Cụ thể, từ tháng 3 - 5/2020, tình trạng khô hạn thiếu nước có khả năng xảy ra tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Nhiều năm rồi, người dân miền Trung và vùng ĐBSCL cứ đứng ngồi không yên, thấp thỏm trước những cơn đại hạn, những đợt triều dâng xâm mặn. Thực tế này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các đô thị ven biển của Việt Nam trong thời gian tới.
Cảnh báo mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa đưa ra cũng cho thấy, tài nguyên nước của Việt Nam về cả số lượng và chất lượng đều đang đối mặt với những đe dọa ngày càng lớn. Nếu không có hành động can thiệp để ngăn chặn các mối đe dọa này, nền kinh tế Việt Nam có thể bị tổn thất khoảng 6% GDP mỗi năm từ năm 2035 so với kịch bản không có các mối đe dọa. Những mối đe dọa này cần được giải quyết để đảm bảo có được nước an toàn và đầy đủ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tình trạng thiếu nước có thể xảy ra tại khu vực Trung Bộ |
Không chỉ thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước bị nhiễm mặn, mà tình trạng nguồn nước mặt bị ô nhiễm do chính hoạt động của con người tạo ra cũng là nguyên nhân lớn khiến tình trạng thiếu nước ở nhiều đô thị ngày càng trở nên trầm trọng. Trong đó, nước thải công nghiệp và đô thị là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước lớn nhất. Chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị có đấu nối vào đường ống thoát nước và chỉ 12,5% nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước (Bộ Xây dựng 2019). Trong 15 năm tới, nước thải đô thị dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất của nước thải (khoảng 60%).
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thiệt hại cao do ô nhiễm nước gây ra. Do các hoạt động kinh tế, không có lưu vực sông nào có nguồn nước mặt đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh của WHO dành cho nước uống. Các đoạn sông chảy qua các thành phố lớn, bị ô nhiễm nặng - gây lãng phí nguồn tài nguyên, rủi ro cho sức khỏe con người và các hệ sinh thái tự nhiên.
Mức độ ô nhiễm cao cũng hạn chế sự phát triển đô thị, sự phát triển bền vững và tương lai của ngành công nghiệp, nông nghiệp. Việt Nam sẽ tiêu tốn khoảng 12,4 - 18,6 triệu đô la mỗi ngày cho chi phí xử lý do ô nhiễm vào năm 2030, nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời. Tại các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Việt Nam, ước tính chi phí này cho năm 2010 là 867 triệu đô la Mỹ.
Từ tình trạng của ĐBSCL và các đô thị ven biển Việt Nam, các dự báo về nguy cơ thiếu nước sinh hoạt đối với các đô thị của Việt Nam sẽ cần phải tính đến trong trung hạn. Bởi lẽ, tình hình cạn kiệt tài nguyên nước trên thế giới hàng năm liên tiếp được đưa ra với những chỉ báo không thể làm chúng ta yên lòng.
Nước vô cùng quan trọng với con người. Con người sống không thể thiếu nước. Bởi thế, bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước đang là vấn đề nóng bỏng của không riêng một quốc gia nào. Nếu không, tình trạng thiếu hụt nước sạch, những căn bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm sẽ càng thêm trầm trọng khi các thành phố lớn ngày càng một phình rộng.