Ảnh minh họa |
Chị Minh Anh, chủ nhà hàng hải sản trên đường Quang Trung (Q. Gò Vấp) rất vui mừng khi được chủ nhà giảm 40% tiền thuê mặt bằng trong những tháng giãn cách. Chị dự tính sẽ tiếp tục việc kinh doanh để bù lại những ngày thất thu do ảnh hưởng của dịch. Song, sau gần 1,5 tháng mở cửa trở lại, lượng khách đến nhà hàng vẫn rất ít, cùng với việc chủ nhà thông báo chỉ giảm 20% tiền thuê mặt bằng cho đến cuối năm, nên chị Minh Anh quyết định đóng cửa, ngưng kinh doanh vì không “gồng” nỗi chi phí.
Theo khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường, dù giá nhà cho thuê tại TP.HCM đã giảm suốt mùa cao điểm giãn cách, nhưng tỷ lệ trống tiếp tục tăng cao sau khi thành phố dỡ phong tỏa. Trong khi đó, dịch bệnh cũng thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Rất nhiều người đã chuyển sang bán hàng online và trả mặt bằng. Tất cả chi phí mặt bằng sẽ được chuyển sang mục đích quảng cáo, thu hút khách hàng.
Các số liệu khảo sát cho thấy, đến đầu tháng 11/2021, giá thuê mặt bằng kinh doanh vị trí mặt tiền đường ở khắp khu vực trung tâm lẫn ngoại thành TP.HCM đều tiếp tục giảm trung bình 30% và cao nhất 50%. Nguyên nhân do khách thuê phản ảnh tình hình kinh doanh khó khăn hơn trước, dẫn đến khó trụ lại, khiến nhiều chủ nhà đồng ý kéo dài thời hạn giảm giá đến hết năm nay. Động thái này để kích cầu trong bối cảnh mặt bằng vẫn bị bỏ trống nhiều do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, thị trường bất động sản cho thuê sẽ còn khó khăn và chưa thể phục hồi vào thời điểm cuối năm nay. Việc "mở cửa" trở lại chưa cho thấy nền kinh tế sẽ khởi sắc ngay và lượng lao động thất nghiệp có thể phục hồi thu nhập. Người lao động đã gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh kéo dài, cộng thêm thời điểm cuối năm đang đến, xu hướng đổ về quê sẽ tiếp tục gia tăng. Nhu cầu mặt bằng, nhà trọ được dự báo có thể giảm trong thời gian tới.