Lang Chánh (Thanh Hóa): Người dân sống thấp thỏm dưới “quả bom” chứa bùn thải quặng

25/07/2019 11:07

(TN&MT) -  Từ khi mỏ quặng đồng ở xã Yên Thắng và Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa) đi vào khai thác, người dân luôn phải sống trong thấp thỏm, lo âu dưới chân đập chứa bùn thải trong quá trình tuyển quặng. Mỗi mùa mưa lũ tới, nỗi sợ càng lên cao, khi thân đập vô cùng mong manh có khả năng vỡ bất cứ khi nào.

Mỏ quặng đồng ở xã Trí Nang và Yên Thắng huyện Lang Chánh được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty Cổ phần thương mại và Xây dựng Tây Đô khai thác từ năm 2016. Từ đó tới nay mọi hoạt động khai thác, tuyển quặng diễn ra khá rầm rộ, cùng với đó là bùn thải trong quá trình tuyển quặng tương đối lớn.
 

Người dân lo ngại “quả bom” bùn thải quặng luôn treo lơ lửng trên đầu.
Người dân lo ngại “quả bom” bùn thải quặng luôn treo lơ lửng trên đầu.

Đập chứa bùn thải của mỏ khai thác quặng đóng lưng chừng núi Pu Tên, nằm sát Quốc lộ 350 nối từ thị trấn Lang Chánh vào xã Yên Thắng. Khó có thể xác định được trữ lượng bùn thải, nhưng quan sát bằng mắt thường thì trữ lượng bùn không hề nhỏ.

Tại đập chứa phía đông bản Vần Trong, xã Yên Thắng thân đập được đắp bằng đất sơ sài, chiều rộng đỉnh đập chỉ chừng 2 - 3m, cao phải đến cả chục mét theo chiều thẳng đứng. Trên đỉnh đập, chủ mỏ mở một đường thoát nước, hễ nước dâng thì tự động tràn ra ngoài. Phía dưới chân đập, nước rò rỉ khiến không ít bùn đỏ tràn xuống mương nước chảy ra suối Ngàm. Người dân bản Ngàm bao đời nay đều dùng nước suối Ngàm để ăn uống, sinh hoạt nhưng từ khi mỏ quặng đồng về đây khai thác dòng suối trở nên đục ngầu không thể dùng được nữa.
 

Thân đập chứa bùn thải quặng được đắp bằng đất sơ sài, có nguy cơ vỡ rất cao khi xảy ra mưa bão.
Thân đập chứa bùn thải quặng được đắp bằng đất sơ sài, có nguy cơ vỡ rất cao khi xảy ra mưa bão.

Trên đỉnh núi Pu Tên, máy xúc, máy đào và các phương tiện vẫn cần mẫn khai thác, tuyển quặng. Bùn đỏ đặc quánh từ trên núi tràn xuống; thân đập nhỏ, trong khi đó nước dâng cao khiến đập chứa bùn thải này có nguy cơ vỡ rất cao nhất là đang trong mùa mưa bão.

Ngoài đập chứa ở phía đông bản Vần Trong còn có 1 đập chứa bùn thải sát khu tuyển quặng nằm ngay sau khu dân cư, từ đập chứa này nước sẽ theo các rãnh nhỏ dẫn trực tiếp xuống suối Vần.

Ông Vi Văn Chính, Trưởng bản Vần Trong cho biết: Mùa mưa lũ chuẩn bị bước vào cao điểm, nỗi bất an đập chứa bùn thải vỡ càng cao.  Đã có đợt bùn thải tràn vào nhà, ruộng, dù đã được công ty hỗ trợ, đền bù nhưng năng suất đến nay vẫn giảm khoảng 40% so với trước đây. Hễ có mưa là nước tràn vào nhà một số hộ dân sống gần mỏ khai thác. Mùa mưa năm 2017, sự cố tràn đập đã khiến 7 sào lúa và một số đoạn kênh mương của dân bản bị vùi lấp.
 

Công ty mở một miệng cống, để khi nước dâng cao thì tự chảy.
Công ty mở một miệng cống, để khi nước dâng cao thì tự chảy.

Ông Chính cũng cho biết thêm: Vào ngày 16/6 vừa qua, sau cơn mưa nhỏ nước từ đập chứa bùn thải tràn vào khe Na Khọ. Rất may là cơn mưa không kéo dài nếu không thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị UBND xã Yên Thắng yêu cầu công ty gia cố thân đập để yên tâm sinh sống.

Ngoài ra, việc chở quặng đi tiêu thụ khiến 600m đường cấp phối của bản Vần Trong cũng bị xuống cấp. Phía công ty hứa sẽ đầu tư làm đường bê tông nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai, thế nên mỗi lần xe chở quặng đi qua là bụi bay mù mịt.

Người dân xã Yên Thắng và Trí Nang cũng phản ánh  việc chở quặng quá tải trọng đã khiến trên 10 km đường nhựa Quốc lộ 350 bị hư hỏng nặng. Trong khi các ngành chức năng vẫn không có phương án sửa chữa, tu bổ khiến việc tham gia giao thông gặp nhiều bất trắc.
 

Dẫn tới dưới chân đập, nhiều điểm rò rỉ bùn thải chảy xuống suối.
Dẫn tới dưới chân đập, nhiều điểm rò rỉ bùn thải chảy xuống suối.

Trao đổi với PV, ông Lương Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Yên Thắng, cho biết: Sau khi gia hạn thì thời gian khai thác mỏ tại núi Pu Tên được nâng lên 20 năm. Quy mô mỏ không tăng nhưng hiện nay đơn vị khai thác đang mở rộng hồ chứa bùn thải. Hạ lưu của 2 đập chứa bùn thải có gần 30 hộ dân sinh sống, trong đó có 9 hộ đã từng bị đất đá tràn vào nhà khi trời mưa. Năm nào vào mùa mưa lũ, xã đều phải cắt cử cán bộ canh chừng sự cố để ứng phó trong trường hợp vỡ đập.

“Đoạn Quốc lộ 350 hư hỏng, một phần nguyên nhân cũng do việc vận chuyển quặng quá tải trọng. Còn việc xe chở quặng gây bụi, người dân cũng phản ánh, nhưng công ty vẫn chưa khắc phục.  Phía xã đề nghị công ty cần làm rõ xem với tình trạng đập chứa bùn thải như vậy đã an toàn chưa, nếu chưa đảm bảo phải nhanh chóng gia cố để dân bản yên tâm sinh sống” – ông Hải cho biết thêm.

Mùa mưa bão chuẩn bị bước vào cao điểm, người dân xã Yên Thắng sống dưới chân đập chứa bùn thải quặng đồng thấp thỏm, bất an khi chỉ vừa một cơn mưa nhỏ vào ngày 16/06 đã làm bùn thải tràn xuống khe Na Khọ. Vậy khi xảy ra mưa bão, lũ cuốn thì “quả bom” bùn thải treo trên đầu liệu có vỡ?

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lang Chánh (Thanh Hóa): Người dân sống thấp thỏm dưới “quả bom” chứa bùn thải quặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO