Xã hội

Trở lại Hạ Long sau Bão số 3: Du khách ngạc nhiên và thán phục

Hoàng Phong - Ngọc Trâm 25/09/2024 - 22:48

(TN&MT) - Những tưởng sau cơn bão dữ dội, Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ chỉ còn lại sự hoang tàn. Thế nhưng, du khách đến đây vào thời điểm 2 tuần sau bão, đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự phục hồi mạnh mẽ của miền di sản này. Mỗi bước chân đi qua, mỗi ánh nhìn là một cảm nhận mới khiến du khách thập phương ngạc nhiên và cảm phục trước vẻ đẹp kiên cường của Hạ Long.

du-khach-an-tuong-voi-1400-x-1400-px-1-(1).png

Những tưởng sau cơn bão dữ dội, Hạ Long (Quảng Ninh) sẽ chỉ còn lại sự hoang tàn. Thế nhưng, du khách đến đây vào thời điểm 2 tuần sau bão, đều không khỏi ngỡ ngàng trước sự phục hồi mạnh mẽ của "miền di sản" này. Mỗi bước chân đi qua, mỗi ánh nhìn là một cảm nhận mới khiến du khách thập phương ngạc nhiên và cảm phục trước vẻ đẹp kiên cường của Hạ Long.

“Lạc” ở Hạ Long

Chúng tôi nhận được thông tin Vịnh Hạ Long đang bị “tấn công” bởi những núi rác khổng lồ bao gồm hàng triệu tấm phao xốp, bè tre, gỗ, rác sinh hoạt... từ các lồng bè nuôi biển ở các địa phương lân cận bị bão Yagi tàn phá đang lênh đênh trên biển dạt vào vịnh. Nhưng địa phương lại phát đi thông báo sẵn sàng “mở cửa” để các tàu du lịch đón khách hoạt động trở lại bình thường khiến chúng tôi không khỏi tò mò bởi Quảng Ninh là địa phương nằm trong tâm bão số 3 vừa qua. Dù đã rất chủ động trong công tác phòng, chống, nhưng tổn thất về người và tài sản thống kê là rất lớn.

Theo báo cáo từ BQL vịnh Hạ Long, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và mưa lũ sau bão đã kéo theo một lượng lớn rác thải từ các khu vực ven bờ vịnh Hạ Long, các lồng bè nuôi trồng thủy sản tại các địa phương ven bờ làm phát sinh lượng lớn các loại rác thải trên vịnh Hạ Long (phao xốp, lồng bè bị vỡ, cây, cành lá cây từ khu vực ven bờ, các đảo đá trên vịnh Hạ Long…) gây ra tình trạng rác thải trôi nổi trên mặt biển làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, hoạt động đón tiếp, phục vụ khách tham quan vịnh Hạ Long.

Thế là ngay trong đêm 23/9, nhóm phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường lên đường đến với “thành phố bên bờ di sản” để kiểm chứng. Mặc cho những nỗi lo âu đeo bám, hình ảnh mà chúng tôi nhìn thấy khi đặt chân đến Hạ Long đã khiến ai nấy đều bất ngờ. Đường phố, bãi biển Hạ Long từng ngập trong các mảnh vụn đã được dọn dẹp, thu gom gọn gàng và sạch sẽ. Cây xanh hai bên đường từng bị gió bão quật ngã nay đã được dựng lại, gốc cây được gia cố cẩn thận, mầm xanh đang bật sắc… Dẫu những dấu vết của thiên tai vẫn còn in hằn nhưng cảnh sắc nơi đây đã khoác lên mình một diện mạo khác hẳn so với những gì chúng tôi biết về Hạ Long sau bão. Chúng tôi như lạc bước giữa một Hạ Long mới, vừa quen vừa lạ, nơi sự phục hồi và sức sống đang vươn dậy.

27f89cafd772712c2863.jpg
Các tuyến đường chính của TP. Hạ Long sạch sẽ, gọn gàng, cây xanh đã được dựng trồng lại. Ảnh: Tùng Quân

Không chỉ chúng tôi mà cả những du khách trong và ngoài nước cũng phải giật mình trước sự phục hồi mạnh mẽ của thành phố. Họ nhìn thấy Hạ Long sạch đẹp sau bão và cảm nhận được sức sống mãnh liệt của vùng đất này.

_mg_0181.jpg
Ông Yan Zhiyong, du khách đến từ Sơn Đông (Trung Quốc). Ảnh: Tùng Quân

Ông Yan Zhiyong, một du khách đến từ Sơn Đông (Trung Quốc), mang trong mình nhiều lo lắng trước khi đặt chân đến Hạ Long. Bởi những hình ảnh trên báo chí, truyền thông về cảnh hoang tàn sau cơn bão khiến ông tưởng tượng mình sẽ đặt chân đến một Hạ Long "lộn xộn". Nhưng tất cả mọi thứ thay đổi khi ông thực sự đến đây. “Tôi nghĩ ở đây sẽ rất lộn xộn” - ông chia sẻ, “nhưng khi sang đến nơi, tôi cảm thấy mọi thứ đều ổn, rất thoải mái”. Đối với ông, Hạ Long không chỉ là một thắng cảnh đẹp đẽ mà còn thể hiện tinh thần và khả năng tái thiết đáng kinh ngạc của con người Việt Nam.

f60387966e47c8199156.jpg
Anh Vương Đắc Cảnh (Thái Bình) trao đổi với PV Báo TN&MT rằng mặc dù biết Hạ Long vừa đón một cơn bão rất lớn nhưng vẫn quyết tâm phải đến nơi này. Ảnh: Hoàng Phong

Với anh Vương Đắc Cảnh (Thái Bình), Hạ Long luôn nằm trong danh sách những điểm đến phải ghé thăm. Sau khi trở về từ nước ngoài, biết tin Hạ Long vừa trải qua cơn bão dữ dội, anh vẫn quyết tâm ghé thăm. “Tôi nghĩ Hạ Long là địa điểm vui chơi thú vị nhất định phải đến để trải nghiệm”- anh Cảnh chia sẻ với giọng đầy nhiệt huyết. “Mặc dù biết Hạ Long vừa đón một cơn bão rất lớn nhưng tôi quyết tâm phải đến nơi này bằng được”. Khi đặt chân đến thành phố này, anh không khỏi bất ngờ khi cảnh quan vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có.

Hạ Long trong mắt anh là nơi đẹp về cảnh quan và sôi động về nhịp sống. Sự phục hồi nhanh chóng, nhịp sống của người dân địa phương trở lại bình thường sau cơn bão khiến anh thêm phần cảm phục. Anh và bạn bè nhận định chuyến đi lần này là trải nghiệm khó quên và sẽ vẫn là địa điểm chắc chắn quay trở lại trong tương lai.

img_3794.jpg

Chúng tôi đặt chân đến Quảng Ninh đúng một tuần sau khi bão Yagi quét qua. Lần này, điểm đến là một khách sạn ở Tuần Châu, nơi chúng tôi chuẩn bị biểu diễn trong một bữa tiệc nhỏ đã được lên lịch từ trước. Trên đường đi, ai cũng thấp thỏm lo lắng: "Quảng Ninh có ổn không? Liệu điện nước đã khôi phục? Chúng tôi có nên tới biểu diễn không?" - hàng loạt câu hỏi cứ thế xoay vần trong suốt chuyến hành trình.
Điểm dừng chân đầu tiên là một quán cà phê ven đường. Quán đẹp và rộng rãi, bên trong còn có một khu vui chơi xinh xắn cho trẻ em. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là chủ quán chỉ có thể mời chúng tôi nước suối. Nguyên do là cả Quảng Ninh đã mất điện suốt một tuần kể từ khi Yagi đổ bộ.
Cảnh tượng đầu tiên khi bước vào Quảng Ninh đã khiến chúng tôi ngạc nhiên. Trái với lo ngại, đường sá không còn những thân cây đổ chắn ngang. Mọi thứ được dọn dẹp một cách nhanh chóng và gọn gàng, đường phố thông thoáng đến mức chúng tôi gần như quên đi viễn cảnh tan hoang sau bão mà mình từng hình dung. Nhưng không thể bỏ qua những gì bão đã để lại: nhiều ngôi nhà bị tốc mái, ngói đỏ và mái tôn dù có chắc chắn đến đâu cũng bị lật lên, khiến cả thành phố trông như đang cố gắng đứng vững sau cơn cuồng phong.
Trong số những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Tuần Châu để lại cho chúng tôi ấn tượng sâu sắc. Trước đây, tôi từng biểu diễn ở đây vào dịp Tết và yêu thích vẻ đẹp yên bình, trong lành của hòn đảo này. Thế nhưng, lần trở lại này, cảnh sắc đã hoàn toàn thay đổi. Ngọn đồi nơi tôi từng đứng biểu diễn, từng rợp bóng xanh mát như Đà Lạt, giờ đây xuất hiện những dấu vết đổ nát. Đường lên đồi cũng trở nên khó đi hơn. Biển Tuần Châu cũng chẳng còn là dải cát trắng mịn trải dài như xưa. Thay vào đó, là hàng tấn rác thải từ biển dạt vào bờ, rác nhiều đến mức chúng tôi chưa từng thấy cảnh tượng như vậy trước đây.
Buổi tối tại Hạ Long đã nhộn nhịp hơn, nhưng ánh đèn đường vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn. Chúng tôi thăm thú những con phố trong ánh sáng lập lòe, đèn tắt bật liên tục.
Dẫu vậy, điều khiến chúng tôi cảm động hơn cả chính là tinh thần của người dân Quảng Ninh. Những thiệt hại do bão gây ra là vô cùng to lớn, nhưng sự đoàn kết và quyết tâm của cả chính quyền lẫn người dân nơi đây là điều thực sự đáng khâm phục. Từng ngày qua, Quảng Ninh đang từng bước đứng dậy sau cơn bão. Chúng tôi tin rằng, chỉ cần thời gian, mọi thứ sẽ ổn định lại, và Quảng Ninh sẽ sớm trở về với nhịp sống sôi động, trù phú vốn có.

Nguyễn Minh Ngọc

Sinh viên Khoa Thanh Nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

img_3799.jpg
Hạ Long thần tốc dọn dẹp, sẵn sàng đón khách du lịch thập phương. Ảnh: Ngọc Trâm

Đoàn kết vượt khó

Sự xanh, sạch và ngăn nắp của Thành phố không phải do thiên nhiên tự hồi phục, mà là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của người dân và chính quyền địa phương. Du khách đến đây không chỉ tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên mà còn cảm nhận được lòng quyết tâm và tinh thần đoàn kết của người dân trong việc tái thiết lại môi trường sau bão.

546360858f54290a7045.jpg
Khu vực Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu đã sạch rác đón du khách. Ảnh: Hoàng Phong

Với bà Amelia Bennett - du khách người Anh lần đầu đến Hạ Long nhưng rất ấn tượng khi chứng kiến những người dân cùng chính quyền, từ cán bộ đến tình nguyện viên, cùng nhau lao ra đường dọn dẹp “bãi chiến trường” đầy rác thải và cây gãy đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao cả của mỗi cá nhân trong cộng đồng.

img_3833.jpg
Bà Amelia Bennett - du khách người Anh lần đầu đến Hạ Long nhưng rất ấn tượng với tinh thần đoàn kết của chính quyền và người dân nơi đây. Ảnh: Việt Hùng

“Tôi có tìm hiểu và thấy những hình ảnh trên facebook. Trong tình huống khẩn cấp, không ai quản ngại khó khăn, tất cả cùng nhau thu gom rác thải, làm sạch bờ biển và khôi phục lại vẻ đẹp tự nhiên vốn có của Hạ Long. Những hành động nhỏ bé nhưng ý nghĩa ấy đã mang lại cảm giác yên tâm và thoải mái cho những du khách như chúng tôi” - đồng thời bà Amelia cũng khẳng định rằng Hạ Long là một điểm đến du lịch hấp dẫn, là nơi mà bà cảm nhận được lòng yêu quê hương và sự đoàn kết của con người được thể hiện rõ nét.

Ban Quản lý vịnh Hạ Long mong muốn các địa phương như Hạ Long, TP. Cẩm Phả, Thị xã Quảng Yên, Vân Đồn tiếp tục tăng cường các hoạt động thu gom rác thải, phao xốp, bè nuôi trồng thủy sản đặc biệt tại các khu vực ven bờ biển, mặt nước, chân núi thuộc địa bàn địa phương quản lý, không để phát tán rác thải ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường Di sản vịnh Hạ Long.

Kể về sự nỗ lực không ngừng của thành phố sau bão, cán bộ Ban Quản lý Vịnh Hạ Long vừa dẫn chúng tôi qua những con phố, những bến cảng vẫn còn vương lại dấu vết của thiên tai, vừa cười đầy quyết tâm: "Chúng tôi đã làm việc không kể ngày đêm, chỉ mong Hạ Long sớm trở lại xanh, sạch, đẹp như trước".

Đôi mắt nhìn xa xăm về phía vịnh, nơi những chiếc thuyền đang lướt nhẹ trên mặt nước chờ đón những đoàn khách ghé thăm, chị chia sẻ: Bão đi qua, để lại cả một bãi chiến trường chưa từng thấy. Nhưng từ các tuyến đường chính đến những ngõ ngách nhỏ, chúng tôi - từ lãnh đạo thành phố đến từng người dân, các lực lượng vũ trang, các đơn vị đều sẵn sàng lao ra đường. Ai cũng dốc hết sức mình, chẳng ai ngại gian khổ. “Thậm chí, bạn bè phương xa ghé qua thăm, trước cảnh “di sản gặp nạn” sau bão, họ sẵn sàng lội xuống ngâm mình trong nước. Dù bẩn, dù mệt mỏi, họ vẫn sẵn sàng "đạp rác", cùng với các lực lượng nhẫn nại vớt rác hàng giờ liền, mang rác vào bờ để xử lý với hy vọng giúp vịnh Hạ Long sớm trở lại dáng vẻ vốn có” - chị cảm thán.

