Lắng nghe, giải quyết những bức xúc từ cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường

13/03/2019 13:31

(TN&MT) – Sáng 13/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về việc rà soát các quy định pháp luật vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

bộ trưởng
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về việc rà soát các quy định pháp luật vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ảnh: Khương Trung

Báo cáo tổng hợp những ý kiến, kiến nghị về các quy định pháp luật vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, sau 5 tháng tổng hợp các ý kiến, kiến nghị từ những văn bản kiến nghị của 56 địa phương trên cả nước; với khoảng 1000 kiến nghị của cử tri, địa phương, doanh nghiệp và đại biểu Quốc hội; các kiến nghị tại 2 Hội nghị giao ban vùng năm 2018 và báo cáo tổng hợp vướng mắc pháp luật của Thanh tra Bộ cho thấy, những lĩnh vực có nhiều kiến nghị nhất là đất đai (68,5%) và môi trường (19,5%); khoáng sản (7,5%).

Theo ông Phan Tuấn Hùng, những nội dung kiến nghị trong lĩnh vực đất đai chủ yếu về: các quy định chung; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Đăng ký đất đai, cấp GCN; Tài chính đất đai, giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất; Chế độ sử dụng đất; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Thủ tục hành chính về đất đai; Giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo.

Thứ trưởng Trần Qúy Kiên
Thứ trưởng Trần Qúy Kiên phát biểu ý kiến tại buổi làm việc sáng 13/3. Ảnh: Khương Trung

Trong lĩnh vực môi trường, các nội dung kiến nghị liên quan đến đánh giá tác động môi trường; quan trắc môi trường; phí bảo vệ môi trường; nhập khẩu phế liệu; cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; thủ tục hành chính; đề án bảo vệ môi trường và xử lý vi phạm hành chính.

“Ở lĩnh vực khoáng sản, nội dung kiến nghị tập trung vào các vấn đề như: Điều tra cơ bản về địa chất và quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản; Khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường và khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình; Khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm và sử dụng đất, hạ tầng trong hoạt động khoáng sản; Thăm dò khoáng sản; Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Quyền lợi của địa phương, người dân nơi có khoáng sản…”, ông Phan Tuấn Hùng chỉ rõ.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị rà soát lại tất cả các lĩnh vực. Ảnh: Khương Trung

Trên cơ sở tổng hợp những quy định pháp luật còn vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đề xuất xây dựng 01 văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật để xử lý nhiều quy định vướng mắc, bất cập. Trước mắt tập trung xử lý các quy định vướng mắc, bất cập thuộc thẩm quyền của Chính Phủ, Bộ trưởng; lâu dài sẽ xử lý các quy định vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội vì cần thời gian tổng kết, đánh giá và chuẩn bị.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quý Kiên cho rằng, cần nhanh chóng ban hành bổ sung, sửa đổi những văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ. Thứ trưởng lấy dẫn chứng liên quan đến quyền của tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác tài nguyên, hiện nay chúng ta có 3 lĩnh vực là đất đai, khoáng sản và tài nguyên nước thu rất nhiều cho ngân sách; trong đó, quyền cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản của tổ chức, cá nhân trước đây quy định rất rõ quyền thế chấp ngân hàng, nhưng năm 2010 đã bỏ quy định này.

Đối với lĩnh vực biển, hải đảo, Thứ trưởng Trần Quý Kiên đề nghị cần tập trung thực hiện thật tốt việc chỉnh sửa, đề xuất Chính phủ ban hành các Nghị định thay thế Nghị định 51/NĐ-CP và 02 quy hoạch gồm: Quy hoạch tổng thể không gian biển; Quy hoạch quản lý, khai thác tổng hợp vùng bờ.

ông Phan Tuấn Hùng
Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày báo cáo tổng hợp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật vướng mắc, bất cập trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ảnh: Khương Trung

Theo Thứ trưởng Trần Qúy Kiên, đối với lĩnh vực biển, hải đảo cần tập trung thực hiện thật tốt việc chỉnh sửa, đề xuất Chính phủ ban hành các nghị định thay thế nghị định 51 và hai quy hoạch gồm: quy hoạch tổng thể không gian biển; quy hoạch quản lý, khai thác tổng hợp vùng bờ.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng đề nghị tất cả các lĩnh vực rà soát lại, phân rõ những trường hợp kiến nghị hiểu chưa đúng; các trường hợp đề xuất nhiều năm nay nhưng chưa sửa được để giải thích rõ ràng. Từ đó, đưa ra đề xuất sửa những cái gì, sửa nghị định nào, thông tư nào… để sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường.

bộ trưởng chủ trì
Cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện...thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Khương Trung

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cách làm việc lắng nghe từ cơ sở, giải quyết những bức xúc từ cơ sở là giải pháp mang tính bứt phá.

Bộ trưởng đề nghị Vụ Pháp chế tiếp tục chủ trì tổng hợp, tham vấn và tiến hành các thủ tục theo quy định. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các nhóm vấn đề trong các lĩnh vực. Đồng thời, phân thành các nhóm vấn đề: Nhóm thứ nhất, nhóm các phản ánh đã được phản ánh nhiều nhưng do quy định pháp luật là đúng nhưng chưa hiểu, chưa rõ, chưa thống nhất mà người ta hỏi; Nhóm thuộc về quy định liên quan đến luật, không thống nhất giữa luật này và luật khác…

“Tôi cho rằng, các Tổng cục, Cục, Vụ... có trách nhiệm chính trong việc rà soát, đánh giá, hướng dẫn thực hiện và dự thảo quy định sửa đổi, bổ sung các quy định vướng mắc, bất cập thuộc lĩnh vực quản lý. Các đơn vị quản lý từng lĩnh vực cần lắng nghe từ địa phương và đưa ra các vấn đề cụ thể hơn, rõ ràng hơn”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe, giải quyết những bức xúc từ cơ sở để hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO