Môi trường

4 khuyến nghị cho thoả thuận toàn cầu về nhựa

Minh Hạnh (Tổng hợp từ báo cáo WWF) 03/12/2024 - 17:08

Trong khi phiên cuối cùng của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về xây dựng một Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa (INC-5) diễn ra, ô nhiễm nhựa tiếp tục tàn phá hành tinh, hủy hoại các hệ sinh thái, làm suy giảm quần thể động vật hoang dã, gia tăng biến đổi khí hậu.

Việc đạt được một Hiệp ước toàn cầu về rác thải nhựa sẽ mang lại một công cụ mới để thế giới giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa hiện nay. Tuy đã trải qua 4 vòng đàm phán và đang trong vòng đàm phán cuối cùng, các quốc gia vãn còn nhiều điểm khác biệt.

Để hướng tới Hiệp ước cần thiết nhằm bảo vệ con người và thiên nhiên, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF) đã chỉ ra 4 thành tố thiết yếu , là điểm khởi đầu, mà các quốc gia cần đạt được tại INC-5.

screenshot-2024-12-03-at-16.05.52.png
Vòng đàm phán INC-5 về một hiệp ước toàn cầu đối với ô nhiễm nhựa đang diễn ra tại Busan (Hàn Quốc).

Cấm và loại bỏ nhựa có hại, hía chất liên quan trên phạm vi toàn cầu

Ở giai đoạn đầu, WWF lưu ý Hiệp ước toàn cầu về nhựa cần bao gồm lệnh cấm và loại bỏ có tính ràng buộc đối với các hóa chất và sản phẩm nhựa đáng lo ngại hoặc có khả năng thay thế. Tại INC-5, các quốc gia cần đồng ý với các tiêu chí toàn cầu dựa trên bằng chứng khoa học và danh sách ban đầu các sản phẩm nhựa và hóa chất có hại có thể bị cấm ngay lập tức và loại bỏ dần. Các sản phẩm nhựa được thiết kế sử dụng một lần (nhựa dùng một lần) chiếm khoảng 60% sản lượng nhựa toàn cầu và 70% chất thải đại dương2 ; đa số những sản phẩm này có thể gây hại cho sức khỏa con người và/hoặc khó tái chế, vì vậy cần có giải pháp khẩn cấp. Các tiêu chí chính cần có trong các lệnh cấm và loại bỏ gồm 2 nhóm.

Một là các sản phẩm nhựa có nguy cơ cao xâm nhập vào môi trường, không phù hợp trong nền kinh tế tuần hoàn không độc hại hoặc có thể gây ra ô nhiễm nghiêm trọng, đồng thời khả thi khi áp dụng các lệnh cấm và loại bỏ.

Hai là các hóa chất trong sản phẩm nhựa có nguy cơ gây hại cho sinh vật sống - chất gây ung thư, chất gây đột biến hoặc ngộ độc sinh sản (CRM), chất gây rối loạn nội tiết hoặc gây độc tính (bao gồm: khả năng tồn lưu, tích lũy sinh học và tính di động của chất, cùng các tiêu chí khác). WWF khuyến nghị Hiệp ước cân nhắc danh sách ban đầu gồm 5 nhóm sản phẩm nhựa và 5 nhóm hóa chất sẽ bị loại bỏ, như được đề cập trong nhiều tài liệu đề xuất từ các quốc gia.

Hiệp ước cũng cần đưa ra các mốc thời gian và mục tiêu loại bỏ dần cụ thể, cũng như các yêu cầu về tính minh bạch và công bố thông tin, để đảm bảo việc loại bỏ hoàn toàn các hóa chất và sản phẩm nhựa có hại này trong chuỗi giá trị nhựa (đồng thời cho phép các miễn trừ cụ thể và có thể gia hạn mốc thời gian cần thiết trong những trường hợp đặc biệt đối với một số quốc gia). Các nhóm sản phẩm và hóa chất khác nằm trong các tiêu chí cần loại bỏ sẽ tiếp tục được theo dõi và đánh giá để bổ sung vào danh sách cấm và loại bỏ dần trong tương lai nếu cần thiết.

Thiết kế sản phẩm mang tính toàn cầu

Vấn đề thứ hai, hiệp ước phải thiết lập các yêu cầu mang tính ràng buộc và toàn cầu về thiết kế và hiệu suất sản phẩm để đảm bảo giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế an toàn đối với các loại nhựa còn lại. Việc thiết lập các tiêu chí này phải song hành với việc tập trung chuyên sâu vào việc thiết lập các hệ thống cần thiết để xúc tiến việc thu gom, tái sử dụng và tái chế. Bước đầu, các biện pháp này nên hướng tới sản phẩm được tiêu thụ với khối lượng lớn, có khả năng gây ô nhiễm và gây ra nhiều tác hại hơn do thiết kế của của các sản phẩm này, chẳng hạn như chai đựng đồ uống và hộp đựng thực phẩm.

Các yêu cầu ban đầu nên tập trung vào khả năng tái sử dụng và tái chế của các sản phẩm nhựa ưu tiên, nhựa tái sinh, và việc thiết lập các hệ thống thiết yếu để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Việc thiết lập các tiêu chí toàn cầu hài hòa cho thiết kế sản phẩm sẽ cung cấp cho khu vực tư nhân các hướng dẫn rõ ràng và nhất quán, tạo ra một sân chơi bình đẳng và đảm bảo quy định để hài hòa với các chiến lược đổi mới và kế hoạch đầu tư của họ. Tiêu chí về khả năng tái sử dụng sản phẩm và các hệ thống tái sử dụng sẽ tối ưu hóa hiệu quả vật liệu và thay thế đáng kể các sản phẩm dùng một lần, giúp việc tránh (và loại bỏ dần) nhựa dùng một lần và giảm tỷ lệ ô nhiễm trở nên khả thi hơn. Ngay từ đầu, các nghĩa vụ về thiết kế sản phẩm phải đặt nền tảng cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn không độc hại.

Để đảm bảo quá trình chuyển đổi hiệu quả, các yêu cầu và hướng dẫn kỹ thuật bổ sung cho các hệ thống cần thiết - chẳng hạn như hệ thống tái sử dụng và các chương trình trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) - và các thay đổi mang tính hệ thống sẽ cần thiết sau khi Hiệp ước được thông qua, dựa trên các nghĩa vụ ban đầu. Là một phần trong những cải thiện trong tương lai, ngoài các tiêu chí chung cho tất cả các loại nhựa, các nước thành viên nên xây dựng và thông qua các tiêu chí được điều chỉnh phù hợp và cụ thể theo từng ngành cho các ngành ưu tiên góp phần gây ô nhiễm nhựa như: bao bì, nghề cá và nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp, dệt may và vận tải.

Đảm bảo nguồn lực tài chính

Hiệp ước phải bao gồm một gói tài chính toàn diện tận dụng mọi nguồn lực hiện có và phù hợp với các dòng tài chính, bao gồm cả tài chính công và tư, phù hợp với các mục tiêu của và việc thực hiện các biện pháp của Hiệp ước. Gói tài chính này sẽ đảm bảo hỗ trợ tài chính đầy đủ, công bằng, có thể dự tính và dễ tiếp cận để cho phép tất cả các quốc gia thành viên thực hiện hiệu quả Hiệp ước. Nguồn tài chính cần thiết để hỗ trợ thực hiện Hiệp ước là lớn, nhưng chi phí để khắc phục hậu quả nếu không hành động gì (tức là tiếp tục kinh doanh như thường lệ) còn lớn hơn nhiều, đặc biệt là đối với các quốc gia có thu nhập thấp. Để đạt được mục tiêu của Hiệp ước về chấm dứt ô nhiễm nhựa, các hoạt động công và tư cũng như dòng tài chính phải phù hợp với các nghĩa vụ cốt lõi của Hiệp ước. Điều này không chỉ là huy động và phân phối nguồn tài chính bổ sung – đặc biệt để triển khai ở các nước có thu nhập thấp – nhằm giảm ô nhiễm nhựa, mà còn ngăn chặn các dòng tài chính có hại góp phần gây ra ô nhiễm nhựa. Để bổ sung cho gói tài chính, Hiệp ước phải đảm bảo cung cấp các nguồn lực phi tài chính để xúc tiến thực hiện một cách hiệu quả, đặc biệt là thông qua chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực. Chia sẻ các thực hành tốt nhất, cung cấp các chương trình đào tạo và thúc đẩy hợp tác quốc tế sẽ tối đa hóa tác động của mọi hỗ trợ tài chính, đồng thời tăng cường năng lực kỹ thuật và công nghệ của tất cả các quốc gia để cùng nhau chống lại ô nhiễm nhựa.

Đảm bảo cơ chế ra quyết định

Hiệp ước phải bao gồm các cơ chế cho phép tăng cường các biện pháp kiểm soát và các biện pháp thực hiện ngoài việc phải thích ứng thực hiện Hiệp ước.

Các biện pháp ưu tiên được đề xuất hiện nay cung cấp cơ sở vững chắc cho hành động toàn cầu; nhưng để đạt được mục tiêu cuối cùng là chấm dứt ô nhiễm nhựa, các quốc gia phải dần mở rộng và tăng cường nỗ lực theo thời gian, xem xét đến những bằng chứng khoa học mới, đánh giá và giám sát hiệu quả của Thỏa thuận. Chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn không độc hại, phù hợp với giới hạn của trái đất và ưu tiên các hệ thống tái sử dụng và tái chế chất lượng cao sẽ khuyến khích việc giữ lại vật liệu trong nền kinh tế và giảm nhu cầu về các sản phẩm nhựa dùng một lần có thời gian sử dụng ngắn. Để đạt được mục tiêu dài hạn này, chúng ta sẽ cần liên tục phát triển và áp dụng các biện pháp quản lý toàn bộ vòng đời của nhựa.

Để chuẩn bị cho việc tăng cường theo thời gian, ưu tiên hàng đầu của Hiệp ước là phải đưa ra các yêu cầu về thu thập dữ liệu, cơ chế báo cáo minh bạch và đánh giá thường xuyên để theo dõi tiến độ và xác định các lĩnh vực cần cải thiện. Ngoài ra, cần có cơ chế cho phép các chuyên gia đưa ra khuyến nghị kỹ thuật cho cơ quan ra quyết định dựa trên bằng chứng khoa học tin cậy và kiến thức, công nghệ mới. Điều quan trọng là, Hiệp ước phải bao gồm các điều khoản quy định rõ cách thức để các quốc gia thành viên có thể đưa ra quyết định về việc bổ sung hoặc sửa đổi cần thiết đối với Hiệp ước – để tăng cường các quy tắc hiện hành bằng cách mở rộng các phụ lục và để thông qua các quy tắc ràng buộc mới, nếu cần thiết. Hiệp ước cần đưa ra các điều khoản cho phép bỏ phiếu trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
4 khuyến nghị cho thoả thuận toàn cầu về nhựa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO