Lâm Hà (Lâm Đồng): Vào rừng hái phong lan thành... tội hủy hoại rừng?

03/06/2016 00:00

(TN&MT) - Trong khi đi kiếm lan rừng thì Tài thấy một nhóm người dân tộc thiểu số đang dùng dao phát chặt hạ cây rừng. Khi Tài đang đứng cạnh những người này...

 

(TN&MT) – Ngày 24/4/2015, Phạm Văn Tài 25 tuổi (xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) một mình đi xe máy vào khoảnh 4 tiểu khu 253 rừng phòng hộ Lán Tranh (xã Phúc Thọ, Lâm Hà) để hái hoa lan rừng. Trong khi đi kiếm lan rừng thì Tài thấy một nhóm người dân tộc thiểu số đang dùng dao phát chặt hạ cây rừng. Khi Tài đang đứng cạnh những người này thì bị cán bộ quản lý rừng bắt, còng tay đưa về trạm...Từ đây, một "kỳ án" về tội hủy hoại rừng đã ập xuống đầu Tài.

Hiện trường những gốc cây lớn được cho là đã bị chặt phá bởi dao phát cỏ thủ công trong vòng 7 giờ đồng hồ.
Hiện trường những gốc cây lớn được cho là đã bị chặt phá bởi dao phát cỏ thủ công trong vòng 6 giờ đồng hồ.

Chỉ gần 6 giờ chặt được 6.967m2 rừng bằng dao phát thủ công(?!)

Theo bản kết luận điều tra ngày 22/12/2015 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Lâm Hà, khoảng 14 giờ 30 phút ngày 24/4/2015, nhận được tin báo của quần chúng là có các đối tượng đang phá rừng tại Lô a khoảnh 4 tiểu khu 253 rừng phòng hộ Lán Tranh, cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh phối hợp Ban chỉ huy quân sự huyện Lâm Hà vây bắt các đối tượng. Tổ công tác bắt quả tang ông Phạm Văn Tài cùng 7 người dân tộc thiểu số đang sử dụng dao phát chặt hạ cây rừng. Cán bộ chức năng đã còng tay Tài bằng còng số 8 rồi đưa về Ban quản lý, bảo vệ rừng xã Phúc Thọ. Tại trạm quản lý, lợi dụng sơ hở Tài đã bỏ chạy và mang theo cả còng số 8.

Quá trình điều tra xác minh trước đó một ngày (23/4/2015), Tài tới thôn 5 xã Tân Thanh thấy K’Liêm đang ngồi trước sân, Tài hỏi và nhờ anh này thuê nhân công đi phát cỏ vườn. Tài nói K’Liêm hôm sau nói mọi người đến nhà Tài để Tài dẫn đi làm. Sáng hôm sau, có 8 người dân tộc (không có K’Liêm) đến nhà Tài rồi Tài dẫn vào khoảnh rừng nói trên và chỉ cho họ chặt hạ cây rừng tại đây. Lúc đó, theo kết luận điều tra, khoảng 8 giờ sáng.

Những gốc cây lớn tại hiện trường vụ án, được cho là Tài chủ mưu thuê người dân tộc chặt phá bằng dao phát cỏ thủ công
Những gốc cây lớn tại hiện trường vụ án, được cho là Tài chủ mưu thuê người dân tộc chặt phá bằng dao phát cỏ thủ công

Trong khi những người này chặt hạ cây rừng, Tài cũng có mặt và tham gia cưa hạ cây bằng cưa tay. Thời gian cưa, chặt hạ cây từ 8 giờ đến 15 giờ 15 phút cùng ngày 24/4 (có nghỉ trưa từ 11 giờ 30 đến 13 giờ) thì bị bắt quả tang. Thế nhưng, mãi gần một tháng sau, ngày 12/5 Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Lâm Hà mới chủ trì phối hợp với Viện Kiểm sát, Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ Lán Tranh tiến hành khám nghiệm hiện trường. Kết quả xác định diện tích rừng bị thiệt hại là 6.967m2 rừng sản xuất. Các cây rừng bị chặt hạ có đường kính 10-20cm bị cưa, chặt hạ dấu vết mới và đều còn tươi.

Như vậy, không lẽ chỉ trong có gần 6 giờ phá rừng (vì trừ ra 1,5 giờ nghỉ trưa) thì các đối tượng đã chặt phá gần 7.000m2 rừng? Không lẽ mỗi giờ chặt được hơn 1.000m2 rừng chỉ với dao phát thủ công?.

Kết luận điều tra “tiền hậu bất nhất”

Bất ngờ, 5 tháng sau, ngày 5/10/2015, Cơ quan Cảnh sát Điều tra huyện Lâm Hà lại phối hợp với các cơ quan kể trên tiến hành xác định lại hiện trường. Kết quả xác định diện tích rừng bị thiệt hại là 6.742m2(?), ngót hơn 200m2 so với 5 tháng trước đó. Cạnh đó, các cơ quan chức năng xác định thiệt hại về lâm sản hơn 119m3, giá trị thiệt hại hơn 245 triệu đồng. Bản kết luận điều tra số 11 ngày 22/12/2015 do Thượng tá Nguyễn Hùng Dũng, Phó Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Lâm Hà, ký khẳng định như trên.