fdb2c82ba5ed03b35afc.jpg

Chỉ tính riêng từ ngày 14/9 đến ngày 23/9/2024, Hạ Long đã huy động 1.127 lượt nhân lực, 301 lượt phương tiện tổ chức liên tục vớt rác phao xốp, bè tre trôi nổi trên vịnh Hạ Long, đồng thời tổ chức nhặt rác phao xốp, bè mảng trôi dạt vào các chân đảo, bãi cát trên vịnh Hạ Long. Trong cao điểm 3 ngày làm sạch vịnh Hạ Long từ 14/9 - 17/9/2024, mỗi ngày huy động từ 150 - 200 nhân lực, từ 30 - 50 phương tiện là xuồng máy, đò của các lực lượng tham gia.

Chiến dịch cao điểm phục hồi thành phố kéo dài suốt 7 ngày đêm được khởi động dưới sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Ninh. Hạ Long, nhận được sự chung tay của không chỉ người dân mà còn cả các bộ, ngành và địa phương khắp nơi, như một đại gia đình cùng hướng về thành phố, cùng nhau vực dậy sau bão.

Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã huy động tất cả, từ nhân lực đến phương tiện, phối hợp cùng Bộ đội biên phòng, lực lượng quân sự, công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho đến các doanh nghiệp, tổ chức du lịch và tình nguyện viên. Trên khắp các tuyến đảo, bãi biển, hình ảnh hàng trăm con người miệt mài vớt rác, những chiếc thuyền lặng lẽ di chuyển, thu gom từng mảnh phao xốp, bè tre…, những thứ từng trôi nổi vô định đã được thu gom, dần trả lại sự thanh bình cho vịnh.

img_0125.jpg
Những chiếc thuyền lặng lẽ di chuyển, thu gom từng mảnh phao xốp, bè tre… trôi nổi trên vịnh. Ảnh: Tùng Quân

Không chỉ có công tác dọn dẹp, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long còn đẩy mạnh giám sát môi trường hàng ngày. Như những "người bảo vệ thầm lặng", họ không ngừng dõi theo từng nhánh sông, bãi cát, khu rừng ngập mặn, kịp thời phát hiện và xử lý những điểm rác thải trôi dạt.

Đó là sự tận tâm, là trách nhiệm của những con người sống và làm việc ở Hạ Long với thiên nhiên, với miền di sản và Hạ Long đã sẵn sàng đón chào du khách trở lại.

img_3794.jpg
Vịnh Hạ Long ngày 24/9/2024. Ảnh: Ngọc Trâm

Sau đợt cao điểm ra quân, các điểm tham quan du lịch trên vịnh Hạ Long đã được vệ sinh, dọn dẹp đảm bảo đón khách du lịch. Lượng lớn rác thải trổi nổi tại các vùng nước, chân đảo tại các tuyến, điểm tham quan đã được thu gom, xử lý. Từ ngày 14/9/2024 đến 23/9/2024 đã thu gom được 643m3 rác thải (chủ yếu là tre, phao xốp) và 94 bè nuôi trồng thủy sản.

Nhìn từng đoàn khách du lịch đến với vịnh sau bão, người cán bộ Ban Quản lý mỉm cười, giọng chị như hòa cùng tiếng sóng: "Thiên nhiên có thể tàn phá, nhưng con người sẽ mãi mãi chiến thắng. Hạ Long sẽ xanh lại, sẽ đẹp lại như một bản tình ca không bao giờ tắt".

Mỗi hành động nhỏ như việc làm sạch bờ biển, thu gom rác thải sau bão đã góp phần giữ gìn và bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên vốn có của Hạ Long, đem lại cho du khách cảm giác yên tâm và thoải mái khi đến đây.

Ông Vũ Kiên Cường - Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long trả lời phỏng vấn PV Báo TN&MT sáng 24/9. Video: Việt Hùng

Hạ Long sau bão là minh chứng rõ nét cho sức sống mãnh liệt của thiên nhiên và con người nơi đây. Du khách từ khắp nơi trên thế giới, dù là du khách nước ngoài như ông Yan Zhiyong, bà Amelia Bennett hay người Việt như bạn Minh Ngọc, anh Vương Đắc Cảnh đều cảm nhận được sự đặc biệt mà Hạ Long mang lại. Họ hứa hẹn sẽ quay trở lại để tiếp tục hành trình khám phá vẻ đẹp và sức sống của thành phố này.

Như một bức tranh vừa được lau sạch lớp bụi mờ, Hạ Long lại xanh, lại rực rỡ, Miền di sản tiếp tục đón chào lữ khách muôn phương...

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trở lại Hạ Long sau Bão số 3: Du khách ngạc nhiên và thán phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO