(TN&MT) - Cách đây 80 năm (1938), ni lông - phát minh làm thay đổi thế giới. Bên cạnh những thành tựu mang lại cho nhân loại, một số sản phẩm từ ni lông lại trở thành gánh nặng cho môi trường sống. Túi ni lông là một ví dụ.
Bởi thế, Ngày Môi trường thế giới 5/6/2018 đã lựa chọn Chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và ni lông” kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen cuộc sống hàng ngày để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa nói chung và túi ni lông nói riêng tới môi trường tự nhiên và sức khỏe của con người.
Nhiều quốc gia tìm cách loại bỏ
Sự ra đời của túi nilon đã mang lại nhiều tiện lợi, nhất là trong việc bao gói hàng hóa, song đến thời điểm này, túi nilon là một vấn nạn môi trường và nhiềuquốc gia đang tìm mọi cách để loại bỏ.
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, mỗi năm, chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh Trái đất 4 lần, có khoảng 500 tỷ túi nhựa được tiêu thụ trên thế giới song phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp. Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương nơi mà nó sẽ tồn tại trong nhiều thế kỷ.
Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa: chai nhựa, túi ni lông, hộp đựng đồ ăn, cốc,… cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Ở môi trường tự nhiên một túi ni lông phải mất 200 - 500 năm mới phân hủy gây nên hiện tượng ô nhiễm nặng nề và trở thành một vấn nạn bức xúc đối với xã hội.
Chính vì lẽ đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những giải pháp mạnh để giải quyết vấn đề này. Trong đó, ban hành lệnh cấm sản xuất túi ni lông khó phân hủy, đánh thuế nặng đối với các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông hoặc yêu cầu người tiêu dùng phải trả tiền mua túi ni lông khi mua hàng để khuyến khích người dân tái sử dụng túi ni lông hoặc sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.
Kenya là một điển hình. Quốc gia Kenya tẩy chay túi nilon đến mức đưa ra một đạo luật được đánh giá là "nặng nhất thế giới": Cấm sử dụng và bất kỳ ai vi phạm sẽ phải ngồi 4 năm tù, hoặc đóng $40.000 tiền tại ngoại - tương đương gần 900 triệu đồng. Đạo luật này mới được công bố vào ngày 28/8/2017. Kenya đã gia nhập nhóm các quốc gia có luật cấm dùng túi nhựa tại châu Phi, gồm Cameroon, Guinea-Bissau, Mali, Tanzania, Uganda, Ethiopia, Malawi và Mauritania.
Trên thực tế, có khoảng 40 quốc gia trên thế giới có luật cấm sử dụng túi nhựa. Chỉ có điều, lệnh cấm của Kenya ở một đẳng cấp hoàn toàn khác, trong khi các nước khác vốn chỉ dừng ở mức răn đe và khuyên nhủ.
Việt Nam từng bước loại bỏ túi ni lông
Ở Việt Nam trong những năm gần đây, các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương và địa phương, các cộng đồng cũng đã quan tâm tới vấn đề chất thải túi ni lông với nhiều sáng kiến được đưa ra áp dụng như các chiến dịch truyền thông “Nói không với túi nilông”, “Ngày không túi nilông”... Tuy vậy, cần nhìn nhận thực tế, các hoạt động này mới dừng lại ở việc “thí điểm”, hết mỗi đợt phát động, người tiêu dùng lại quay về với túi ni lông thông thường.
Trong khi đó, một số siêu thị lớn đã đưa vào sử dụng túi thân thiện với môi trường như: Big C, Metro… Tuy vậy, các loại túi này khách hàng đều phải mua để đựng đồ thay vì được phát miễn phí như túi ni lông nên lượng tiêu thụ khá thấp. Bên cạnh đó, người tiêu dùng đã có thói quen không mang túi khi đi siêu thị, đi chợ mua sắm nên túi này sau khi mua về không được tái sử dụng, rất lãng phí.
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại; giảm 50% khối lượng túi ni lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi ni lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt…
Một trong các nhiệm vụ quan trọng của Đề án là tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp về tác hại của chất thải túi ni lông khó phân hủy đối với môi trường và khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường đối với từng hộ gia đình, ở các khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Cùng với đó, để từng bước hạn chế sử dụng các loại túi ni lông khó phân hủy, tiếp tục tăng tỷ lệ sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường ở các chợ dân sinh và các hoạt động đô thị khác, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính và một số Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai các giải pháp định hướng hoạt động sản xuất và tiêu thụ túi ni lông thân thiện với môi trường trong nước.
Cụ thể, hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích sản xuất túi thân thiện với môi trường, xây dựng chính sách hạn chế sản xuất và sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, tạo lập thị trường tiêu dùng cho các sản phẩm túi thân thiện với môi trường; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tái chế chất thải túi ni lông khó phân hủy thành các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường; sản xuất các loại túi có khả năng tự phân hủy sinh học; tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng đối với tác hại của túi ni lông khó phân hủy và khuyến khích tái sử dụng, sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường.