Lạng Sơn ứng phó hiện tượng thời tiết cực đoan: Trọng tâm là công tác phòng ngừa
(TN&MT) - Dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan như rét đậm, mưa lớn, giông lốc... trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có chiều hướng gia tăng cả về cường độ và mức độ nguy hiểm đặt ra yêu cầu cần đẩy mạnh công tác phòng ngừa, ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu phát sinh.
Đảm bảo an toàn các công trình
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, triển khai công tác phòng chống thiên tai, trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chủ động ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo Ban Chỉ huy các huyện, thành phố, các sở, ngành cử cán bộ trực 24/24 giờ để theo dõi diễn biến thời tiết, sẵn sàng chỉ đạo, đối phó, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng tránh. Kiểm tra, chuẩn bị phương tiện, nhân lực sẵn sàng tham gia ứng phó các tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Đợt mưa lớn đầu tháng 5/2022 tại tỉnh Lạng Sơn đã gây lũ, sạt lở đất, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thiên tai làm 3 người thiệt mạng, 3 người bị thương; 84 nhà sập đổ trên 70%; 311 nhà tốc mái, hư hỏng; 4.702 nhà bị ngập nước; cùng nhiều thiệt hại về nông nghiệp, đường giao thông, trường, trạm… Tổng thiệt hại ước tính trên 710 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2023, thiên tai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tiếp tục gây thiệt hại hơn 8 tỷ đồng...
Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, phương án PCTT&TKCN phù hợp điều kiện cụ thể của từng ngành, từng địa phương, theo phương châm “4 tại chỗ”.
Hiện nay, tại trụ sở UBND cấp xã đã có hệ thống kết nối trực tuyến, tăng cường kết nối qua mạng Internet đảm bảo nhanh chóng, kịp thời cập nhật thông tin, các chỉ lệnh của cấp trên; đã thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã, trong đó lấy lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt.
Đặc biệt, chủ động rà soát, đảm bảo an toàn các hồ chứa, đập dâng. Toàn tỉnh hiện có 161 hồ chứa, 1.494 phai, đập dâng và 165 trạm bơm. Trước khi bước vào mùa mưa lũ, các địa phương đã kiểm tra, đánh giá chung tình hình ổn định đập; theo dõi diễn biến thời tiết, hạ thấp mực nước hồ khi cần thiết để có dung tích phòng lũ; phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các sở, ngành, địa phương để xây dựng, cập nhật, bổ sung phương án phòng, chống lụt, bão, đảm bảo an toàn hồ chứa và phòng chống lũ, lụt vùng hạ du.
Qua kiểm tra, rà soát, sau mùa mưa, lũ 2022, một số hồ chứa trong quá trình tích nước cao đã có hiện tượng thấm qua thân đập như: hồ Phai Danh (Bình Gia), Phai Thuống, Khuôn Ngần (Bắc Sơn), hồ Hua Khao, Cao Lan, Kéo Quân (Tràng Định)…
Một số đập dâng như Tân Thanh, hệ thống đập dâng Hội Hoan, Thanh Long, Lũng Mười (Văn Lãng), Pàn Mò, Pắc Dầu, Khuổi Tà (Đình Lập)… cũng xuất hiện hư hỏng như thân đập bị rò rỉ, xuống cấp, đổ vỡ bê tông sân tiêu năng, nước thấm qua thân đập...
Với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn cử cán bộ theo dõi 24/24h diễn biến mực nước hồ, chủ động hạ thấp, duy trì mực nước hồ đảm bảo an toàn; xây dựng phương án sửa chữa nâng cấp các hạng mục đập dâng bị hư hỏng.
Rà soát, di dời dân cư vùng thiên tai
Theo báo cáo nhận định xu thế khí tượng, thủy văn năm 2023 của Đài Khí tượng thủy văn Lạng Sơn, khoảng từ tháng 8 - 10/2023, có khả năng xuất hiện 1 hoặc 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp tới thời tiết của tỉnh…
Theo ông Lý Việt Hưng - Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục nâng cao ý thức của người dân để chủ động phòng ngừa, ứng phó thông qua công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và trực tiếp dùng xe lưu động, dùng loa tay thông tin cảnh báo đến các khu dân cư có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét…
Chú trọng hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến (nhất là mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, rét hại...), bảo đảm thông tin về thiên tai đến người dân khu vực chịu ảnh hưởng.
Kiện toàn, nâng cao năng lực của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Làm tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các huyện, thành phố, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn, chủ động phối hợp triển khai kịp thời các phương án phòng tránh, ứng cứu.
Bên cạnh đó, rà soát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư để chủ động tổ chức di dời, sơ tán; thậm chí, dùng biện pháp cưỡng chế với trường hợp cố tình không di dời...
Chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, dự báo sát khả năng, mức độ ảnh hưởng của mưa lũ, kịp thời ban hành các chỉ lệnh, công điện hỏa tốc và phân công cán bộ trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo các cấp, các ngành kiểm tra, rà soát các phương án phòng tránh.
Tiếp tục triển khai thực hiện Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai năm 2023; phòng trào thi đua “Chủ động phòng chống thiên tai, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2021 - 2025. Từng bước đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp.