Các đại biểu tham dự Tọa đàm |
Ông Phạm Văn Sơn, Tổng Thư ký Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho biết: Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu để đảm bảo nền kinh tế và đời sống của mỗi người dân, tuy nhiên, nó cũng tồn tại những nguy cơ về sự cố. Sự cố tràn dầu luôn tiềm ẩn xảy ra từ các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, lưu chứa, sử dụng, tái chế sản phẩm dầu mỏ. Theo thống kê của Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, từ năm 1992 đến nay, cả nước đã xảy ra gần 220 sự cố tràn dầu. Đặc biệt, trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch COVID-19 đã liên tục xảy ra 3 sự cố tràn dầu trong vòng 6 ngày từ 3-8/8.
Tại Tọa đàm, các thành viên chủ trì đã trao đổi các vấn đề về những điểm mới của Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021; tình hình triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu tại một số tỉnh, thành phố sau khi Quyết định đã có hiệu lực; những khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai quyết định số 12. Đồng thời, giải đáp một số ý kiến liên quan của các đại biểu trong Tọa đàm.
Theo ông Nguyễn Sơn Định, Trưởng phòng Ứng phó sự cố tràn dầu thuộc Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Quyết định số 12/2021/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành quy chế hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu là văn bản quan trọng, giúp cho công tác bảo vệ môi trường nói chung và phòng ngừa, ứng phó sự cố tràn dầu nói riêng được triển khai hiệu quả. Trong đó, Quyết định đã quy định cụ thể, chi tiết trách nhiệm, nhiệm vụ của các cơ quan, ban, ngành trong hoạt động ứng phó và xử lý sự cố tràn dầu. So với quy chế cũ tại Quyết định số 02/2013/QĐ-TTg, nội dung của Quyết định 12 có điểm bổ sung mới như quy định về thời gian thẩm định, phê duyệt kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu ở từng cấp.
Xử lý sự cố tràn dầu tại Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng). Nguồn: Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường Việt Nam |
Đánh giá về tình hình triển khai kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu ở các địa phương, ông Lê Đại Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam - Bộ TN&MT) cho rằng, đa số các địa phương đã chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu phù hợp với thực tiễn từng địa phương và đạt được những kết quả nhất định. Điển hình như tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu cấp tỉnh và tăng cường kiểm tra thực hiện kế hoạch ứng phó của các cơ sở, các dự án trên địa bàn. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã phê duyệt Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của hơn 122 cơ sở trên địa bàn theo thẩm quyền.
Tại Tọa đàm, đa số các đại biểu đều cho rằng, dại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong các hoạt động ứng phó sự cố môi trường, điển hình như khi xảy ra sự cố tràn dầu, một số doanh nghiệp không ứng cứu được do không có trang thiết bị tại chỗ và không huy động được nguồn lực bên ngoài do áp dụng giãn cách gây ảnh hưởng tới môi trường và kinh tế - xã hội.
Theo Nghị định 30/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quy định tổ chức hoạt động ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thì sự cố tràn dầu cần thiết phải có các biện pháp kịp thời, thích hợp ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất. Do vậy, các địa phương, có thể căn cứ tình hình cụ thể để vừa thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời, ứng phó tốt với các tình huống tràn dầu xảy ra, linh hoạt các biện pháp, phối hợp với các cơ quan liên quan để thông luồng cho các hoạt động phục vụ cho công tác xử lý, ứng phó sự cố tràn dầu.