khăn, chúng tôi xác định là phải tự mình đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên. Khó khăn gấp đôi thì tất cả cùng nỗ lực gấp ba”. Và cũng chính từ tinh thần ấy, một Hạ Long mới sẽ vươn mình từ đổ nát, đẹp hơn, xanh hơn và bền vững hơn bao giờ hết./.

e1.jpg

Trước khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2024 theo Nghị quyết đã đề ra, xây dựng thành phố Hạ Long “Kiểu mẫu, hiện đại, giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình”; phát triển thành phố dựa trên 4 trụ cột: Dịch vụ, Du lịch - Công nghiệp, xây dựng - Nông nghiệp - Niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân, doanh nghiệp, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, chính quyền thành phố và các địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường đoàn kết, thống nhất, biến thách thức thành hành động, thích ứng, linh hoạt, kiên trì, quyết tâm chỉ bàn làm không bàn lùi, nỗ lực tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ các giải pháp thực hiện toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2024 và cả nhiệm kỳ, gắn với nhiệm vụ kiến thiết thành phố và xây dựng phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2025-2030.

an(2).jpg
Buổi sáng bình yên ở Hạ Long. Ảnh: Tùng Quân
e2.jpg

Để vượt qua khó khăn, Hạ Long sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, đổi mới, sáng tạo; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, đề cao sự gương mẫu và tinh thần trách nhiệm cao nhất của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XIII), Chỉ thị số 05-CT/TW và Quy định 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới; kiên quyết khắc phục biểu hiện sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, thiếu sự quyết tâm, quyết liệt, gây kìm hãm sự phát triển. Thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, lễ hội và các sự kiện quan trọng trong năm 2025 của thành phố.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được thành phố ưu tiên đặt lên hàng đầu đó là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác Đại hội đảng bộ các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Kế hoạch 439-KH/TU ngày 23/7/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Kế hoạch số 350-KH/TU ngày 25/7/2024 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; xây dựng văn kiện Đại hội, chuẩn bị tốt đề án nhân sự Đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-2030. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt công tác Đại hội đảng bộ cơ sở và các chi bộ theo kế hoạch đề ra; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án chào mừng Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2025-203.

Với phương châm cán bộ là gốc của thành công, thành phố sẽ tập trung kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cán bộ nhất là lãnh đạo quản lý và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; bảo đảm tính kế thừa, đổi mới và phát triển gắn với chuẩn bị tốt Đề án nhân sự đại hội đảng bộ nhiệm kỳ 2025-2030; hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đảng, chú trọng củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và đội ngũ đảng viên, nhất là ở địa bàn khu dân cư, doanh nghiệp ngoài nhà nước. Xây dựng, triển khai kế hoạch kiểm điểm, đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên năm 2024.

Bên cạnh đó Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thực hành tiết kiệm ở các cấp; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm; tập trung rà soát, khắc phục kịp thời các tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra sau kiểm tra, giám sát, thanh tra. Hoàn thành Chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024 trước ngày 15/11/2024. Tập trung rà soát chuẩn bị tốt công tác thẩm tra nhân sự đại hội gắn với trách nhiệm thực hiện các kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra; chủ động rà soát giải quyết dứt điểm các đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng và các vướng mắc phát sinh ở cơ sở, nhất là những nội dung liên quan đến cán bộ, đảng viên, nhân sự đại hội.

ha-long-3.jpg
Hạ Long đã bình yên sau bão. Ảnh: Việt Hùng
e3(1).jpg

Tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án tổng thể tái thiết thành phố, khắc phục hậu quả Cơn bão số 3; xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp, phần việc trước mắt, lâu dài và lộ trình thực hiện, gắn với hoàn thành xây dựng Đề án phát triển thành phố Hạ Long đến năm 2030 trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu giữ vững vị trí nhóm đầu về Chỉ số PAR INDEX, DDCI, DTI; tạo thuận lợi giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Hạ Long sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp kích cầu du lịch. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch mới, du lịch tâm linh, kinh tế đêm, gắn với phát triển kinh tế di sản (tổ chức Hội thảo Kinh tế di sản), tích cực triển khai hiệu quả các Đề án “Hạ Long: Thành phố của Hoa - Thành phố lễ hội”, đảm bảo theo lộ trình, quy hoạch, định hướng gắn với cơ cấu lại hệ thống cây xanh sau bão; tập trung nhanh việc cải tạo, chỉnh trang hạ tầng, công viên hoa, công viên ven biển, trồng hoa Anh Đào,…tạo điểm nhấn phục vụ phát triển du lịch trên địa bàn. Tổ chức các hoạt động thường niên nhằm tôn vinh giá trị Di sản thiên nhiên thế giới và kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ về định hướng phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố sau bão. Video: Trần Văn - Ngọc Trâm

Đặc biệt, Hạ Long sẽ tăng cường quản lý Nhà nước về công tác quy hoạch, xây dựng, tài nguyên, khoáng sản, đất đai, môi trường, trật tự đô thị, nhất là đất lâm nghiệp, đất công, đất nuôi trồng thủy sản..., khắc phục những khiếm khuyết chủ động triển khai hiệu quả các quy hoạch phân khu khi được phê duyệt. Tập trung hoàn thành đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các dự án đầu tư, công trình trọng điểm và giải ngân vốn đầu tư công giao đầu năm. Chủ động chuẩn bị đầu tư các dự án năm 2025 và chỉnh trang phục vụ Tết Nguyên đán năm 2025; tiếp tục quyết liệt thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 16/5/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy, tăng cường chỉnh trang đô thị, chú trọng công tác quản lý nhà nước và vệ sinh môi trường trên Vịnh Hạ Long. Đẩy nhanh triển khai Dự án khu hậu cần nghề cá và tránh trú bão tại phường Hà Phong.

Đồng thời tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 78-NQ/TU, ngày 02/01/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy; đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, công nghệ cao; hoàn thành chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng trung tâm và hệ thống cung cấp nước sạch các xã; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại 03 xã Sơn Dương, Bằng Cả, Dân Chủ theo kế hoạch đề ra. Ưu tiên nguồn lực tái thiết, sửa chữa, khắc phục hạ tầng nông thôn sau bão, cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng và rừng sản xuất tập trung. Hoàn thành thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác thải trong năm 2024…

Hạ Long xác định đẩy nhanh tiến độ triển khai lập quy hoạch di tích, quy hoạch chi tiết các di tích trên địa bàn thành phố. Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng trường chuẩn quốc gia; hoàn thiện các tiêu chí và lập hồ sơ gia nhập mạng lưới học tập toàn cầu của UNESCO; xây dựng Thành phố của đổi mới, sáng tạo. Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giữ vững chỉ tiêu thành phố không còn hộ nghèo, cận nghèo,... nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ sau bão, đảm bảo kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng. Không để hộ dân tái nghèo và cận nghèo.

“Thành phố tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, huy động nguồn lực, kịp thời hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân khắc phục sau bão; nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua, tiếp tục duy trì đảm nhận các công trình, phần việc cụ thể gắn với Đề án kiến thiết thành phố, khắc phục hậu quả sau bão, Đề án xây dựng thành phố của Hoa, thành phố của Lễ hội và thực hiện Chỉ thị 20-CT/TU; vận động cán bộ, đảng viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, cây có hoa theo định hướng, quy hoạch…” – Nghị quyết nêu rõ.

6.jpg

Nội dung: VIỆT HÙNG - VIỆT HẢI - HỒNG TRƯỜNG;
Ảnh, Video: NGỌC TRÂM, TRẦN VĂN
Trình bày: TÙNG QUÂN

footer.jpg
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Longform: Hạ Long tự lực tự cường, đoàn kết chủ động vượt qua bão
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO