Giải pháp hữu hiệu để đạt cam kết giảm phát thải
Tại Hội nghị các bên lần thứ 21 của Công ước khung Liên Hợp Quốc về BĐKH, gần 200 quốc gia đã thông qua Thỏa thuận Paris về BĐKH. Thỏa thuận này có tính lịch sử, ràng buộc về pháp lý đối với tất cả các quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.
Theo đó, kể từ năm 2021 tất cả các Bên tham gia đều phải thực hiện các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính đã cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và định định kỳ cập nhật 5 năm/lần. Ngày 11/9/2020, Việt Nam đã đệ trình UNFCCC bản NDC cập nhật với mục tiêu giảm 9% lượng phát thải khí nhà kính (83,9 triệu tấn CO2tđ vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU) bằng nguồn lực trong nước và mức giảm sẽ tăng lên 27% nếu có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
Lồng ghép ứng phó với BĐKH trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu bắt buộc hiện nay |
Mới đây nhất, tại Hội nghị COP 26, các nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Việt Nam đã cùng cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để đạt được những cam kết này, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, có việc lồng ghép ứng phó với BĐKH trong chính sách phát triển vĩ mô như chiến lược, quy hoạch và kế hoạch, cũng như các chương trình, dự án cụ thể.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lồng ghép nội dung thích ứng và giảm nhẹ BĐKH sẽ mang lại những lợi ích về kinh tế - xã hội và môi trường. Việc lồng ghép này thể hiện ở việc phân tích, đánh giá mối tương tác giữa các yếu tố khí hậu thay đổi theo thời gian, không gian như mưa, nhiệt độ, giông, bão, nước biển dâng... với yếu tố địa hình, cấu tạo địa chất, sử dụng đất, chế độ thủy văn trong lập quy hoạch, kế hoạch, dự án…
Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã lần đầu tiên luật hóa quy định lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch.
Hiện nay, hầu hết các bBộ, ngành, địa phương đều đã đưa ra kế hoạch lồng ghép nội dung ứng phó BĐKH trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội
Hài hòa lợi ích trong lồng ghép
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đối tượng phải lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH cũng chính là những đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược như: Quy hoạch tổng thể quốc gia; Quy hoạch không gian biển quốc gia; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch tỉnh; quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có tác động lớn đến môi trường thuộc danh mục do chính phủ quy định.
Nội dung lồng ghép vào chiến lược, quy hoạch gồm: Kịch bản biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu được sử dụng trong xác định mục tiêu dài hạn của chiến lược, quy hoạch; các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu được lồng ghép vào các nội dung của chiến lược, quy hoạch; kết quả phân tích, đánh giá giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu được sử dụng trong việc xác định các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của chiến lược, quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Sỹ Linh, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH chiến lược, quy hoạch là vấn đề mới đối với Việt Nam. Vì vậy, đây vừa là cơ hội cũng là thách thức để đảm bảo mục tiêu ứng phó với BĐKH và phát triển kinh tế. Để làm tốt việc này, chúng ta cần xây dựng cơ sở thông tin về BĐKH chi tiết, cụ thể, hệ thống hơn.
Đồng thời, tiếp tục nâng nhận thức và năng lực cho các cấp, đặc biệt là các bên tham gia quá trình lồng ghép; thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan và thiết lập cơ chế điều phối hoạt động lồng ghép; hài hòa lợi ích trước mắt và lâu dài khi thực hiện lồng ghép; tổ chức giám sát, đánh giá và điều chỉnh nội dung lồng ghép theo chu kỳ cập nhật NDC.