Phát triển sản phẩm thủ công thân thiện với môi trường
(TN&MT) - Nhiều doanh nhân ở Thanh Hóa mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, đầu tư đưa ra thị trường các sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái tạo được, phù hợp với thị hiếu chung của thị trường thế giới.
Bà Nguyễn Thị Hường ở thôn Thái Sơn, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống là Giám đốc một hợp tác xã (HTX) tiểu thủ công nghiệp, với những sản phẩm truyền thống thân thiện với môi trường và người tiêu dùng. Cơ sở sản xuất của người phụ nữ 62 tuổi này đang tạo việc làm cho hơn 800 lao động với mức thu nhập bình quân 2 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Thời điểm những năm 2000, bà Hường cùng một số chị em phụ nữ trong xã đi học nghề đan lát ở xã Thăng Thọ (huyện Nông Cống). Sau thời gian học, nhóm của bà trở thành một tổ đan, chuyên đan giỏ giữ ấm tích nước bằng cói.
Năm 2002, vợ chồng bà Hường làm đơn vay vốn ngân hàng để chăn nuôi. Khi được ngân hàng giải ngân 10 triệu đồng, bà Hường không vội đưa cho chồng mà cùng con trai thuê xe ra huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (cũ) tìm bạn hàng.
"Tôi mang theo sản phẩm đan lát của tổ rồi nói với chồng là đi Hà Tây có việc. 5 ngày ròng, 2 mẹ con đi khắp huyện Chương Mỹ để tìm kiếm bạn hàng. Lúc tiêu gần hết số tiền 10 triệu đồng, may mắn đã mỉm cười khi 2 chủ hàng đồng ý nhập hàng", bà chủ HTX nhớ lại.
Có nơi nhận hàng, bà Hường mua nguyên vật liệu, huy động nhân lực trong tổ đan để đan túi xách, cơi trầu, bộ ba bát.
Từ số tiền 10 triệu đồng vay của ngân hàng để nuôi lợn, bà Hường đã có pha "quay xe" thành công khi chuyển sang làm đồ thủ công truyền thống.
Từ 3 dòng sản phẩm ban đầu là túi xách, cơi trầu, bộ ba bát, đến nay, cơ sở của bà Hường đã sản xuất hơn 10 dòng sản phẩm. Các sản phẩm được làm từ các nguyên liệu như cói, cây song, mây, nhựa... Đều là các nguyên liệu từ tự nhiên có sẵn tại quê hương Thanh Hóa. Các sản phẩm được sản xuất ra đều không sử dụng phẩm màu, hóa chất. Sau quá trình sử dụng, có thể tự phân hủy nhanh, đặc biệt thân thiện với môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng.
Đến năm 2019, bà Hường thành lập HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Phúc, mỗi năm xuất hàng triệu sản phẩm đến các nước Nga, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc,... doanh thu hàng chục tỷ đồng. Năm 2023, HTX thu gần 40 tỷ đồng.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho lĩnh vực sản xuất đồ gia dụng, đồ trang trí, cơ sở của bà Hường không chỉ nhận gia công hàng theo mẫu của đối tác, mà còn sáng tạo thêm các mẫu mã mới theo thị hiếu thị trường, tham gia hội chợ để quảng bá các mặt hàng. Đồng thời tham gia trưng bày sản phẩm ở các triển lãm về các sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc về phòng chống rác thải nhựa.
Chủ tịch UBND xã Tân Phúc Nguyễn Văn Xuân cho biết, HTX tiểu thủ công nghiệp Tân Phúc là cơ sở sản xuất đồ tiểu thủ công nghiệp lớn nhất của xã, hoạt động rất sôi nổi. Đặc biệt, sản phẩm túi xách của HTX đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 (chương trình mỗi xã một sản phẩm) năm 2023. Địa phương đang định hướng cho chủ cơ sở làm hồ sơ, nâng sao cho sản phẩm.
"Các sản phẩm của HTX đều có nguyên liệu từ tự nhiên, sẵn có tại địa phương. Đây là những sản phẩm có tính ứng dụng cao, gần gũi với môi trường, dễ dàng phân hủy. Trước thực trạng, môi trường ngày càng ô nhiễm, người dân vẫn quen sử dụng nhựa một lần và túi ni lông thì những sản phẩm thân thiện với môi trường như của HTX là một xu thế tất yếu và rất triển vọng trong tương lai gần" - ông Xuân chia sẻ.
Giống như bà Hường, chành thanh niên Trịnh Đình Toàn tại xã Thăng Thọ, huyện Nông Cống cũng khởi nghiệp với slogan "Lan tỏa nếp sống xanh", mong muốn đưa những sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu địa phương, thân thiện với môi trường tới người tiêu dùng.
Nhen nhóm ý tưởng sản xuất những sản phẩm từ nguồn nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, anh Toàn nghĩ tới các sản phẩm làm từ tre luồng, vì đây là nguồn nguyên liệu sẵn có ở xứ Thanh nơi anh sinh ra. Theo anh Toàn, những năm 2015 - 2016, nói tới ống hút tre và sản phẩm như cốc uống nước, hộp bút, đồng hồ... làm từ tre, người dân vẫn còn lạ lẫm và chưa tin dùng bởi tư tưởng sử dụng nhựa dùng một lần giá thành rẻ, tiện lợi. Nên ban đầu, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm gặp vô vàn khó khăn.
Sau 6 năm về quê khởi nghiệp, hiện tại, HTX tre Thăng Thọ do anh Trịnh Đình Toàn làm Giám đốc đã sản xuất các sản phẩm rất đa dạng như: bình giữ nhiệt, hộp trà, hộp đựng thuốc lào, đồng hồ, bút, khay đựng bánh kẹo... Trong đó, ống hút tre đã đạt chất lượng OCOP 3 sao vào năm 2022, đây là sản phẩm thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng nhiều lần.
Anh Toàn chia sẻ: Ống hút tre là sản phẩm thân thiện với môi trường, chỉ mất từ 3 - 6 tháng là đã phân hủy hoàn toàn. Trong khi đó, ống hút nhựa phải mất tới 200 năm để có thể phân hủy, ngoài ra, khi sử dụng có nhiều tác hại tới sức khỏe. Vì vậy, các sản phẩm của HTX tre Thăng Thọ đều hướng tới tính thân thiện với môi trường, an toàn với sức khỏe của người tiêu dùng, tái sử dụng được nhiều lần nên rất tiết kiệm.
Trong thực tế, ô nhiễm rác thải nhựa, túi ni lông ở nước ta hiện đang ở mức nghiêm trọng, đang tăng dần theo từng năm, và là một trong những "gánh nặng" cho môi trường; tác động trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân. Hạn chế, giảm thiểu và tái chế chất thải từ nhựa, túi ni lông trở thành yêu cầu cấp bách, phải bắt đầu từ việc giảm dần tiêu thụ các sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, đẩy mạnh thu gom, tái chế các sản phẩm nhựa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa.
Vì thế, những sản phẩm của HTX Bà Hường hay anh Toàn có nguồn gốc từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng sẽ chiếm lĩnh thị trường, tạo được bứt phá trong phát triển sản xuất. Đây cũng là xu thế chung, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thị trường.