Liên kết vùng để Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh

Q.Minh| 01/09/2020 19:12

(TN&MT) - Thời gian qua, các cấp, các ngành và địa phương đã có nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tạo động lực để đưa vùng đất miền Tây Nam Bộ lên tầm cao mới trong khát vọng và đột phá về phát triển bền vững. 

Vùng đất giàu tiềm năng

Cùng với Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, tiểu vùng ven biển phía Đông, gồm các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long được xác định là 1 trong 4 tiểu vùng tạo động lực liên kết phát triển vùng ĐBSCL và gắn kết chặt chẽ với vùng TP.HCM.

Tiểu vùng ven biển phía Đông đang có sự phát triển khá tốt, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 4 tỉnh trong tiểu vùng chiếm 26,8% tổng GRDP toàn vùng ĐBSCL. Điểm nổi bật là diện tích cây ăn quả của tiểu vùng là 157.000 ha, chiếm trên 50% diện tích cây ăn quả vùng ĐBSCL. Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre là khu vực sản xuất - kinh doanh trái cây lớn nhất toàn vùng.

Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế của các địa phương không đồng đều. Tiền Giang có tổng GRDP lớn nhất, tiếp theo là Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh. Tốc độ tăng trưởng GRDP của các địa phương có sự khác biệt lớn, cơ cấu kinh tế cũng thể hiện khác biệt giữa các địa phương mà 3 trong 4 tỉnh là Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh vẫn còn nặng nông nghiệp.

Đối với tiểu vùng ven biển phía Đông, tỉnh Bến Tre là tỉnh phát triển khá, đặc biệt, từ sau khi các tuyến giao thông liên vùng được kết nối với cầu Rạch Miễu, Hàm Luông, Cổ Chiên được thông xe. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bến Tre trong 10 năm qua đạt nhiều thành tựu. Tỉnh có nhiều mô hình hay trong xây dựng giao thông, văn hóa cơ sở, khởi nghiệp sáng tạo tạo ra nhiều điểm sáng.

Ảnh minh họa

Riêng đối với tỉnh Long An, là một tỉnh ở vùng ĐBSCL, thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ, nơi kết nối giữa TP.HCM với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, có các cửa khẩu sang Campuchia, tỉnh Long An hội tụ đầy đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện.

Những năm qua, tỉnh Long An đã đạt được nhiều kết quả rất đáng trân trọng. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch rõ nét. Ba lĩnh vực tái cơ cấu chính là: Nông nghiệp, các khu, cụm công nghiệp và đầu tư công đều đạt kết quả tích cực. Long An đã chủ động mở rộng các quan hệ hợp tác, liên kết, đầu tư trong nước và quốc tế; chú trọng quan hệ đối ngoại với các tỉnh giáp biên của nước bạn Campuchia.

Trong khi đó, TP. Cần Thơ có nhiều lợi thế để có thể là cực tăng trưởng kinh tế của vùng. Các lợi thế đó bao gồm về mặt địa lý, TP. Cần Thơ là thủ phủ của vùng ĐBSCL và là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của vùng; có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh, là đầu mối giao thông kết nối với toàn khu vực; nơi đây cũng là trung tâm đào tạo về nguồn nhân lực cho cả vùng ĐBSCL.

Với nhiều lợi thế hiện nay, TP. Cần Thơ hoàn toàn có thể vươn lên trở thành trung tâm kinh tế thực sự của vùng ĐBSCL trong giai đoạn tới. Tuy vậy, theo các chuyên gia, điều đó phải phụ thuộc khá nhiều vào nhận thức, ý chí quyết tâm và các giải pháp cụ thể của các cơ quan chức năng TP. Cần Thơ trong thời gian tới.

PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL mới chỉ chú trọng phát triển kinh tế địa phương mình là chủ yếu, trong khi đó, bỏ ngỏ hoạt động phát triển liên kết liên vùng. Các địa phương còn khá lúng túng trong việc triển khai các chính sách do thiếu định hướng quy hoạch chung về các vấn đề quản lý và sử dụng tài nguyên đất, tài nguyên nước và ứng phó biến đổi khí hậu. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải nhận diện được những hạn chế đang là điểm nghẽn của liên kết vùng ĐBSCL hiện nay và những nguyên nhân của các hạn chế đó.

“Đồng tâm hiệp lực” để cùng phát triển

Cũng theo PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, các nguyên nhân của hạn chế hiện nay về liên kết kinh tế vùng ĐBSCL nằm chủ yếu vẫn còn tồn tại “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích cục bộ địa phương” và tầm nhìn ngắn hạn trong bộ máy thực thi ở địa phương khiến cho chính quyền địa phương chưa thực sự thấy được lợi ích lâu dài từ liên kết vùng.

Cùng với đó, nhận thức về liên kết giữa các chủ thể kinh tế của các đơn vị kinh tế vi mô để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn chưa đầy đủ; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn có tiềm năng về tài chính, công nghệ và quyền lực thị trường để dẫn dắt và phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm; thể chế pháp lý hỗ trợ cho việc thực hiện tốt các hợp đồng chưa được chú ý.

Từ đó, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn đề xuất, các cấp, các ngành cần nâng cao nhận thức về vấn đề liên kết kinh tế vùng ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH và thực hiện phát triển bền vững trên cả hai phương diện là cả ở tầm vĩ mô: Chính quyền, nhà quản lý và ở tầm vi mô: các chủ thể tham gia thị trường và liên kết kinh tế). Đồng thời, phải chú ý tới lợi ích của các bên tham gia vào liên kết kinh tế vùng để đảm bảo các liên kết là bền vững.

Tiểu vùng ven biển phía Đông ĐBSCL phát triển sau khi cầu Rạch Miễu thông xe tạo kết nối cho tuyến giao thông

Để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng, mỗi tỉnh, thành phố chắc chắn không thể hành động riêng lẽ mà phải nhất quán, “đồng tâm hiệp lực” một cách sâu sắc để đạt được mục tiêu phát triển bền vững.

Theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ, các địa phương trong vùng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng thể chế điều phối vùng, liên kết và chủ động tham vấn giữa các tỉnh, thành phố trong vùng trong hoạch định cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết nối sản xuất và tiêu thụ sản xuất.

Đồng thời, các địa phương trong vùng ĐBSCL tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong xây dựng thể chế điều phối vùng, liên kết và chủ động tham vấn giữa các tỉnh, thành phố trong vùng trong hoạch định cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết nối sản xuất và tiêu thụ sản xuất.

Trong đó, các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, bao gồm các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và Cần Thơ cũng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động liên kết phối hợp toàn vùng trong giai đoạn tiếp theo tạo động lực để liên kết tất cả các tỉnh, thành phố trong toàn vùng ĐBSCL.

Còn ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng: Quy hoạch tổng thể khu vực ĐBSCL đã có nhưng phải được xây dựng, ban hành và thực thi một chương trình chính thức về mối liên kết, phát triển vùng. Ngoài ra, cùng với liên kết toàn vùng ĐBSCL thì cũng cần liên kết các tiểu vùng.

Cũng theo ông Dương Thành Trung, trong đề án của tiểu vùng có nhiều nội dung quan trọng như: tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cơ chế phân bổ sử dụng nguồn lực; quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển nguồn nhân lực và giáo dục - đào tạo, y tế; cải cách thể chế, hành chính, cùng với các nhiệm vụ, giải pháp và phân công thực hiện cụ thể. Thông qua các nội dung này, việc liên kết giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL sẽ phát huy hiệu quả cao hơn, đúng tiềm năng và dư địa của vùng.

Mới đây, tại Hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh, thành khẩn trương triển khai lập quy hoạch vùng ĐBSCL và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong quá trình lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành cần lưu ý phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù của vùng, của từng địa phương; quan tâm các vấn đề liên quan đến liên kết nội vùng và liên kết với TP.HCM.

Đồng thời, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương phối hợp, tháo gỡ khó khăn tại từng địa phương, tạo điều kiện thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu; đề xuất phương án xử lý kiến nghị của địa phương để tháo gỡ “nút thắt”, “điểm nghẽn” trong việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết vùng để Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO