Huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La là địa phương “nóng” về tình trạng khai thác cát trái phép trên dòng sông Mã từ năm 2009 tới nay. Qua thống kê sơ bộ của huyện, có khoảng gần 70 tàu hút cát từ Sông Mã đưa lên bãi tập kết 2 bên bờ sông Mã để kinh doanh làm vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện và vận chuyển đi tiêu thụ tại thành phố Sơn La, các huyện lân cận. Đối tượng khai thác cát trái phép chủ yếu là các hộ dân sinh sống tại các xã trên địa bàn huyện.
Bà Cầm Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã cho biết: Năm 2019, UBND huyện Sông Mã đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, Công an huyện và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra, xử lý khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn; duy trì hoạt động của 2 Đoàn kiểm tra xử lý vi phạm của huyện. Kết quả, đã kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 19 cá nhân khai thác khoáng sản trái phép tại 5 xã. Chốt chặn 37 xe chở cát không có hóa đơn, chứng từ yêu cầu quay đầu xe.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đại diện chủ đầu tư các dự án khi tiến hành ký hợp đồng giao thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng cát, sỏi phải chứng minh bằng văn bản về nguồn gốc hợp pháp của cát sỏi do nhà thầu cung cấp; chỉ phê duyệt, thanh toán, quyết toán với phần khối lượng cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp.
Khai thác cát trái phép nhỏ lẻ trên sông Mã, huyện sông Mã |
Nhờ đó, tình trạng khai thác, vận chuyển cát trái phép trên địa bàn huyện Sông Mã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy vậy, do nhu cầu cát xây dựng trên địa bàn huyện và các huyện, thành phố trong tỉnh lớn; việc khai thác, kinh doanh cát mang lại nguồn thu nhập đáng kể của một số hộ dân; địa bàn khai thác cát trái phép trải dài dọc sông Mã, các điểm khai thác cát phân tán… nên hoạt động khai thác cát trái phép vẫn diễn ra ở một số nơi trên địa bàn huyện khi không có lực lượng chức năng. Công tác quản lý khai thác cát gặp rất nhiều khó khăn.
Còn tại huyện Mộc Châu, tình trạng khai thác trái phép đá và cát sạn tại Thị trấn Nông trường Mộc Châu gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Để chấn chỉnh hoạt động này, huyện Mộc Châu đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền tại các bản, tiểu khu nơi thường xuyên có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Qua đó, năm 2019, tình hình khai thác trái phép khoáng sản trên địa bàn huyện đã giảm rõ rệt.
Tuy vậy, cái khó của huyện Mộc Châu là mặc dù, trên địa bàn huyện được quy hoạch 10 mỏ cát, sỏi; nhưng mới có 1 mỏ được cấp phép khai thác, 1 mỏ đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục để cấp giấy phép khai thác. Huyện Mộc Châu đang đề nghị Sở TN&MT, UBND tỉnh xem xét đơn giản hóa điều kiện, thủ tục về cấp Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường để rút ngắn thời gian, giảm thiểu các điều kiện để các tổ chức, hộ gia đình khai thác cát, sỏi đang quản lý, sử dụng các khu đất quy hoạch mỏ cát, sỏi được cấp Giấy phép thăm dò khai thác khoáng sản, để giải quyết được tình trạng khai thác trái phép trên địa bàn.
Được biết, hiện, toàn tỉnh Sơn La có 2 Giấy phép thăm dò cát trên sông Đà và sông Mã; 4 Giấy phép khai thác khoáng sản (trong đó, có 2 giấy phép khai thác đá làm nguyên liệu sản xuất cát) còn hiệu lực. Dự kiến, cuối năm 2019, Sở TN&MT tiếp tục tổ chức đấu giá quyền khai thác cát với 17 khu vực trên sông Mã. Đồng thời, Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về cát trên địa bàn dọc sông Mã tại xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã. Tổ chức tuyên truyền, ký cam kết với các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, vận chuyển, lập bến bãi, bãi tập kết cát sỏi tại TP. Sơn La. Qua đó, giảm thiểu các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và nhân dân địa phương nơi có mỏ khoáng sản.
Trong công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm, từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý hơn 70 trường hợp khai thác, mua bán, vận chuyển cát, sỏi trái phép. Song, vẫn còn tình trạng khai thác trái phép nhỏ lẻ cát lòng hồ Sông Đà thuộc địa phận giáp ranh 3 huyện Mai Sơn, Mường La, Bắc Yên; khai thác cát lòng sông Mã, huyện Sông Mã.
Nguyên nhân chủ yếu là do các khu vực này đã được quy hoạch nhưng chưa cấp phép khai thác. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của các cấp, các ngành vẫn chưa được thường xuyên, liên tục. Địa bàn rộng, khu vực khai thác là giáp ranh giữa các địa phương, gây khó cho lực lượng chức năng khi tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm.