Lào Cai: Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở các huyện vùng cao mới đạt hơn 32%
(TN&MT) - Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lào Cai chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trung bình khoảng 450 tấn/ngày. Trong thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động triển khai thực hiện công tác quản lý, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn. Tuy nhiên tại các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai tỷ lệ phân loại CTRSH tại nguồn chỉ đạt khoảng 32%.
Từ năm 2021 - 2023, có khoảng từ 140.000 - 164.000 tấn CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có gần 83.200 tấn CTRSH phát sinh; tại khu vực đô thị là 38.394 tấn và tại khu vực nông thôn là 44.793 tấn.
Hiện nay, tại khu vực đô thị đều được các đơn vị dịch vụ công ích thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải: Khu vực thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, thị trấn Bát Xát, thị trấn Bắc Hà do Công ty Cổ phần môi trường đô thị Lào Cai thực hiện. Khu vực thị trấn Phố Ràng, xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên), thị trấn Khánh Yên (huyện Văn Bàn), thị trấn Si Ma Cai do Công ty TNHH MTV Môi trường công nghiệp Hoàng Yến thực hiện; thị trấn Phố Lu, thị trấn Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng do Doanh nghiệp tư nhân Nguyễn Công Chiểu thực hiện; thị trấn Mường Khương do Hợp tác xã Mường Khương thực hiện.
Tần suất thu gom rác thải tại khu vực đô thị từ 01 - 02 lần/ngày; riêng thành phố Lào Cai tần suất thu gom 03 lần/ngày. Đối với khu vực thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, thị trấn Bát Xát, rác hữu cơ được đưa về Nhà máy xử lý rác thải tại thành phố Lào Cai để sản xuất làm phân bón; rác thải vô cơ được đem chôn lấp tại bãi chôn lấp xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai. Các địa phương còn lại CTRSH được thu gom, vận chuyển và xử lý tại các bãi chôn lấp của địa phương.
Đối với các xã vùng thấp, trung tâm các xã, dọc Tỉnh lộ, Quốc lộ, các địa phương đã thành lập các tổ, đội, hợp tác xã hoặc người dân đóng góp kinh phí để thuê đơn vị vận chuyển, thu gom rác về các bãi chôn lấp tập trung của huyện, cụm xã để xử lý với tần suất 02 - 03 lần/tuần.
Ở các xã vùng cao hiện nay chủ yếu tuyên tuyền các hộ dân tự phân loại, xử lý chất thải hộ gia đình. Chất thải hữu cơ tận dụng ủ làm phân bón trồng cây. Chất vô cơ được thu gom, chôn lấp, đốt theo quy mô hộ gia đình.
Việc phân loại CTRSH tại nguồn mới chỉ tập trung một bộ phân người dân có hiểu biết các quy định pháp luật và tại các khu vực đô thị như: Sa Pa, Bát Xát, thành phố Lào Cai (là các đô thị đã triển khai thí điểm Đề án phân loại CTRSH tại nguồn). Còn lại hầu hết CTRSH gồm vô cơ và hữu cơ đều được thu gom chung và mang đi chôn lấp nên tỷ lệ phân loại CTRSH tại nguồn đạt thấp, đến nay mới đạt khoảng 32,3% trên tổng số khối lượng CTRSH phát sinh.