Sau đó bản kết luận điều tra này được chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lâm Hà chờ phê chuẩn nhưng Viện Kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Hai tháng sau, ngày 2/2/2016, Thượng tá Nguyễn Hùng Dũng lại tiếp tục ký kết luận điều tra bổ sung mang số 03. Theo kết luận bổ sung này, giá trị gỗ bị thiệt hại “ngót” xuống còn hơn 97m3 và giá trị thiệt hại còn hơn 151 triệu đồng(?).

Theo luật sư Đỗ Văn Bảy (Văn phòng Luật sư Đỗ Bảy, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng), biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 12/5/2015 không đảm bảo tính pháp lý, không phản ánh chính xác hiện trường nên không thể xác định đúng diện tích rừng bị chặt phá cũng như khối lượng, giá trị lâm sản bị thiệt hại do hành vi phá rừng ngày 24/4/2015 gây ra. Do đó, việc xác định hiện trường, khám nghiệm hiện trường ngày 5/10/2015 cũng không có căn cứ, chỉ mang ý nghĩa “hợp lý hóa” hồ sơ đã khởi tố. Việc không lập ngay biên bản hiện trường, chụp ảnh hiện trường ngay từ ban đầu và mãi đến ngày 12/5/2015 mới tổ chức khám nghiệm hiện trường (sau gần một tháng) mà không có mặt những người vi phạm là không khách quan, không minh bạch. Vì vậy, việc sử dụng biên bản hiện trường này để tính diện tích rừng bị chặt phá, tính giá trị lâm sản bị thiệt hại để khởi tố vụ án, khởi tố bị can là không có căn cứ, có dấu hiệu bao che trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng của chủ rừng, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng quy định tại Khoản 1 Điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Mặt khác, tội hủy hoại rừng thuộc nhóm tội có cấu thành vật chất. Cho nên lấy diện tích rừng bị xâm hại hoặc giá trị lâm sản bị thiệt hại làm căn cứ khởi tố, truy tố, xét xử là không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Luật sư Đỗ Văn Bảy nhận định, tang vật trong vụ án đều không có giá trị chứng minh Tài có hành vi phạm tội hủy hoại rừng. Bởi vì, để chứng minh “Tài cũng có mặt và cũng tham gia cưa hạ cây rừng bằng cưa tay”, nhưng trên thực tế tang vật vụ án do cơ quan chức năng thu được ngay tại hiện trường lại không có chiếc cưa tay nào.

Trong lúc đó, theo lời khai của K’Broi “…trước khi chúng tôi chặt hạ cây rừng, tôi thấy diện tích rừng đó các cây gỗ đã bị cưa hạ, chặt trước đó, chỉ còn cây rừng có đường kính khoảng 10cm - 18cm, mọc thưa thớt…”. Chứng tỏ diện tích rừng thuộc hiện trường vụ án đã bị cưa, chặt hạ “da beo” trước ngày 24/4/2015 rất lâu, mà chủ rừng và kiểm lâm đã không phát hiện ra.

Luật sư Đỗ Văn Bảy nhận định, phải chăng do hiện trường “da beo” có nhiều cây to đã bị hủy hoại trước đó bằng “cưa tay” nên tổ công tác và điều tra viên nại ra “cưa tay” để hợp lý hóa hồ sơ, kết tội oan cho Tài?. 

Cũng theo luật sư Đỗ Văn Bảy, việc khởi tố, bắt tạm giam, đề nghị truy tố Tài cũng như đề nghị Tài bồi thường thiệt hại trong vụ án này đều không có căn cứ, vi phạm nghiêm trọng Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Ngoài ra quá trình khởi tố, điều tra, truy tố còn một số biểu hiện vi phạm tố tụng như không giao các văn bản tố tụng cho Tài theo quy định, xâm phạm quyền tự bào chữa, quyền khiếu nại, tố cáo của Tài. Do đó đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Lâm Hà rút quyết định truy tố, đình chỉ điều tra vụ án, trả tự do và phục hồi các quyền, lợi ích hợp pháp cho Tài.

Ngày 3/6, TAND huyện Lâm Hà mở phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Văn Tài (ngụ xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) về tội hủy hoại rừng. Chỉ ngay sau phần xét hỏi, thấy có quá nhiều chứng cứ mâu thuẫn mà chưa được làm rõ, tòa đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này. 

Bài & ảnh: Trọng Mạnh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lâm Hà (Lâm Đồng): Vào rừng hái phong lan thành... tội hủy hoại rừng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO